Theo cánh hạc bay...

Nhật Bản là một trong những dân tộc yêu chim hạc nhất, đến mức có một bộ môn nghệ thuật gấp giấy truyền thống không cần sử dụng kéo hay keo, gọi là Origami tức 'hạc giấy'. Hầu hết các thiếu nữ đều học kỹ năng gấp giấy Origami ở nhà, trước khi đến trường.

Tập quán này được thiêng hóa, ngoài là một vật dùng trong giao tiếp thể hiện sự hiếu khách, còn nâng lên thành phong tục cầu nguyện trường thọ, bình yên, an lành… Thế nên ở Nhật Bản, hình chim hạc trang trí ở khắp mọi nơi, trên tờ tiền yên, trong hội họa, kiến trúc, thi ca, còn là biểu tượng cho hãng hàng không quốc gia.

Hình ảnh hạc bay trong hội họa Nhật Bản.

Hình ảnh hạc bay trong hội họa Nhật Bản.

Cổ tích Nhật Bản kể, ngày xưa, có một lão nông hiền lành, nhân hậu cứu một con chim hạc đang mắc bẫy. Vào một ngày nọ một cô gái xinh đẹp đến gõ cửa nhà ông lão. Cô nói bị lạc đường. Vợ chồng ông vui lòng cho cô ở nhờ. Cô xin ở riêng trong một phòng. Vô tình chủ nhà thấy trong phòng ấy một con chim hạc đang dệt vải bên khung cửi bằng cách tự bứt những chiếc lông trắng tinh của chính mình… Mấy hôm sau người con gái ấy dệt một tấm vải tuyệt đẹp tặng vợ chồng ông lão. Thì ra cô gái chính là chim hạc mà ông lão đã cứu giúp...

Huyền thoại này cắt nghĩa hình tượng chim hạc là “linh điểu” của văn hóa Nhật. Rồi hạc thành biểu tượng cho sự chung thủy, vì vợ chồng chim sống bên nhau suốt đời không thay đổi, biểu tượng cho “bách niên giai lão”. Người ta lại thấy những buổi chiều, hạc bay về phía Tây, phía mặt trời lặn, phía của nhà Phật, hạc thành biểu tượng cho nguồn cội. Với tiếng kêu đĩnh đạc, nhiều khi thảng thốt như kéo trời đất gần nhau, hạc liền trở thành biểu tượng của sự gắn nối… Còn là biểu tượng cho sự cao quý bởi hình dáng thanh thoát.

Chuyện kể ngày xưa có loài chim thấp bé, xấu xí nghe tin ở xứ Mặt Trời có loài dạ thảo ăn vào sẽ trở nên xinh đẹp. Cả bầy quyết chí lên đường. Cứ phía mặt trời mọc chúng bay mãi, bay mãi. Nhiều ngày vẫn chưa đến nơi. Rồi một ngày kia vì quá cố gắng mà đuối sức, cả đàn sà xuống một vùng đất lạ... Bình minh ló rạng, chúng vùng dậy uống nước lấy sức để tiếp tục hành trình. Nhưng lạ chưa, soi mình xuống dòng suối thì chúng nhận ra không phải chính mình mà là một loài khác, thật đẹp, cổ dài, thân mảnh, chân thon... Chúng đã trở thành loài hạc cao quý từ đấy. Thì ra ai cũng khát khao được đẹp nhưng chỉ có ai quyết tâm bền chí và tôn thờ đến cùng lý tưởng thẩm mỹ thì mới trở nên Đẹp.

Người Nhật Bản xây dựng đền Himeji (hạc trắng) thật hoành tráng và nên thơ có mô hình như một con hạc chuẩn bị cất cánh bay. Năm 1993, đền này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhiều người nói đến Nhật Bản mà chưa đến Himeji thì coi như chưa đến Nhật.

Cùng cảm hứng ấy, nhà văn Yasunari Kawabata nổi tiếng thế giới viết một tiểu thuyết có tên “Ngàn cánh hạc”, một truyện tình chứa nhiều truyện tình (truyện lồng truyện). Mà lại là truyện tình xuyên thời gian, xuyên không gian. Cốt truyện hay, hình tượng sống động, trữ tình và thổn thức đến mức lật mỗi trang sách có cảm giác cánh hạc thoát ra ngoài không gian chấp chới bay về miền vô thức. Đúng là “ngàn cánh hạc”!

Nếu tới Trung Quốc mà chưa đến Hoàng Hạc Lâu (lầu Hoàng Hạc) cùng hình ảnh sông Trường Giang sóng vỗ, thì có thể coi là chưa đến xứ Trung Hoa. Vì đó là một trong “Tứ đại danh lâu”, tích hợp cả một bề dày mã văn hóa Hoa Hạ lung linh tỏa sáng những ý nghĩa. Các thi nhân thiên tài Thôi Hiệu, Lý Bạch, đã từng đến đây rồi để lại những áng thơ kiệt tác.

Sách“Liệt tiên toàn truyện” kể ngày xưa có một người bán rượu ở chân núi Hoàng Cốc gặp một đạo sĩ già đến xin rượu uống. Hôm từ biệt, đạo sĩ nói tặng con hạc quý để tỏ lòng biết ơn. Nói rồi ông lấy một miếng vỏ cam vẽ lên tường và dặn khi cần nó nhảy múa thì vỗ tay... Từ đó quán rượu nổi tiếng. Chủ tiệm trở nên giàu có.

Mười năm sau vị đạo sĩ ấy quay lại rút ra một cây sáo rồi thổi... Trên trời, một con hạc vàng rẽ những đám mây trắng hạ xuống. Vị đạo sĩ cưỡi lên, hạc bay lên trời. Hình vẽ con hạc trên tường tự nhiên mà mất. Từ đó nơi ấy được xây thành lầu cao như một cách để lưu giữ huyền thoại. “Hoàng Hạc Lâu” nghĩa là “Lầu Hạc Vàng” có từ đấy! Hạc vàng đi mất nhưng để lại bài thơ “Hoàng Hạc lâu” nổi tiếng “nhờ” Thôi Hiệu chắp bút: “Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?/ Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ/ Hạc vàng đi mất từ xưa/ Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay…” (Tản Đà dịch).

Hình ảnh minh họa lầu Hoàng Hạc.

Hình ảnh minh họa lầu Hoàng Hạc.

Ở Việt Nam, ngày xưa hạc thường được thêu vào lụa (tranh lụa), được khảm vào đồ gỗ quý, được khắc vào hiện vật kim loại để tiến vua hoặc biếu tặng các bậc quyền quý. Ở chùa chiền, đình, đền đều có cặp hạc rùa: “Thương thay thân phận con rùa/ Trên đình đội hạc, dưới đền/chùa đội bia”. Rùa cũng là một linh vật sống thọ nên thờ cặp hạc rùa là tôn thờ khát vọng được vững bền, trường cửu. Ngày nay, với những gia đình có điều kiện, trên bàn thờ gia tiên thường có đôi hạc thờ bằng đồng vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa có giá trị phong thủy.

Ngụ ngôn Việt kể, ngày xưa, hạc và rùa là đôi bạn thân. Khi đi kiếm ăn, hay đi rong chơi, rùa để hạc đứng trên lưng... Chúng thành đôi bạn tri kỷ không thể thiếu nhau rồi trở thành biểu tượng cho tình bạn cao đẹp, lối sống vị tha, ân nghĩa, ân tình, tương trợ giúp nhau... Điều này rất phù hợp với giáo lý cứu độ của nhà Phật và lối sống duy tình người Việt.

Theo lẽ tự nhiên rùa, hạc được ngự trên ban thờ, không chỉ để thờ tổ tiên mà còn thờ phẩm chất tình thương đáng quý, đáng trọng. Hạc lại thường ngậm viên ngọc to hay ngậm hoa sen. Vì có gì quý hơn ngọc đâu? Có gì thanh khiết hơn sen đâu? Lại có cả hạc đội đèn? Trong đêm thì ánh đèn tỏa sáng. Đó là ánh sáng của tình người, của trí tuệ và trí huệ, cũng là ánh sáng của sự giác ngộ khi con người ta rời bỏ bóng đêm “tham, sân, si” để vươn tới thế giới ánh sáng Niết Bàn cao quý!

Tín ngưỡng Việt coi rùa là biểu tượng cho vũ trụ, hạc đứng trên lưng rùa tức còn “trên” tầm vũ trụ. Nói khác đi, những điều cao quý được gửi gắm vào hình tượng con hạc sẽ sống mãi cùng trời đất. Hạc và rùa đều là những con vật lưỡng cư. Rùa vừa có thể sống dưới nước lại vừa có thể sống trên cạn. Hạc vừa ở trần gian lại vừa sống chốn Bồng Lai tiên cảnh, vừa là (vật) của phàm trần lại vừa của chốn tiên. Cặp đôi này đi cùng nhau sẽ tạo ra một mô hình âm - dương lý tưởng.

Theo thuyết phong thủy phương Đông, hạc thuộc dương, rùa thuộc âm. Đương nhiên hạc đứng trên lưng rùa. Đó là sự cân bằng âm dương vững vàng nhất. Thế nên được đặt trên bàn thờ còn là để ngăn chặn những linh hồn vật vờ, những yếm khí, những tà ma đến “cướp phá” lộc của tổ tiên hay quấy quả sự yên bình thiêng liêng. Được đặt ở đình, đền, chùa cũng theo ý nghĩa ấy!

Ở Trung Quốc, Nhật Bản phần lớn những câu chuyện về hạc được huyền thoại hóa nhưng ở Việt Nam ta thì có một chuyện thật, ngay mới đây. Đó là ngày khai mạc Lễ hội đền Cuông (từ 14-16/2 âm lịch tại Diễn Châu - Nghệ An) năm 1995, cả ngàn người đang xem màn diễu hành cưỡi ngựa, đột nhiên một con hạc trắng muốt rất to bay đến rồi đậu trên tay người cưỡi ngựa. Không hề tỏ ra sợ hãi, hạc còn vỗ cánh chấp chới như chào tất cả...

Hạc không bay đi mà ở lại. Mọi người liền rước hạc vào đền trong sự kính cẩn và niềm tin tâm linh: hiện thân của linh hồn Mỵ Châu chết oan từ mấy ngàn năm trước. Lễ hội kết thúc, một ngày sau hạc hóa! Hạc được ướp xác rồi được thỉnh vào lồng kính. Đến nay ai đến đền Cuông cũng còn thấy hạc như còn đang thao thức!

Một năm sau đó, cũng trùng ngày lễ hội, ở phía bờ biển Cửa Hiền (Diễn Trung - Diễn Châu), phía sau đền Cuông, một con cá voi khoảng 10 tấn “lụy” (chết) bờ. Đối chiếu với huyền sử thì đúng là nơi ngày xưa An Dương Vương “đi” xuống biển! Mọi người bèn cung kính đưa “Ông” đi táng theo đúng nghi lễ phong tục trong niềm tin rằng “Ông” là hiện thân của Vua An Dương Vương!

Có khi chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng sâu thẳm trong miền tâm linh của mọi người thì vẫn hiển hiện bóng dáng nàng Mỵ Châu trong như ngọc, thanh khiết như ngọc qua hình hài con hạc, dù đã qua cả mấy ngàn năm, đến nay vẫn còn thổn thức đứng đó. Trong truyền thống văn hóa Việt, các bậc đại nhân thường hay tự ví mình với chim hạc. Cụ Nguyễn Trãi tự ví mình với con “chim hạc già” (tên bài thơ) khí khái thà sống tự do nơi thâm sơn cùng cốc quyết không chịu sống trong cái lồng công danh lợi lộc.

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/theo-canh-hac-bay--i756115/