Thêm nhiều cơ hội tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ, Việt Nam mất tích trong chiến tranh
Việc tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều thuận lợi hơn nữa sau loạt hoạt động ngày 10/7 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Hà Nội, với sự tham gia tích cực từ nhiều cơ quan lưu trữ, tổ chức hoạt động mang tính chất nhân đạo của Việt Nam và Hoa Kỳ.
Đây là chuỗi hoạt động nhiều ý nghĩa được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ và kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh liệt sĩ.
Dịp này, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Hội Việt – Mỹ, Tổ chức “Trái tim Người lính”, Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” và Trung tâm Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas, Hoa Kỳ đã trao lại hồ sơ chứng tích chiến tranh cho thân nhân của 22 liệt sĩ và một số cựu chiến binh. Nhiều thân nhân các liệt sĩ xúc động rơi nước mắt khi thấy lại hồ sơ kỷ vật của người thân.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper cùng đại diện các cơ quan của Việt Nam và Hoa Kỳ tham gia chuỗi hoạt động.
Các hồ sơ được trao lại cho thân nhân và chủ nhân của chúng trong sự kiện nói trên chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tư liệu lưu trữ của Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Texas, Hoa Kỳ.
Ban tổ chức cho biết, hiện nay tại Trung tâm Việt Nam có kho microfilm với gần 3 triệu trang chụp chữ viết, hình ảnh di vật, kỷ vật của Bộ đội miền Bắc và Quân Giải phóng miền Nam trong kháng chiến, trước 1975. Đây là nguồn thông tin, dữ liệu quý giá về các liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh. Các cơ quan của Việt Nam và Hoa Kỳ đã nỗ lực tra cứu hồ sơ tài liệu lưu trữ để tìm kiếm thông tin, kỷ vật, chứng tích chiến tranh để trao trả cho gia đình các bên. Trung tâm Việt Nam cũng đã trao cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III hơn 200 hồ sơ tương tự.
Cùng với hoạt động trao tặng hồ sơ, tài liệu chứng tích chiến tranh, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III khai mạc trưng bày tài liệu “30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ”. Trưng bày gồm ba phần: Tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao; Hợp tác và phát triển; Vững bước vào kỷ nguyên mới. Thông qua các tài liệu lưu trữ, trưng bày giới thiệu nhiều dấu mốc, tư liệu quan trọng, tái hiện chặng đường 30 năm hình thành và phát triển quan hệ Việt - Mỹ, đồng thời truyền tải thông điệp về một tương lai hợp tác ổn định, cùng hướng tới hòa bình và thịnh vượng.

Các đại biểu tham quan trưng bày tài liệu lưu trữ “30 năm quan hệ ngoại giaoViệt Nam - Hoa Kỳ”.

Ban tổ chức trao lại hồ sơ, tư liệu cho thân nhân gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh Việt Nam.
Đáng chú ý, trưng bày giới thiệu nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố, tiêu biểu như: Các văn bản liên quan đến tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; Tuyên bố của Tổng thống William Jefferson Clinton về việc thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam, công bố tại Nhà Trắng ngày 11/7/1995, hiện lưu giữ tại Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ; Tuyên bố của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 12/7/1995 về quyết định bình thường hóa quan hệ của Tổng thống Bill Clinton, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Ngoài ra, trưng bày còn giới thiệu một số hồ sơ, chứng tích chiến tranh lần đầu tiên được trao trả cho các cựu chiến binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ, hiện lưu giữ tại Trung tâm Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas, Hoa Kỳ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Xuân Huy đã điểm lại những dấu mốc trong quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương năm 2000, xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013, nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững năm 2023. Thứ trưởng Cao Xuân Huy khẳng định, đây là thành quả phản ánh sự chín muồi của lòng tin, lợi ích lâu dài và phù hợp với nguyện vọng nhân dân hai nước.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cũng bày tỏ, những tài liệu, hiện vật trưng bày là những minh chứng sống động cho chặng đường hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ 30 năm qua. Trân trọng trao lại các hồ sơ chứng tích chiến tranh đến các thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh, Đại sứ Mỹ Marc Knapper cho rằng, đây là hoạt động hết sức nhân văn, thể hiện tinh thần trách nhiệm và thiện chí trong quan hệ Việt - Mỹ nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần củng cố lòng tin, tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa nhân dân hai nước.
Tiếp tục hợp tác, chủ động tìm kiếm, công bố thông tin về người mất tích trong chiến tranh
Trước đó, đoàn công tác của Hoa Kỳ do Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích (MIA) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ - ông Kelly McKeague làm trưởng đoàn cũng đã có buổi làm việc với Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Tùng và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III về việc thúc đẩy kết nối, tìm kiếm thông tin quân nhân của Việt Nam và Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng tặng Giám đốc MIA Kelly McKeague cuốn sách về Bảo vật quốc gia Việt Nam.
Giám đốc MIA cho biết, Việt Nam rất chủ động trong công tác tìm kiếm thông tin và phối hợp tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh. MIA rất biết ơn vì điều đó. Với sự hỗ trợ của Việt Nam, Hoa Kỳ đã tìm được 740 quân nhân bị mất tích và đưa trở về với gia đình của họ. Hiện nay Hoa Kỳ vẫn còn 1.157 quân nhân mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam và đây đều là những trường hợp rất khó tìm kiếm. Đối với hoạt động này, thông tin về các quân nhân và thông tin liên quan vô cùng quan trọng. Thông tin từ cơ quan lưu trữ càng quan trọng hơn nữa trong giúp tìm kiếm các quân nhân này. MIA mong muốn, cơ quan lưu trữ Việt Nam sẽ chủ động hơn nữa về mặt thông tin để thời gian tới, Hoa Kỳ khai thác kịp thời, hiệu quả trong công tác nói trên.

Giám đốc MIA Kelly McKeague và đoàn công tác của Hoa Kỳ trao đổi về hoạt động tìm kiếm thông tin quân nhân Việt Nam và Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cùng các cán bộ lưu trữ quốc gia trao đổi với đoàn công tác của Hoa Kỳ về hợp tác tìm kiếm thông tin quân nhân mất tích.
Về vấn đề này, Cục trưởng Đặng Thanh Tùng cho biết, trước đây, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã từng làm việc với nhiều đoàn đến từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhằm tìm kiếm tư liệu về những người mất tích trong chiến tranh tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III; phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan tìm kiếm người mất tích phía Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động. Việt Nam xác định đây là nội dung thông tin mang tính chất nhân đạo, không chỉ với người Mỹ mà với người Pháp. Ông Tùng khẳng định, thông tin lưu trữ là thông tin chính thống, được cơ quan lưu trữ bảo quản và cung cấp cho xã hội. Đây là thông tin rất hữu ích đối với tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh. Chắc chắn, cơ quan lưu trữ Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động tìm kiếm và cung cấp để phục vụ công tác này thuận lợi nhất.