Thị trường bán lẻ nội địa: Còn nhiều dư địa phát triển

Thời gian qua, bên cạnh nâng cao chất lượng dịch vụ, tái cấu trúc mô hình, các hệ thống bán lẻ liên tục gia tăng điểm bán cho thấy thị trường bán lẻ nội địa vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Với nhiều lợi thế và các điều kiện thuận lợi, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng trong thời gian tới...

Người dân mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Long Biên). Ảnh: Hà Thư

Người dân mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Long Biên). Ảnh: Hà Thư

Liên tục gia tăng điểm bán

Ngày 1-6, Tập đoàn BRG phối hợp với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) khai trương siêu thị FujiMart tại phố Giảng Võ (quận Ba Đình), đưa tổng số điểm bán của hệ thống FujiMart tại Hà Nội lên 11 điểm.

Trước đó, ngày 25-5, điểm bán thứ 10 tại phố Chính Kinh (quận Thanh Xuân) của hệ thống siêu thị FujiMart cũng đã được khai trương. Các hoạt động này nằm trong chiến lược mở rộng toàn diện nhằm xây dựng hệ thống siêu thị chất lượng, gắn với tiêu chí xanh, sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Công ty TNHH Aeon Việt Nam (Aeon Việt Nam) ngày 18-5 mới đây cũng đã tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm thương mại Aeon Tân An, tại tỉnh Long An. Đây là trung tâm thương mại thứ 8 tại Việt Nam của Aeon Việt Nam và là trung tâm thương mại Aeon đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.

“Năm 2024, Aeon Việt Nam có kế hoạch mở mới đa dạng các điểm mua sắm với nhiều mô hình và quy mô khác nhau. Không chỉ nằm trong các trung tâm mua sắm của Aeon, chúng tôi đồng thời cũng sẽ mở rộng và phát triển thêm các điểm mua sắm Aeon tại các trung tâm thương mại của các đối tác khác”, Tổng Giám đốc AeonViệt Nam Furusawa Yasuyuki chia sẻ.

Dự kiến tới cuối năm 2024, tổng số địa điểm kinh doanh của các công ty thành viên trong Aeon Việt Nam sẽ lên tới hơn 160 địa điểm, bao gồm các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce (quản lý vận hành hệ thống WinMart, WinMart , WiN) Nguyễn Thị Phương, năm 2023 doanh nghiệp đã mở mới, cải tạo hơn 1.700 siêu thị, đạt độ phủ với tổng số hơn 3.600 siêu thị và cửa hàng khắp cả nước. Năm nay, chuỗi bán lẻ này đặt mục tiêu mở mới 400-700 cửa hàng và siêu thị, tiến tới đạt hơn 4.000 điểm bán.

Phát triển cả chiều rộng và chiều sâu

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước tháng 5-2024 ước đạt 402,4 tỷ đồng tăng 8,2% so với tháng 5-2023. Kết quả này đưa doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.998,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,5% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024. Thị trường bán lẻ nội địa còn nhiều dư địa cho các nhà bán lẻ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực.

Để thúc đẩy thị trường nội địa, Tổng Giám đốc WinCommerce Nguyễn Thị Phương cho biết, thời gian tới doanh nghiệp sẽ tập trung chiến lược cạnh tranh với chỉ số giá ngang bằng hoặc cạnh tranh hơn so với thị trường. Mục tiêu này dựa trên việc gia tăng tỷ lệ sản phẩm mang nhãn hàng riêng và thương hiệu của Masan, cùng với tiết giảm chi phí do sở hữu công ty con chuyên về chuỗi cung ứng. Dự kiến, doanh thu thuần của WinCommerce năm nay sẽ đạt 32.500-34.000 tỷ đồng, tăng 8-13% so với cùng kỳ.

Còn đại diện Aeon Việt Nam đánh giá, trong dài hạn, Việt Nam là một trong hai thị trường trọng điểm, bên cạnh Nhật Bản, trong chiến lược đẩy mạnh đầu tư, với nhiều lợi thế và các điều kiện thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng. Ngoài gia tăng điểm bán, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển thương mại điện tử với kỳ vọng tăng trưởng 20% năm 2024 và đạt 50% những năm tiếp theo, đồng thời phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng sản xuất tại Việt Nam nhằm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, việc gia tăng điểm bán, đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ, trong đó có nhiều “ông lớn” bán lẻ nước ngoài, đã sớm nhìn thấy và đón đầu xu hướng bùng nổ của thị trường bán lẻ Việt Nam với tiềm năng lớn chưa được khai thác triệt để. Đây sẽ là động lực để bán lẻ nội địa hướng tới tiêu chuẩn cao hơn, bảo vệ và phát triển thương hiệu.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thúc đẩy thị trường trong nước luôn là giải pháp hàng đầu hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Để tạo động lực cho thị trường, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng là việc cần làm cùng với xem xét lại thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với tình hình mới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ cần đổi mới phương thức kinh doanh, đưa sản phẩm có chất lượng, giá hợp lý đến với người tiêu dùng nhanh nhất, đồng thời có các chính sách khuyến mại, hậu mãi để giữ chân người mua và tạo uy tín thương hiệu.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thi-truong-ban-le-noi-dia-con-nhieu-du-dia-phat-trien-668275.html