Theo dấu chân 'Biệt động Sài Gòn'
Biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt được 'cài cắm' trong nội thành, vừa xây dựng cơ sở, vừa tổ chức các trận đánh 'gây tiếng vang' trong lòng địch. Lực lượng này một thời là nỗi khiếp sợ của kẻ thù và được nhắc nhở nhiều trong các tác phẩm văn chương, nghệ thuật.
Giữa lòng thành phố ngày nay, một số cơ sở hoạt động năm xưa của biệt động Sài Gòn vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Trong đó, có quán cà phê Đỗ - Phủ, cơm tấm Đại - Hàn và Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định, những cơ sở từng đặt dưới sự quản lý của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Trần Văn Lai, nguyên bản của nhân vật Hoàng Sơn trong phim Biệt động Sài Gòn.
Cà phê Đỗ - Phủ, cơm tấm Đại - Hàn
Giữa nhịp sống hối hả của thị thành, tại quán cà phê Đỗ - Phủ, cơm tấm Đại - Hàn, thời gian dường như “ngưng đọng” lại. Không gian bài trí của quán đậm tính hoài cổ, khiến khách ghé thăm như “lạc về quá khứ”. Mỗi bước chân, cử chỉ cũng vì thế mà nhẹ nhàng, từ tốn hơn.
Không gian nhỏ, gọn, hơn 70% bàn có khách ngồi nhưng quán cà phê Đỗ - Phủ, cơm tấm Đại - Hàn (13A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM) vẫn khá yên tĩnh. Khách ở quán người trò chuyện, người đi lại để xem tranh, ảnh, đọc các tài liệu treo dọc trên tường.
Quán cà phê Đỗ - Phủ, cơm tấm Đại - Hàn là một trong những địa điểm lưu dấu lực lượng Biệt động Sài Gòn những năm kháng chiến. Quán bán cà phê, cơm tấm từ năm 1946 để làm vỏ bọc cho điểm cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật,... ra chiến khu. Thời điểm đó, cơ sở hoạt động này do ông Trần Văn Lai (Năm Lai) quản lý. Quán giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn trông coi. Chính vì thế, quán có tên cà phê Đỗ - Phủ, nghĩa là nhà của họ Đỗ. Thời điểm đó, quán đặt đối diện cư xá công binh của địch và sát nhà một viên tướng lĩnh thuộc quân đội Việt Nam Cộng hòa nên trở thành điểm tụ tập của binh lính Hàn Quốc (sang tham chiến tại Việt Nam). Tên cơm tấm Đại - Hàn cũng có từ đó.
Ngày nay, không gian quán giữ nguyên phong cách hoài cổ trong từng chiếc bàn ghế, tủ, kệ trang trí. Giữa thành phố náo nhiệt và hiện đại, quán cà phê Đỗ - Phủ, cơm tấm Đại - Hàn như một nốt trầm lắng đọng. Ngoài hình ảnh, tài liệu được treo trên tường về lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại một thời, quán vẫn còn lưu giữ nguyên trạng những căn hầm bí mật để chiến sĩ ta thoát thân và giấu tài liệu. Vậy mới thấy hết sự mưu trí, gan dạ của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn xưa khi dám đặt căn cứ ngay tại nơi “hang hùm, miệng sói”.
Một nét đặc trưng của quán cà phê Đỗ - Phủ, cơm tấm Đại - Hàn chính là ẩm thực. Quán vốn là nơi tụ tập của binh lính Đại Hàn nên món cơm tấm đậm chất Việt Nam được ăn kèm cùng kim chi cho phù hợp khẩu vị binh lính người Hàn. Điều đó trở thành điểm nhấn của quán cho đến ngày nay. Ngoài ra, quẩy chấm cà phê sữa cũng được cho là món đặc biệt của cà phê Đỗ - Phủ, cơm tấm Đại - Hàn ngày ấy.
Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định
Ngoài quán cà phê Đỗ - Phủ, cơm tấm Đại - Hàn, tại TP.HCM còn một số địa điểm khác mang đậm dấu ấn Biệt động Sài Gòn, trong đó phải kể đến Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145, Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM). Đây cũng là cơ sở bí mật của ta do ông Trần Văn Lai trực tiếp quản lý dưới vỏ bọc xưởng đóng xích lô và gia công đồ nội thất cho dinh Độc Lập.
Căn nhà được thiết kế 3 lầu nhưng chỉ có 1 thang máy nhỏ lên tầng cao nhất. Thang máy có cửa sắt bên ngoài, thùng gỗ khắc nhiều họa tiết. Việc thiết kế nhà như vậy nhằm mục đích kéo dài thời gian, cầm chân địch ở tầng dưới nếu có điều bất trắc xảy ra. Bảo tàng ở tầng 2, kết nối với tầng 3 bằng cầu thang bộ. Với hơn 300 hiện vật, hình ảnh, tư liệu về lực lượng Biệt động Sài Gòn ngày ấy, bảo tàng giúp du khách có cái nhìn rõ ràng, chân thực nhất về sự mưu trí, dũng cảm, kiên gan của lực lượng Biệt động Sài Gòn lừng lẫy một thời.
Trong phòng trưng bày, bên cạnh thông tin về những chiến công của lực lượng trong suốt thời gian hoạt động là các loại vũ khí từng được các chiến sĩ sử dụng: Những quả lựu đạn đặt khéo léo trong lòng các thanh gỗ lớn; chiếc vali đựng bom khi đánh vào khách sạn; chiếc máy đánh chữ; những lọ hóa chất chứa “mực tàng hình” giúp cán bộ ta qua mắt địch vận chuyển thành công thư từ, tài liệu mật về chiến khu; chiếc xe máy từng được dùng vận chuyển thư từ, tài liệu,... Trên tường phòng trưng bày còn có chân dung các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn qua các thời kỳ. Bên cạnh phòng trưng bày là phòng lưu niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai với nhiều hiện vật và bức ảnh chân dung chủ nhân căn nhà treo trên tường.
Được biết, sau năm 1975, xưởng đóng xích lô được chia thành 3 căn và bán cho người khác. Sau đó, gia đình ông Trần Văn Lai mua lại được 1 phần tầng trệt và 2 tầng còn lại để làm bảo tàng như hiện nay. Đó là lý do vì sao Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định có vẻ khá khiêm tốn trên mặt đường Trần Quang Khải.
Cũng như quán cà phê Đỗ - Phủ, cơm tấm Đại - Hàn, bảo tàng có quán cà phê nhỏ trên tầng 3, nơi được trồng nhiều cây xanh dịu mát. Bàn ghế, vật dụng cũng mang màu hoài cổ. Không gian cà phê gần như tách biệt hoàn toàn với sự ồn ào, náo nhiệt của phố phường.
Ngồi thư thả thưởng thức ly cà phê đậm vị, ngắm hoa lá xanh màu ở góc ban công, khách ghé thăm có thể cảm nhận rõ hơn về giá trị của cuộc sống bình yên để thêm biết ơn những hy sinh của thế hệ cha ông ngày trước./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/theo-dau-chan-biet-dong-sai-gon-a175184.html