Thị phần thương mại điện tử Việt Nam: 'Ngôi vương' của Shopee đang bị đe dọa?

TikTokShop đã nâng thị phần từ 32,5% từ cuối năm 2024 lên 42% trong 6 tháng đầu năm 2025, thu hẹp khoảng cách đáng kể với Shopee - sàn vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 55% thị phần thương mại điện tử.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Báo cáo Doanh thu các sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2025 của YouNet ECI cho thấy thị trường tăng trưởng 23% so với cùng kỳ và doanh thu trung bình của các shop thương mại điện tử tăng 27,6%.

TikTokShop bùng nổ

Theo số liệu từ Báo cáo, tổng giá trị giao dịch (GMV) của 4 nền tảng Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki đạt 222,1 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025.

Mức tăng trưởng 23% vượt xa tốc độ tăng trưởng chung của ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong cùng kỳ (tăng trưởng 9,3% theo số liệu của Tổng cục Thống kê).

Riêng TikTok Shop trong nửa đầu năm 2025 ghi nhận mức tăng trưởng về tổng giá trị giao dịch (GMV) lên đến 148% so với cùng kỳ, cao hơn cả mức 99% của chính TikTok Shop trong cả năm 2024.

Nền tảng này cũng nâng thị phần từ 32,5% (cuối 2024) lên 42%, thu hẹp khoảng cách đáng kể với Shopee - sàn vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 55% thị phần.

'Ngôi vương'của Shopee ngày càng bị lung lay vì trong Báo cáo “Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý 1/2025 và dự báo quý 2/2025” của Nền tảng phân tích dữ liệu Metric.vn mới đây, thị phần Shopee vẫn là 62%, TikTok Shop chỉ chiếm 35%. Điều này phản ánh sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Phương Lâm - Giám đốc Phân tích thị trường tại YouNet ECI nhận định: "Mức tăng trưởng này trong bối cảnh chưa phải mùa cao điểm thương mại điện tử cho thấy hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đang ngày càng ổn định. Đặc biệt, các ngành hàng thiết yếu như Sức khỏe (tăng 18,5%), Thực phẩm và Đồ uống (tăng 57,4%), Mẹ và Bé (tăng 35,1%) đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, cho thấy thương mại điện tử là kênh tiêu dùng dài hạn và là động lực tăng trưởng chính của ngành bán lẻ Việt Nam trong tương lai gần."

Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tiếp tục là 'đầu tàu' tăng trưởng cho thương mại điện tử khi tăng trưởng 167% trên TikTok Shop và 20% trên Shopee. Đây là xu hướng nối tiếp từ năm 2024 khi FMCG tăng trưởng +62% toàn ngành thương mại điện tử so với 2023.

Mặc dù thị trường tăng trưởng nhưng số lượng nhà bán có doanh thu lại giảm hơn 7.000 nhà bán so với cùng kỳ. Giải thích hiện tượng này, ông Nguyễn Phương Lâm cho biết: "Khi người tiêu dùng mua ngày càng nhiều các sản phẩm thiết yếu trên thương mại điện tử, họ đặt niềm tin nhiều hơn vào thương hiệu uy tín và nhà bán lẻ lớn. Cùng với áp lực phí sàn tăng trong 6 tháng đầu năm, hiển nhiên là nhiều nhà bán nhỏ lẻ chưa chuyên nghiệp hoặc chưa thật sự đầu tư sẽ buộc phải rời cuộc chơi. Vì vậy việc lượng nhà bán giảm không phản ánh tình trạng chung của ngành, ngược lại, nhóm gian hàng Mall Shop tăng trưởng doanh thu đến 34% so với cùng kỳ."

Báo cáo cho thấy tuy số lượng nhà bán có doanh thu giảm đi nhưng doanh thu trung bình của mỗi nhà bán còn đang kinh doanh trên sàn lại tăng đến 27,6% đồng thời, giá trị trung bình của mỗi sản phẩm tiêu thụ trên sàn cũng tăng nhẹ 5,4% so với cùng kỳ.

TikTok Shop lần đầu vượt Shopee về số lượng nhà bán

Không chỉ tăng trưởng GMV, số lượng nhà bán có doanh thu trên TikTok Shop trong nửa đầu năm 2025 tăng mạnh 96% so với cùng kỳ, đạt hơn 266.000 và lần đầu tiên vượt qua Shopee (Shopee có hơn 209.000 nhà bán, không tính nhà bán quốc tế).

TikTok Shop có tăng trưởng mạnh ở nhiều ngành hàng: Thời trang (tăng 123%), Làm đẹp (tăng 191%), FMCG (tăng 167%), Điện gia dụng (tăng 109%).

Hiện nền tảng này đang bán chạy và chiếm thị phần cao trong các ngành hàng quen thuộc với Gen Z như: Thời trang: 54%, Làm đẹp: 50%, Thực phẩm và Đồ uống: 44%. Trong khi đó, Shopee vẫn duy trì thị phần hơn 60% ở nhiều ngành hàng còn lại.

Theo YouNet ECI, TikTok Shop tăng trưởng mạnh nhờ các sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ, dễ tiếp cận (economy, mainstream). Trong khi đó, Shopee duy trì ổn định ở phân khúc upper mainstream và premium (nhóm sản phẩm tầm trung cao và cao cấp), thể hiện niềm tin cao từ người tiêu dùng lâu năm.

Báo cáo cũng cho thấy Top 10 các nhà bán có doanh thu cao nổi bật tại Shopee thì Apple Flagship Store, Viettel Store hay ShopDunk đều xếp đầu bảng nhờ các dòng sản phẩm điện thoại, điện tử cao cấp.

Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp kinh doanh trên thương mại điện tử trong bối cảnh mới (phí sàn tăng, doanh nghiệp lớn đổ bộ lên sàn ngày càng nhiều), ông Nguyễn Phương Lâm nhấn mạnh: "Người tiêu dùng Việt Nam đang mua sắm trực tuyến quanh năm, ở nhiều ngành hàng, và ngày càng chú trọng đến chất lượng. Doanh nghiệp cần nhìn nhận thương mại điện tử là kênh tiêu thụ chiến lược chứ không chỉ là nơi ‘xả hàng cuối năm’. Đầu tư nghiêm túc trong xây dựng thương hiệu, chất lượng dịch vụ và chuẩn bị tài chính để đi đường dài thì mới có thể cạnh tranh. Thương mại điện tử Việt Nam không còn chỗ cho tư duy ăn xổi."

Theo báo cáo "Vietnam E-commerce Intelligence 2025" do YouNet ECI và YouNet Media phát hành, thương mại điện tử Việt Nam được dự báo tăng trưởng kép 35%/năm đến năm 2028, với hai trụ cột chính: Shoppertainment (Mua sắm kết hợp giải trí) và Giá trị giỏ hàng ngày càng tăng (Basket Size Expansion)./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thi-phan-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-ngoi-vuong-cua-shopee-dang-bi-de-doa-post1052224.vnp