Thị trường carbon: chìa khóa mở đường cho mục tiêu Net Zero 2050

Cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đặt Việt Nam trước nhiều mục tiêu kép: giảm phát thải khí nhà kính và duy trì tăng trưởng kinh tế. Diễn đàn 'Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới' do Viện Tư vấn phát triển (CODE) và Tạp chí TheLeader tổ chức ngày 18/7 không chỉ tái khẳng định quyết tâm của Việt Nam mà còn mở ra hướng đi cụ thể thông qua thị trường carbon.

Các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn

Các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn

Pháp lý mở đường, kỹ thuật còn bỏ ngỏ

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển nhấn mạnh rằng, biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn nhất toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh đó, trung hòa carbon và đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) là mục tiêu then chốt mà các quốc gia cần hướng tới.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đã thể hiện cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 với mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 thông qua loạt giải pháp cắt giảm phát thải trong các lĩnh vực chủ chốt như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và năng lượng, cùng với đẩy mạnh năng lượng tái tạo.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, cam kết Net Zero không chỉ góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, mà còn thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển xanh, tăng cường hợp tác quốc tế và thu hút nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, hành trình 25 năm tới sẽ đầy thách thức, khi Việt Nam cùng lúc phải theo đuổi các mục tiêu kép: giảm phát thải và duy trì tăng trưởng kinh tế cao để trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển phát biểu tại diễn đàn

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển phát biểu tại diễn đàn

Phân tích khía cạnh pháp lý, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đánh giá, thị trường carbon tại Việt Nam đang trong giai đoạn định hình nền móng với hành lang pháp lý bước đầu được thiết lập, các bên liên quan đã có nhận thức và bước đầu tham gia.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khoảng trống cần được lấp đầy bằng hệ thống hướng dẫn kỹ thuật chi tiết. Năng lực giám sát, quản lý ở cấp địa phương và doanh nghiệp còn hạn chế, cần được củng cố qua đào tạo chuyên sâu và hỗ trợ kỹ thuật. Đặc biệt, việc xây dựng sàn giao dịch carbon cần đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, minh bạch và hiệu quả. Quá trình này phải gắn liền với số hóa hệ thống giám sát, đảm bảo dữ liệu chính xác và có thể kiểm chứng.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, sự điều tiết của nhà nước, vai trò chủ động của doanh nghiệp tư nhân và hợp tác quốc tế sẽ là ba trụ cột tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường carbon tại Việt Nam.

Hành trình góp tín chỉ carbon cho Net Zero

Chia sẻ thực tiễn từ mô hình nông nghiệp luân canh lúa – tôm của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của giống gạo ST25, ông Cua cho biết, ông và các cộng sự đã tận dụng điều kiện nước ngọt để trồng lúa và nước mặn để nuôi tôm. Mô hình này khuyến khích sử dụng vi sinh vật và thiên địch tự nhiên, qua đó giảm 30% phân bón hóa học và tới 75% thuốc trừ sâu, giúp nông dân tăng gấp đôi thu nhập nhờ giá bán cao hơn 50%.

Đáng chú ý, mô hình này đã đạt tiêu chí phát thải carbon thấp, mở ra cơ hội bán tín chỉ carbon. Đây cũng được xem là một nguồn thu tiềm năng cho người nông dân trong tương lai.

“Cha đẻ” của giống gạo ST25 - Hồ Quang Cua chia sẻ về mô hình nông nghiệp luân canh lúa – tôm

“Cha đẻ” của giống gạo ST25 - Hồ Quang Cua chia sẻ về mô hình nông nghiệp luân canh lúa – tôm

Từ góc nhìn của cộng đồng chủ rừng, ông Nguyễn Quang Huy – đại diện các chủ rừng xã Cao Quảng (nay là xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết, rừng là những “bể chứa carbon” tự nhiên, đóng vai trò quan trọng trong hấp thụ khí nhà kính.

Nhờ tham gia Dự án Thỏa thuận giảm phát thải tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, từ năm 2023, cộng đồng rừng tại Cao Quảng đã nhận về trung bình gần 3 tỷ đồng mỗi năm, tạo động lực duy trì bảo vệ rừng.

Ông Huy đề xuất, cần xác định rõ giá trị của rừng trong lộ trình Net Zero, đồng thời kiến nghị ban hành chính sách đặc thù để chủ rừng tham gia thị trường tín chỉ carbon. Ông cũng kỳ vọng thị trường này sớm đi vào vận hành để người dân có được cơ hội tài chính tương xứng cho những nỗ lực giữ gìn và bảo vệ rừng.

Làm rõ hơn về vai trò của thị trường carbon, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, carbon chủ yếu phát sinh từ đốt nhiên liệu hóa thạch trong công nghiệp, giao thông và năng lượng. Việc định giá carbon là công cụ then chốt nhằm gắn chi phí phát thải với hoạt động sản xuất, qua đó thúc đẩy lựa chọn công nghệ sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả. Hai cơ chế phổ biến hiện nay là thuế carbon và thị trường carbon. Trong đó, thị trường carbon cho phép giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon, đây là mô hình đang được nhiều quốc gia áp dụng.

Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại diễn đàn

Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại diễn đàn

Việt Nam hiện có khoảng 150 dự án đã được cấp khoảng 40,2 triệu tín chỉ carbon, đủ điều kiện giao dịch quốc tế. Quốc gia cũng nằm trong TOP 4 nước có số lượng dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM) đăng ký nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Tuấn Quang, phát triển thị trường carbon là yêu cầu cấp thiết nhằm hiện thực hóa các cam kết giảm phát thải. Ông cũng cũng chỉ ra 5 giải pháp trọng tâm để đạt được cam kết Net Zero, bao gồm: chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo có lưu trữ; sử dụng tiết kiệm tài nguyên; phát triển rừng và hệ sinh thái biển, ven biển; thu hồi và lưu trữ carbon; định giá carbon thông qua thuế và thị trường.

Phùng Xuân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thi-truong-carbon-chia-khoa-mo-duong-cho-muc-tieu-net-zero-2050.775021.html