Thêm thách thức bủa vây doanh nghiệp giữa lúc cầu mua sắm giảm

Bên cạnh cầu thị trường sụt giảm khắp nơi và kéo dài, doanh nghiệp còn đang đối diện với các vấn đề cạnh tranh giá xuống đáy, chi phí đầu vào tăng, hạ tầng sản xuất thiếu ổn định, cùng các thách thức phát sinh khác của nước nhập khẩu…

Trong khi đó, những gói hỗ trợ về vốn vay lãi suất thấp, chính sách ưu đãi thì rất khó với được đến tay…, nhiều doanh nghiệp đang khó khăn hơn bao giờ hết.

Bên cạnh sụt giảm mạnh đơn hàng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhiều lĩnh vực còn đang đối mặt với nhiều thách thức mới phía trước. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Bên cạnh sụt giảm mạnh đơn hàng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhiều lĩnh vực còn đang đối mặt với nhiều thách thức mới phía trước. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Khó cạnh tranh khi giá bán xuống đáy

Các doanh nghiệp thủy sản đánh giá, sự sụt giảm và đứt gãy đơn hàng đang trầm trọng hơn cả thời đỉnh dịch Covid-19. Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng vừa qua, xuất khẩu thủy sản tiếp tục sụt giảm hai con số so với năm ngoái, chỉ đạt gần 3,37 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 28%; lượng đơn hàng xuất khẩu giảm 20-50%.

Các thị trường truyền thống của thủy sản Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm sút mạnh, nhất là nhu cầu hải sản tươi sống. Trong đó, Mỹ giảm hơn 50%, Trung Quốc giảm 37%.

Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư, VASEP còn lo lắng về tình trạng các doanh nghiệp trong ngành phản ánh: trong khi thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu giảm mạnh, thì chi phí đầu vào, lãi suất ngân hàng tiếp tục tạo thêm gánh nặng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cạnh tranh căng thẳng với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá, điển hình là Ecuador, Ấn Độ, Indonesia… Đáng chú ý là mặt hàng tôm, các nước như Indonesia, Ecuador thu hoạch sớm, sản lượng tôm nuôi trúng mùa, cả về lượng và kích cỡ tôm lớn, cạnh tranh với tôm Việt Nam. Các nước này cũng cung ứng với giá rẻ hơn tôm Việt Nam từ 1-2 đô la/kg, khiến việc tìm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khó khăn.

Các doanh nghiệp thủy sản cho biết giá thành tôm nguyên liệu hiện nay Việt Nam cao hơn 30% so với Ấn Độ và cao hơn gấp đôi so với Ecuador đã làm con tôm Việt Nam mất sự cạnh tranh so với tôm các nước.

“Các nước đều có chính sách về giảm thuế nguyên, phụ liệu, thức ăn nuôi tôm. Họ sản xuất với giá thành thấp, nên nếu chúng ta không có giải pháp thì giá thành sản xuất tôm khó cạnh tranh”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đánh giá.

Tương tự, với ngành may mặc, theo các doanh nghiệp trong ngành, suy giảm dệt may của Việt Nam được cho là cao nhất do đồng tiền Việt Nam đắt hơn 20% so với các quốc gia cạnh tranh, đồng thời lãi suất ở Việt Nam neo ở mức cao (9–11% trong những tháng đầu năm, trong khi các quốc gia khác duy trì ở mức 3,5–7%).

Mặt khác, chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 đô la/người/tháng, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở ngưỡng 200 đô la/người/tháng. Cụ thể tiền lương của Việt Nam cao hơn so với Bangladesh ở mức 95 đô la/người/tháng hay Campuchia 190 đô la/người/tháng, Ấn Độ 145 đô la/người/tháng.

Với những điều kiện nêu trên, theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, nếu như các doanh nghiệp duy trì đơn giá thấp để cạnh tranh với Bangladesh thì sẽ lỗ ít nhất 15%. “Bài toán này đặt ra nhiều thách thức, bởi các doanh nghiệp dệt may trong nước đang mất đi rất nhiều lợi thế trước các đối thủ để có thể duy trì khách hàng, đơn hàng”, ông Trường nêu vấn đề.

Phân tích thêm về các yếu tố năng lực cạnh tranh vĩ mô, dệt may Việt Nam còn đứng trước thách thức lớn khi Trung Quốc mở cửa.

Với chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất sau đại dịch, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành dệt may trong nước. Mặt khác, các doanh nghiệp dệt may nước này có quy mô sản xuất đứng đầu thế giới, do đó khi cầu suy giảm, nguồn cung dồi dào hơn thì Việt Nam khó có thể cạnh tranh với quốc gia này.

Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp may mặc. Ảnh minh họa: TTXVN

Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp may mặc. Ảnh minh họa: TTXVN

Tình hình giá xuống đáy do nhu cầu sụt giảm khiến ngành đồ gỗ trong nước cũng kém cạnh tranh. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đại Phúc Vinh, cho rằng ngành gỗ trong nước vẫn đang phải sử dụng nhiều nhân công, quy trình sản xuất còn rườm rà, cồng kềnh làm gia tăng chi phí sản xuất.

Nhận định nhu cầu thị trường đồ gỗ trên thế giới vẫn đang ở mức rất thấp, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành khi mà giá thành bán đang xuống đáy. “Có một thực tế là hiện nay tại Việt Nam, giá nhân công cao, tiêu hao nguyên liệu của ngành rất nhiều, trong khi công nghệ chủ yếu là 2D trở xuống”, ông Lập nói.

Phát sinh nhiều thách thức khác

Bên cạnh khó cạnh tranh khi giá bán giảm về đáy, các doanh nghiệp cho biết họ còn đối mặt hàng loạt các vấn đề khó khăn khác dẫn đến bị đuối sức trong lúc này.

Cụ thể trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp phải tìm cách để tiết kiệm chi phí, giảm tối đa đầu vào sản xuất nhằm cạnh tranh và tồn tại thì giá điện lại tăng rồi thiếu điện và bị cắt điện đột ngột, khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó.

Cụ thể giá điện đã tăng 3% kể từ đầu tháng 5 vừa qua kéo theo nhiều “áp lực” lên đối với hầu hết các doanh nghiệp sản xuất. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất ví von việc tăng giá điện vừa qua như thêm một “cú đấm bồi” lúc họ đang rất khó khăn cùng cực.

Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành da giày, dệt may, cơ khí… than rằng trong lúc họ đang chật vật tìm kiếm đơn hàng, chấp nhận làm đơn hàng nhỏ lẻ, thậm chí làm lỗ để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động thì việc giá điện tăng khiến họ thêm mệt mỏi. Đáng chú như đã nói trên, cầu sụt giảm khắp nơi, doanh nghiệp các nước đang cạnh tranh về giá xuống đáy nên họ không thể tăng giá bán theo. Doanh nghiệp tiếp tục phải gồng mình giữ giá để giữ chân khách hàng.

Đã thế, thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục đề xuất tăng giá điện vào tháng 9 tới khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi bức xúc và tiếp tục lo lắng về tính cạnh tranh giá bán sản phẩm sắp tới.

Mối lo về giá điện tăng chưa hết, các doanh nghiệp ở khu vực phía Bắc còn lại phải lo đối phó với tình trạng thiếu điện, cắt điện đột ngột ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Trao đổi với báo chí về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm nay mới đây, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng việc thiếu điện trong tháng 5 vừa qua ảnh hưởng khá nhiều tới các doanh nghiệp trong tập đoàn. Hiện mỗi đơn vị trong ngành dệt may lại bị tác động với việc mất điện khác nhau.

Đơn cử, ngành may khi mất điện không thông báo trước thì tất cả công nhân phải nghỉ việc, song với ngành nhuộm việc cắt điện đột ngột chắc chắn sẽ khiến sản phẩm bị hỏng và không làm lại được.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt nhuộm trong khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) vừa qua bị mất điện đã khiến nhiều mẻ nhuộm, đơn hàng phải bỏ đi, thiệt hại rất lớn. Tương tự với ngành sợi, mỗi lần lên máy khởi động lại phải mất nhiều tiếng đồng hồ.

Nhiều doanh nghiệp đồ gỗ đang trải qua thời gian khó khăn về cầu thị trường ở các thị trường chính bị sụt giảm kéo dài.

Nhiều doanh nghiệp đồ gỗ đang trải qua thời gian khó khăn về cầu thị trường ở các thị trường chính bị sụt giảm kéo dài.

Hay với một số doanh nghiệp gỗ thì bị “treo” tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo quy định hiện hành, thời gian hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hầu hết doanh nghiệp không được hoàn thuế từ tháng 4 – 5/2022. Thậm chí, một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 1/2022.

Việc hoàn thuế VAT đang kéo dài, không có thời hạn cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp gỗ bị động. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp gỗ, số tiền hoàn đã lên đến hàng ngàn tỉ đồng khi cộng dồn từ năm 2020 đến nay, tạo ra áp lực về dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường lớn đang sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn, lãi suất cao.

Trong khi đó, các gói hỗ trợ về vay vốn với lãi suất thấp cho doanh nghiệp thì gần như bị ách tắc. Cụ thể như sau hơn một năm triển khai, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% với tổng giá trị 40.000 tỉ đồng chỉ mới giải ngân được hơn 1%.

Cùng nhiều điều kiện khó cho sản xuất kinh doanh

Trong bối cảnh người tiêu dùng khắp nơi siết hầu bao, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu giày dép lao đao theo với đơn hàng sụt giảm 60-70% kéo dài nhiều tháng nay. Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch Hội Da giày TPHCM, nhìn nhận doanh nghiệp ngành da giày đang trong tình trạng “lên bờ xuống ruộng” vì không có đơn hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí một số nơi đã đóng cửa nhưng không công bố.

Không dừng lại ở sụt giảm đơn hàng, theo ông Khánh, các doanh nghiệp trong ngành còn đang gặp thách thức khác khi các đối tác nhập khẩu, nhãn hàng đưa ra các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh. Dù họ chưa áp dụng ngay lúc này nhưng thông điệp của các nhà nhập khẩu đưa ra thì nhà sản xuất, gia công sản phẩm cần phải có bước chuẩn bị chuyển đổi để đáp ứng kịp thời ngay khi thực hiện.

Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh minh họa: TTXVN

Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cho biết họ tìm hiểu và muốn làm theo các yêu cầu của nhãn hàng là sử dụng nguyên liệu tái chế và có chứng nhận. Nhưng ở trong nước chưa có cơ quan chức năng chứng nhận mang tính quốc tế để nhà mua hàng chấp nhận.

Cụ thể yêu cầu của một số thị trường lớn, doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải có chứng nhận tái chế toàn cầu (GRS). “Hiện nay doanh nghiệp mua nguyên phụ liệu tái chế từ nước ngoài thì có giấy chứng nhận này. Tuy nhiên, khi về Việt Nam sản xuất ra thành phẩm, doanh nghiệp muốn được cấp chứng nhận GRS lại không biết cơ quan nào chứng”, ông Khánh lo lắng, và cho rằng đây là vấn đề doanh nghiệp da giày đang bế tắc, trong khi nguyên liệu tái chế còn có giá cao hơn nguyên liệu chính nên đã khó lại càng khó hơn.

Theo Bộ Công Thương, từ ngày 29-6 tới, Quy định 2023/1115 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về đưa vào lưu thông và xuất khẩu một số sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng, thay thế Quy định 995/2000 có hiệu lực.

Theo đó, các mặt hàng gồm gia súc, ca cao, cà phê, cọ và dầu cọ, cao su, đỗ tương, gỗ phải thực hiện nghĩa vụ giải trình thông tin về nơi sản xuất, diện tích đất sử dụng cho sản xuất, cung cấp văn bản tuyên bố không phá rừng kèm theo hàng hóa trước khi xếp hàng lên tàu.

Điều này buộc các công ty phải cung cấp kết quả thẩm định chuyên sâu và thông tin có thể kiểm chứng về việc sản phẩm của họ không được trồng hoặc chăm sóc trên những vùng đất trống có được do phá rừng sau năm 2020.

Trong số các nhóm mặt hàng nằm trong diện kiểm soát nói trên, Việt Nam có 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng ở khu vực này, gồm đồ gỗ, cà phê và cao su.

Có thể thấy trong bối cảnh thị trường sụt giảm và điều kiện kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn gặp thách thức trong việc cập nhật và tuân thủ các quy định mới hoặc “hàng rào” dựng lên của các nước quá khắt khe khiến họ gặp khó để thích ứng kịp thời trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh.

Đại diện một hiệp hội ngành chế biến cho rằng tình hình chưa bao giờ khó khăn như lúc này, còn khó hơn đỉnh điểm của dịch Covid-19. Theo ông, nhiều chủ doanh nghiệp đã phải bán nhà, tài sản riêng để cầm cự, trả lãi vay…

Các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay, theo các chuyên gia có nguyên nhân từ suy thoái kinh tế thế giới, một phần đến từ các vấn đề nội tại mà nếu doanh nghiệp không linh hoạt xoay xở thì khó tồn tại, trong khi nếu sự hỗ trợ của Chính phủ không kịp thời thì sẽ tiếp tục chứng kiến sự gia tăng số lượng doanh nghiệp rời khỏi thương trường.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/them-thach-thuc-bua-vay-doanh-nghiep-giua-luc-cau-mua-sam-giam/