Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự từ 01/01/2025
Sáng 28/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Nghị quyết này quy định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Vật chứng, tài sản thuộc trường hợp xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này.
Luật quy định 05 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản gồm: Biện pháp trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; Biện pháp nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản; Biện pháp mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; Biện pháp giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; Biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 và được thực hiện trong 03 năm, trừ trường hợp Quốc hội có quyết định khác.
Nghị quyết này không áp dụng đối với vụ việc, vụ án hình sự đã có quyết định xử lý hoặc bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Thời điểm Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành mà biện pháp xử lý vật chứng, tài sản đã áp dụng theo quy định của Nghị quyết này chưa kết thúc thì được tiếp tục thực hiện cho đến khi có quyết định hủy bỏ của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi thí điểm áp dụng đối với cả vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; mở rộng áp dụng đối với các vụ việc, vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được thí điểm theo Nghị quyết này là cơ chế mới, chưa được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Để bảo đảm thận trọng khi tổ chức thực hiện, phạm vi thí điểm chỉ nên giới hạn trong các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo; trước mắt, chưa nên mở rộng phạm vi thí điểm sang các loại vụ việc, vụ án khác.
Về quy định chung các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, nhiều ý kiến tán thành với quy định tại Điều 3 Dự thảo Nghị quyết và cho rằng, quy định 05 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản đã bảo đảm chặt chẽ, khả thi.Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về biện pháp “tịch thu, tiêu hủy” để xử lý vướng mắc trong thực tiễn đối với vật chứng gây nguy hiểm, ô nhiễm và để tránh lãng phí.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các trường hợp vật chứng cần được xử lý ngay (bán hoặc tiêu hủy vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản...) đã được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể (khoản 3 Điều 106).
Bên cạnh đó, căn cứ Kết luận số 87-KL/TW của Bộ Chính trị, các cơ quan tư pháp Trung ương có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp khác về xử lý vật chứng, trong đó có biện pháp “tịch thu, tiêu hủy”. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về biện pháp nói trên trong Dự thảo.