Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới: Yêu cầu cấp bách, không thể chậm trễ

Theo giới chuyên gia, phát triển thị trường carbon là chìa khóa thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam, huy động nguồn lực tài chính cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững

Hành động chuyển đổi xanh vì một Việt Nam xanh, sạch và phát triển bền vững. (Ảnh: TTXVN)

Hành động chuyển đổi xanh vì một Việt Nam xanh, sạch và phát triển bền vững. (Ảnh: TTXVN)

Phát triển thị trường carbon hướng tới Net Zero là một yêu cầu cấp bách, không thể chậm trễ. Đây cũng là cơ hội quan trọng để huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh. Nếu Việt Nam không tận dụng kịp thời, nguồn lực này sẽ rơi vào tay các quốc gia khác.

Thông điệp trên vừa được đưa ra tại Diễn đàn “Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới” diễn ra ngày 18/7, tại Hà Nội.

Muốn Net Zero, bắt buộc phải giảm phát thải

Nhấn mạnh Net Zero là một trong những cam kết lớn nhất mà nhân loại từng thực hiện - Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) Lê Xuân Nghĩa, nhận định cho đến nay, chưa từng có một cam kết "xanh" nào mang tầm vóc vĩ đại như vậy, với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 chưa phải là cam kết cuối cùng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của loài người.

“Chúng ta có quyền hy vọng tương lai sẽ còn nhiều hành động mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế để cứu lấy hành tinh này,” ông Nghĩa nêu quan điểm.

Phân tích thêm, ông Nghĩa cho hay gần đây cường độ và tần suất của các thảm họa thiên nhiên và đại dịch đang gia tăng nhanh chóng. Trước đây, phải 200 năm mới có một đại dịch, rồi rút xuống còn 100 năm, 50 năm, nhưng gần đây - cứ mỗi 16 năm lại xuất hiện một đại dịch quy mô toàn cầu.

Điều đáng lo ngại hơn, theo ông Nghĩa là nguy cơ từ các loại virus gần đây cũng ngày càng hiện hữu với khoảng 1,6 triệu virus từng cư trú trong rừng, sống ký sinh trên các loài động vật hoang dã, đang dần xâm nhập vào con người. Trên thực tế, các nhà khoa học đã tìm mọi cách, nhưng cuối cùng thì rừng vẫn bị tàn phá, nguồn nước, “sức khỏe” của đất cũng bị tàn phá.

Hệ lụy của thực trạng trên không loại trừ bất kỳ quốc gia nào, ngay cả nước Mỹ. Ông Nghĩa nêu dẫn chứng trong đại dịch COVID-19, Mỹ là quốc gia có số người tử vong cao nhất. Các trận bão lớn, trong đó có những cơn bão đã tàn phá thành phố New York, cũng xảy ra trên đất Mỹ.

“Tôi và vợ từng đến New York. Khi ấy, người châu Á rời bỏ thành phố gần như hoàn toàn, nhưng người Việt Nam - kiều bào chúng ta lại là những người dũng cảm quay trở lại, xây dựng nhà mới, ổn định cuộc sống. Thị trưởng thành phố đã ca ngợi nghị lực và tinh thần kiên cường của cộng đồng người Việt. Trong khi đó, ngay cả khi được hỗ trợ tài chính, nhiều người Mỹ vẫn không dám quay lại,” ông Nghĩa chia sẻ.

Một thảm họa đáng lo ngại khác là hàm lượng carbon trong không khí. Ông Nghĩa nhấn mạnh hàm lượng carbon đã ổn định trong vòng hàng nghìn năm, nhưng trong 200 năm qua, hàm lượng này đã tăng gấp đôi và vẫn đang tăng với tốc độ chưa từng thấy. Tốc độ phát thải khí nhà kính cũng gia tăng.

“Trước là Trung Quốc, nhưng hiện Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ tăng phát thải nhanh nhất - điều này thực sự đáng báo động,” ông Nghĩa nói.

Từ thực tế trên, ông Nghĩa nhấn mạnh giảm phát thải khí nhà kính không chỉ là trách nhiệm, mà là nhiệm vụ sống còn của loài người. Ông cũng nêu quan điểm rằng những ai phản đối Net Zero, phản đối môi trường sống xanh, không phải vì không thấy được hiểm họa, mà vì động cơ ích kỷ.

"Điều đó cho thấy cuộc chiến chống phát thải khí nhà kính không bị gián đoạn, không vì một số cá nhân mà chậm lại. Từ năm 2027, ngành hàng không toàn cầu sẽ bắt đầu đánh thuế phát thải khí nhà kính, và khoản thuế đó sẽ thể hiện trực tiếp trên vé máy bay. Các hãng hàng không Việt Nam cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho điều này," ông Nghĩa nhấn mạnh.

 Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. (Nguồn: TheLEADER)

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. (Nguồn: TheLEADER)

Không chỉ vậy, theo Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu hơn 2.000 doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính. “Điều này không chỉ là xu thế, mà là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu một cách nghiêm túc,” ông Nghĩa chia sẻ thêm.

Yêu cầu cấp bách, không thể chậm

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, cho biết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tuyên bố mang tính bước ngoặt: Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây là một cam kết sớm và mạnh hơn nhiều nước đang phát triển khác có mặt bằng cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc hay Nga.

Trong kết thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam dự kiến phát thải hơn 900 triệu tấn khí nhà kính theo kịch bản phát triển thông thường. Tại NDC cập nhật năm 2022, Việt Nam cam kết giảm 15,8% lượng phát thải. Trong trường hợp nhận được hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam có thể nâng mức giảm lên 43,5%, tương đương còn 45 triệu tấn CO₂.

“Điều đó cho thấy rõ muốn thực hiện được NDC thì không thể thiếu các giải pháp tài chính cụ thể. Nếu không huy động được các nguồn lực này, cam kết sẽ khó thành hiện thực. Vì vậy, thị trường carbon được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cam kết NDC,” ông Thọ chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Tuấn Quang - Phó cục trưởng Cục Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), có hai hướng tiếp cận chính thị trường carbon. Một là thuế carbon, hai là thị trường carbon, gồm cả thị trường tuân thủ và thị trường bù trừ. Trong các lĩnh vực phát thải lớn, thị trường carbon sẽ đóng vai trò then chốt để giúp đạt được mục tiêu giảm phát thải.

Trong NDC, mỗi lĩnh vực đều có ước tính chi phí cụ thể, kịch bản hỗ trợ tài chính và kết quả tương ứng nếu có nguồn lực quốc tế. Tuy nhiên, việc huy động tài chính xanh từ bên ngoài vẫn là một thách thức lớn, do năng lực nội tại về nhân lực, công nghệ xanh và hấp thụ dòng vốn còn hạn chế.

Đơn cử trong lĩnh vực năng lượng, chi phí cận biên để giảm một tấn CO₂ là khoảng 150 USD. Có nghĩa nếu Việt Nam bán tín chỉ carbon với giá thấp hơn 150 USD, thì về nguyên tắc sẽ phải bù lại bằng chính chi phí đó để thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải. Vì vậy, việc định giá tín chỉ carbon hợp lý và gắn liền với chi phí thực tế là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo tính khả thi.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, chi phí cận biên cuối cùng để giảm phát thải một tấn carbon có thể lên tới 300 USD. Trong khi tín chỉ carbon từ nông lâm nghiệp hiện chỉ được giao dịch trên thị trường quốc tế với giá khoảng 1-1,6 USD mỗi tấn. Nếu bán tín chỉ giá rẻ nhưng không thực hiện được cam kết giảm phát thải, Việt Nam có thể phải chi tới 300 USD cho mỗi tấn carbon.

Từ phân tích trên, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ cho hay khi tham gia thị trường carbon, cần phải tính toán kỹ về cơ hội, chi phí và lợi ích.

Ông Thọ cũng cho rằng việc tham gia thị trường carbon cần khôn ngoan, để vừa tận dụng được nguồn tài chính khí hậu, vừa thúc đẩy chuyển đổi công nghệ và giảm phát thải đồng thời huy động nguồn lực cho quốc gia.

“Nếu biết cách khai thác các cơ hội từ tín chỉ carbon, tận dụng sự kết nối giữa thị trường bù trừ và thị trường tuân thủ, giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế theo Điều 6, thì cơ hội tài chính mang lại cho doanh nghiệp có thể tăng gấp 20 đến 30 lần so với giá bán tín chỉ thông thường,” ông Thọ nói.

Trước những cơ hội và thách thức trên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh phát triển thị trường carbon là một yêu cầu cấp bách, không thể chậm trễ. Đây cũng là cơ hội quan trọng để huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh. Bởi lẽ, nếu Việt Nam không tận dụng, nguồn lực này sẽ rơi vào tay các quốc gia khác./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-carbon-trong-ky-nguyen-moi-yeu-cau-cap-bach-khong-the-cham-tre-post1050304.vnp