Theo dõi động vật di cư: Thách thức bảo tồn xuyên quốc gia

Một hệ thống trực tuyến mới từ Đại học Queensland cung cấp dữ liệu di cư của hơn 100 loài động vật biển, làm rõ những khó khăn trong việc bảo vệ chúng khi di chuyển qua nhiều vùng biển và quốc gia khác nhau.

Chim nhạn Bắc Cực di cư khứ hồi 90.000 km giữa Bắc Âu và Nam Cực mỗi năm. Ảnh: Getty Images

Chim nhạn Bắc Cực di cư khứ hồi 90.000 km giữa Bắc Âu và Nam Cực mỗi năm. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Guardian ngày 8/5, các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland (Australia) vừa ra mắt hệ thống Mico - một nền tảng công khai trên web nhằm theo dõi hành trình di cư của các loài sinh vật biển như cá voi, rùa biển, chim nhạn Bắc Cực và hải âu. Dữ liệu từ hơn 1.000 nghiên cứu đã được tổng hợp để phục vụ cho công tác hoạch định chính sách và bảo tồn toàn cầu.

Phó giáo sư Daniel Dunn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Bảo tồn và Đa dạng sinh học của Đại học Queensland, cho biết hệ thống này hé lộ những hành trình "đáng kinh ngạc" mà các loài sinh vật biển thực hiện hằng năm. Rùa đầu to có thể bơi hơn 1.000 km dọc thềm lục địa Florida; cá voi lưng gù di chuyển từ vùng biển Brisbane đến khu vực quanh Nam Cực; còn chim nhạn Bắc Cực bay khứ hồi 90.000 km từ Bắc Âu đến Đông Nam Cực - một trong những cuộc di cư dài nhất của thế giới tự nhiên.

Tiến sĩ Lily Bentley, nhà sinh thái học bảo tồn biển và là tác giả chính của công trình, cho biết hệ thống Mico không nhằm tạo ra bản đồ toàn diện về mọi loài, mà là bước khởi đầu để tổng hợp những dữ liệu sẵn có, qua đó giúp nhận diện các khu vực biển quan trọng cần được bảo vệ.

Khoảng một nửa số loài di cư qua và trong các đại dương đang có xu hướng suy giảm. Nhiều loài trong số này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị đe dọa tại các khu vực nằm ngoài phạm vi kiểm soát của quốc gia mà chúng sinh sống và kiếm ăn. Một nghiên cứu cho thấy có tới chín loài chim bờ biển di cư đến Australia hằng năm đã bị săn bắt trong quá trình di chuyển qua các quốc gia khác.

Hệ thống Mico theo dõi quá trình di cư của rùa đầu to. Ảnh: The Guardian

Hệ thống Mico theo dõi quá trình di cư của rùa đầu to. Ảnh: The Guardian

Dữ liệu từ hệ thống Mico được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thực hiện hai hiệp định bảo tồn quốc tế lớn. Đầu tiên là mục tiêu “30x30” - bảo vệ 30% diện tích đất và biển toàn cầu vào năm 2030, được hơn 120 quốc gia ủng hộ. Mico giúp xác định mức độ “kết nối” giữa các khu bảo tồn, một yếu tố then chốt của mục tiêu này.

Hiệp định thứ hai là hiệp ước về vùng biển quốc tế, được thông qua vào năm 2023 sau hai thập niên đàm phán, nhằm tăng cường số lượng khu bảo tồn ngoài khơi. Theo Tiến sĩ Bentley, thành công của các hiệp định này phụ thuộc vào việc xác định chính xác nơi các loài di cư đi qua để có thể ưu tiên bảo vệ.

Bà Rebecca Hubbard, Giám đốc toàn cầu của Liên minh Biển cả - mạng lưới gồm hơn 60 tổ chức phi chính phủ, cho rằng hệ thống Mico đặc biệt hữu ích trong bối cảnh cần bảo tồn các loài di cư ở quy mô toàn cầu. Bà nhấn mạnh, việc bảo tồn hiệu quả không chỉ đòi hỏi thêm dữ liệu, mà còn cần khả năng phân tích để nhận diện các quy luật trong dữ liệu đó. Theo bà, Mico góp phần kết nối các thông tin riêng lẻ thành một bức tranh tổng thể, hỗ trợ ra quyết định bảo tồn chính xác và kịp thời.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/theo-doi-dong-vat-di-cu-thach-thuc-bao-ton-xuyen-quoc-gia-20250509142855701.htm