Thêm Nga và UAE cấm xuất khẩu gạo, 3 tỷ người trên thế giới lo lắng

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định các quốc gia liên tiếp cấm xuất khẩu gạo gây nguy cơ lạm phát lương thực, làm 3 tỷ người trên thế giới hoang mang.

Ngày 29/7, cơ quan chức năng Nga thông báo ngừng xuất khẩu gạo đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường nội địa. Lệnh cấm không áp dụng với các nước thành viên thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu, Abkhazia và Nam Ossetia.

Trước đó một ngày, Bộ Kinh tế Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) học theo Ấn Độ, thông báo dừng xuất khẩu gạo trong vòng bốn tháng, hiệu lực ngay lập tức.

Nga và UAE không nằm trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, tuy nhiên, việc theo sau Ấn Độ để "hỗ trợ thị trường trong nước" khiến thị trường xuất - nhập khẩu gạo thế giới thêm biến động.

Một tuần trước, Bloomberg đưa tin thị trường gạo quốc tế nhiều khả năng chao đảo khi Ấn Độ (quốc gia chiếm 40% sản lượng xuất khẩu gạo toàn cầu) thông báo cấm xuất khẩu gạo không phải loại Basmati (loại gạo phổ biến ở Nam Á). Theo thông tin chính phủ, quyết định tác động đến 25% tổng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.

Gạo là lương thực thiết yếu của 3 tỷ người trên thế giới.

Gạo là lương thực thiết yếu của 3 tỷ người trên thế giới.

Gạo là lương thực thiết yếu của người châu Á nói riêng và thế giới nói chung, cung cấp cho khoảng 3 tỷ người trên thế giới. Chuyên gia kinh tế cho rằng lệnh cấm làm hạ nhiệt giá gạo ở Ấn Độ, gần đây có thêm Nga và UAE nhưng tăng sức ép giá gạo toàn cầu, trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp các quốc gia khác lo ngại hiện tượng El Nino ảnh hưởng mùa màng.

Thái Lan cũng mang nỗi lo sản lượng gạo giảm. Nhiều vùng nông thôn ở quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới đang gặp hạn hán, mất mùa.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hôm 29/7 bày tỏ nỗi lo về tình hình nguồn cung toàn cầu. Vốn nằm trong nhóm nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, chủ yếu là Việt Nam, tổng thống Philippines nói nguồn cung này cũng hạn chế vì nhiều quốc gia cũng tìm đến Việt Nam mua gạo.

Theo Reuters, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo gạo tồn kho trên thế giới giảm đến 8,9 triệu tấn, xuống còn 173,5 triệu tấn vụ mùa 2022-2023, đến mùa 2023-2024 nhiều khả năng chỉ còn khoảng 170 triệu tấn.

Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đánh giá việc Ấn Độ và một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo có thể làm trầm trọng lạm phát giá lương thực.

"Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể gây ra tác động tương tự như việc thỏa thuận ngũ cốc biển Đen bị đình chỉ, đẩy giá gạo ở các nước khác tăng cao. Giá ngũ cốc toàn cầu có thể tăng 10-15% trong năm nay", ông Gourinchas nói với Reuters.

Trạch Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/them-nga-va-uae-cam-xuat-khau-gao-3-ty-nguoi-tren-the-gioi-lo-lang-post1556224.tpo