Thi đua là cải tạo con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của cả dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta. Qua rất nhiều bài viết, lời dạy của Người sau đó đều toát lên tư tưởng - làm việc gì cũng cần phải có thi đua, thi đua gắn liền với mỗi con người, thi đua là cải tạo con người.

Thi đua theo nghĩa thông thường là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực ra nhằm thúc đẩy lẫn nhau đạt thành tích tốt nhất trong học tập, sản xuất, công tác và chiến đấu. Sự vươn lên của mỗi con người mang lại lợi ích cho cá nhân mình và cho xã hội. Ai cũng đua nhau để vươn lên thì xã hội mới phát triển. Việc tổ chức cho mọi người, mọi tổ chức, tập thể đua nhau vươn lên theo một mục đích, theo tổ chức trong một thời gian, có người về đích trước, về đích sau, có nhận xét, đánh giá, đó chính là thi đua. Chừng nào con người còn phải tiến hành lao động sản xuất để nuôi sống mình, tạo ra phương tiện để thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần cho mình và cho xã hội, thì chừng đó thi đua vẫn tồn tại và phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, trong công việc hàng ngày, những việc tốt, xấu, đúng, sai, tiến bộ, thoái bộ luôn đan xen nhau. Do đó, con người cũng cần phải thi đua phấn đấu chống lại mọi thói hư tật xấu, đấu tranh trong mỗi con người, và cả xã hội đều phải làm như vậy để cho mỗi con người, cả xã hội phát triển, hoàn thiện, hoàn mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Bằng cách thi đua, chúng ta sẽ tẩy sạch mọi khuyết điểm, phát triển mọi ưu điểm, vượt qua mọi khó khăn" (1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các Anh hùng chiến sĩ thi đua nông nghiệp ngày 27-5-1957. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các Anh hùng chiến sĩ thi đua nông nghiệp ngày 27-5-1957. Ảnh tư liệu

Với cách làm đó, theo Hồ Chí Minh “Thi đua thì cải tạo con người” (2). Thi đua cũng đồng thời mang ý nghĩa đạo đức vì thi đua sẽ xuất hiện các anh hùng, các chiến sĩ thi đua- "những người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc"( 3). Trong mọi việc, cán bộ, đảng viên "phải cố gắng hơn mọi người để làm kiểu mẫu cho mọi người " (4), có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung, thì trong thi đua cũng vậy: "Các cán bộ phải thi đua thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính, tẩy sạch khuyết điểm, phát triển ưu điểm" (5). Và cũng với ý nghĩa tốt đẹp của thi đua là "cải tạo con người", thông qua công việc hàng ngày, mỗi cá nhân nói riêng và mỗi tập thể nói chung đều phải thể hiện năng lực của bản thân mình nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ với trình độ năng lực còn hạn chế, giữa cách làm cũ với cách làm mới, giữa định mức cũ với định mức mới, giữa việc vận dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật với kinh nghiệm đã có để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra. Như vậy, có thể thấy, thi đua thực sự là một chất xúc tác, một sự kích thích, huy động mọi khả năng của từng cá nhân và toàn xã hội vào thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời thực hiện phong trào thi đua còn góp phần chống mọi biểu hiện của bệnh cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, chạy theo thành tích...

Phấn đấu vươn lên, thi đua tạo ra cái mới tốt đẹp hơn cái đã có, đồng thời thi đua chống lại cái sai, cái xấu không phải chỉ là công việc làm trong chốc lát rồi dừng lại, mà phải kiên trì, bền bỉ phấn đấu thi đua "hàng ngày", thường xuyên, liên tục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Thật ra thi đua phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công". "Thi đua phải lâu dài và rộng khắp". Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng hai chữ "hàng ngày" chỉ để dễ hiểu, dễ hình dung về nội dung của thi đua, mà thực sự nó có ý nghĩa hết sức sâu sắc và mang tính tích cực cao. Thi đua không phải chỉ tiến hành, tổ chức đối với những việc lớn như sản xuất, chiến đấu, mà cả trong những công việc đơn giản, bình thường hàng ngày cũng cần phải thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta không nên coi thường những việc nhỏ. Tuy hiệu quả của mỗi việc đem lại có thể nhỏ, nhưng nhiều công việc nhỏ hàng ngày và nhiều người đều thi đua hàng ngày, thì hiệu quả đem lại sẽ rất lớn. Đây cũng là đòn bẩy, đột phá làm cho các mặt tích cực được chú ý phát hiện, nhân lên những việc làm tốt, những cách làm hay. Qua đó, các nội dung công việc trọng tâm, trọng yếu sẽ được hoàn thành tốt hơn.

Công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo “là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(6), thực chất là cuộc thi đua yêu nước vĩ đại của dân tộc ta, mà mục tiêu thi đua là thực hiện Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, đưa lại lợi ích cho chính mình, lợi ích cho gia đình mình, và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc. Chúng ta tin tưởng rằng: Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân ta: Đất nước ta ngày càng phát triển, cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, như Bác Hồ và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hằng mong đợi.

VŨ KIM YẾN (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 5, trang 602

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, trang 408

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, trang 409

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, trang 101

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, trang 652

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, trang 617

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/thi-dua-la-cai-tao-con-nguoi-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-780576