Thí điểm tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 16 về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng (CĐ) để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
![Tiết học tại Trường Tiểu học Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Thanh Chi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_113_51407358/9d8be4b4dbfa32a46beb.jpg)
Tiết học tại Trường Tiểu học Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Thanh Chi.
Đây là giải pháp quan trọng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cùng nhiều địa phương trước đó đề xuất nhằm có đủ giáo viên giảng dạy.
Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ CĐ để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018 tại Tờ trình số 1142 ngày 28/8/2024 và hồ sơ liên quan kèm theo.
Chính phủ cho biết dự kiến trình Quốc hội việc này tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Trong tờ trình của Bộ GDĐT, đa số trường THPT chưa có giáo viên âm nhạc, mỹ thuật để học sinh có nhu cầu lựa chọn. Số lượng giáo viên cấp THCS có trình độ ĐH trở lên cũng chưa đủ. Việc đào tạo cử nhân môn tích hợp (sư phạm Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên, sư phạm Âm nhạc và Mỹ thuật) chưa kịp đáp ứng nhu cầu. Do đó, việc tuyển dụng người có bằng CĐ để dạy một số môn học mới, đặc thù - tức là dưới tiêu chuẩn theo Luật Giáo dục là cần thiết nhằm có đủ giáo viên giảng dạy, từ đó bảo đảm việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Chương trình GDPT 2018 triển khai cuốn chiếu từ năm 2020 và chuẩn bị có lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp vào năm 2025. So với chương trình cũ, cấp tiểu học có thêm môn tiếng Anh, Tin học bắt buộc từ lớp 3; cấp THCS có hai môn mới là Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên; ở cấp THPT, lần đầu môn nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) được đưa vào làm môn tự chọn để học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp.
Ghi nhận thực tế tại các địa phương hiện nay thiếu nhiều giáo viên nhất ở các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, tích hợp. Tại Điện Biên, năm học 2024-2025 thiếu hơn 2.000 giáo viên. Trong đó riêng huyện vùng cao Tủa Chùa còn thiếu 465 giáo viên với khó khăn trong nguồn tuyển dụng đối với các vị trí giáo viên tiếng Anh, Tin học và Mỹ thuật. Giải pháp hiện nay đó là bố trí giáo viên phải dạy tăng tiết và dạy tại nhiều trường, có giáo viên phải dạy ở 2 cấp học khác nhau.
Theo dự thảo Báo cáo đánh giá giữa kỳ triển khai Chương trình GDPT 2018, dự báo năm học 2024 – 2025 cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ. Ở cấp THCS, môn Công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, môn Nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên.
Mặc dù các địa phương có nhiều chính sách để thu hút, tuyển dụng giáo viên nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên vẫn chưa đảm bảo số lượng, trong đó có việc thiếu nguồn tuyển. Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, THCS, THCS. Trường hợp môn học còn thiếu thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Đặc biệt, có tình trạng nhiều cử nhân sư phạm Tin học, Ngoại ngữ không có nhu cầu theo nghề. Điều này gây khó khăn cho triển khai Chương trình GDPT 2018.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, khi áp dụng chuẩn trình độ giáo viên theo Luật Giáo dục 2019, tình trạng thiếu giáo viên thời gian đầu là điều không tránh khỏi. Ông từng đề xuất với các bộ môn mang tính đặc thù có thể cho phép tuyển dụng từ trình độ CĐ trở lên, sau đó tiếp tục đào tạo để những giáo viên này hoàn thiện về trình độ theo quy định. Tuy nhiên, việc tuyển dụng giáo viên CĐ cần được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Quốc hội, tạo hành lang pháp lý để các địa phương thực hiện. Nếu không có Nghị quyết của Quốc hội, địa phương tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn sẽ sai luật.
“Chính sách này được thực hiện sẽ góp phần mở rộng nguồn tuyển, khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên, dần bảo đảm số lượng giáo viên triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở một số môn học. Sau đó, Phòng và Sở GDĐT phải có chính sách bồi dưỡng nâng cao trình độ cho những giáo viên này” - TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng cần thêm các cơ chế, chính sách tuyển dụng, thu hút giáo viên khác để sớm có đủ số lượng giáo viên giảng dạy nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng giáo dục, phù hợp với tình hình thực tế.
Về lâu dài, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, để giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên, nên phân cấp cho địa phương đào tạo nguồn lực và chịu trách nhiệm. Nơi nào thiếu thì đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện. Đi cùng với đó là các chế độ, chính sách đối với nghề giáo cần tiếp tục được nghiên cứu, tháo gỡ để khuyến khích, thu hút những người đã được đào tạo, yêu quý nghề giáo vào ngành.