Thiết lập khung pháp lý đồng bộ để quản lý sản phẩm, dịch vụ theo tiêu chuẩn Halal
Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ Halal nhằm thiết lập một khung pháp lý thống nhất, đồng bộ để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và chứng nhận sản phẩm, dịch vụ theo tiêu chuẩn Halal.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị phần tại thị trường Halal
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, mục đích xây dựng dự thảo Nghị định quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ Halal nhằm thể chế hóa chủ trương, yêu cầu của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện thể chế về hoạt động đánh giá sự phù hợp, quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ Halal.
Thiết lập một khung pháp lý thống nhất và đồng bộ để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và chứng nhận sản phẩm, dịch vụ theo tiêu chuẩn Halal; quy định về tiêu chuẩn đối với sản phẩm Halal tạo cơ sở để hài hòa hóa tiêu chuẩn Halal của Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; xác định rõ quy trình, thủ tục đánh giá sự phù hợp sản phẩm, dịch vụ Halal; phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chứng nhận Halal, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia Hồi giáo, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo dự thảo, sản phẩm Halal là sản phẩm đã được tuyên bố là hợp pháp hoặc được phép theo luật Hồi giáo.
Dịch vụ Halal là bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các sản phẩm Halal như vận chuyển, lưu trữ, đóng gói, đóng kiện, trưng bày, xử lý và bất kỳ hoạt động liên quan nào khác.
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị phần tại thị trường Halal quốc tế đầy tiềm năng (bao gồm thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, dịch vụ du lịch, tài chính...); nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ Việt Nam trên trường quốc tế; thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm Halal tại Việt Nam.
Yêu cầu chung đối với sản phẩm, dịch vụ Halal
Dự thảo Nghị định đề xuất quy định sản phẩm, dịch vụ Halal phải tuân thủ đồng thời các quy định của luật Hồi giáo (Sharia) và tiêu chuẩn Halal mà cơ sở sản xuất, kinh doanh đã công bố áp dụng.
Đối với sản phẩm Halal, các yêu cầu bao trùm từ nguyên liệu, phụ gia phải là Halal, quy trình sản xuất phải đảm bảo vệ sinh và ngăn ngừa nhiễm chéo, cho đến việc đóng gói, lưu trữ và vận chuyển phải được tách biệt để bảo toàn tính Halal.
Các cơ sở sản xuất phải công bố tiêu chuẩn áp dụng (có thể là Tiêu chuẩn quốc gia - TCVN, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc nước ngoài) trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Tất cả sản phẩm Halal khi lưu thông trên thị trường phải được ghi rõ cụm từ "SẢN PHẨM HALAL" hoặc "HALAL" bằng chữ Latinh in hoa trên nhãn ở vị trí dễ thấy và không thể tẩy xóa. Nhãn sản phẩm, ngoài các nội dung bắt buộc theo quy định chung, phải có tên và logo của tổ chức đã cấp chứng nhận Halal cùng với số hiệu của giấy chứng nhận. Thiết kế bao bì và nhãn mác không được chứa hoặc gợi liên tưởng đến các yếu tố bị cấm (Haram) hoặc các biểu tượng không phù hợp với đạo Hồi. Dự thảo Nghị định cũng khuyến khích việc ứng dụng các giải pháp công nghệ như mã QR hoặc blockchain để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc...
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.