Thêm một ấn phẩm quý về lịch sử Nam kỳ đến từ tác giả 8X

Ngày 1-10, tại TPHCM, tác giả Nguyễn Quang Diệu đã giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ. Sách do Omega Plus liên kết với NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành.

Tác giả Nguyễn Quang Diệu là người có mối quan tâm đặc biệt với lịch sử. Ngoài yêu thích đọc sách, anh đồng thời cũng là một biên tập viên dày dặn kinh nghiệm về lịch sử. Trước Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ, vào năm 2018, anh đã biên soạn và giới thiệu du ký Một tháng ở Nam kỳ (Phạm Quỳnh) với bút danh Thư Hương.

Sách viết về Nam kỳ trong thời gian gần đây không còn hiếm, nhất là trong thời đại số hóa hiện nay, khi độc giả biết tiếng Pháp đều có thể tìm đọc tại Thư viện Quốc gia Pháp hay các trung tâm lưu trữ. Ngay trong tủ sách Lịch sử Việt Nam và tủ sách Pháp ngữ do Omega Plus thực hiện, cũng có nhiều ấn phẩm viết về Nam kỳ với những góc nhìn khác nhau.

Ấn phẩm "Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ" mang đến nhiều tư liệu và tranh/ảnh quý giá về Nam kỳ

Ấn phẩm "Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ" mang đến nhiều tư liệu và tranh/ảnh quý giá về Nam kỳ

Vậy nhưng, cuốn sách Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ của Nguyễn Quang Diệu vẫn mang đến cho độc giả góc nhìn khác về con người và vùng đất Nam kỳ xưa thông qua những ghi chép về các sự kiện lịch sử, đặc biệt là cùng với gần 150 tranh/ảnh/bản đồ sống động, có giá trị, trong đó có 24 trang in tranh/ảnh màu và một số hình ảnh lần đầu tiên được giới thiệu.

Khi in lại tranh/ảnh xưa, ngoài những dòng chú thích nội dung tranh/ảnh, tác giả cũng cung cấp thêm các thông tin: Bản phác thảo của ai, hình họa của ai, và ai là thợ khắc… nhằm góp phần đưa ra ánh sáng tên tuổi những nghệ sĩ giúp lưu giữ hình ảnh Việt Nam trong quá khứ, qua đó có một cái nhìn rộng hơn về lịch sử nghệ thuật Việt Nam mà những nghệ sĩ phương Tây có dự phần, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Ngoài một lần nữa khẳng định công lao của Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam kỳ, thông qua cuốn sách của mình, tác giả Nguyễn Quang Diệu mong muốn đưa đến bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc phổ thông, bức tranh tổng quan về Lê Văn Duyệt. Ngoài hai lần giữ chức Tổng trấn Gia Đình, theo Nguyễn Quang Diệu, vai trò của Lê Văn Duyệt đối với việc phủ dụ người Man, vai trò đối nội với Xiêm La hay cai quản Chân Lạp đều rất quan trọng.

Tác giả Nguyễn Quang Diệu (ngoài cùng bên trái) và nhà nghiên cứu Lê Nguyễn (giữa) tại chương trình

Tác giả Nguyễn Quang Diệu (ngoài cùng bên trái) và nhà nghiên cứu Lê Nguyễn (giữa) tại chương trình

Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ tập trung vào giai đoạn lịch sử từ 1810 đến 1930. Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng được tác giả nhắc đến như: Năm 1874, Hòa ước Giáp Tuất được ký kết buộc triều đình Huế giao trọn Nam kỳ lục tỉnh cho người Pháp. Sau đó, Pháp buộc triều đình Huế ký liên tiếp hai bản Hòa ước Quý Mùi năm 1883 và Hòa ước Giáp Thân năm1884, biến Bắc kỳ và Trung kỳ của Đại Nam trở thành xứ bảo hộ của người Pháp.

Đến năm 1887, Liên bang Đông Dương được thành lập, đứng đầu là Toàn quyền Đông Dương, cai quản xứ thuộc địa và hai xứ bảo hộ của Đại Nam, kể cả vương quốc Cao Miên; đặt thủ phủ tại Sài Gòn (Nam kỳ), đến năm 1902 mới dời ra Hà Nội…

Đông đảo bạn đọc, trong đó nhiều bạn đọc trẻ đã quan tâm đến dự

Đông đảo bạn đọc, trong đó nhiều bạn đọc trẻ đã quan tâm đến dự

Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ là cuốn sách viết cho đại chúng với giọng văn mềm mại mà vẫn đảm bảo nguồn trích dẫn rõ ràng, nội dung trình bày có lớp lang, bài bản, song song với những câu chuyện là nhiều tranh ảnh quý minh họa, giúp góp thêm vài nét chấm phá cho bức tranh tổng thể về Nam kỳ nói chung và Sài Gòn - TPHCM nói riêng.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/them-mot-an-pham-quy-ve-lich-su-nam-ky-den-tu-tac-gia-8x-post707938.html