Thị trường chứng khoán Ấn Độ đang dần bắt kịp Trung Quốc
Các nhà đầu tư đang buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc nên đầu tư vào Ấn Độ hay Trung Quốc.
Ấn Độ đang dần bắt kịp Trung Quốc với tư cách là quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong bảng xếp hạng chỉ số thị trường mới nổi của MSCI – đơn vị cung cấp các công cụ phân tích thị trường và số liệu cho nhà đầu tư.
Chỉ số thị trường mới nổi (Emerging Market Index) là chỉ số phản ánh hiệu suất của các thị trường chứng khoán ở những quốc gia đang phát triển.
Giá cổ phiếu tăng vọt trên thị trường chứng khoán Ấn Độ cùng với doanh số bán cổ phiếu và tăng trưởng ấn tượng của các công ty nội địa đã đưa nước này chiếm gần 20% chỉ số thị trường mới nổi của MSCI. Trong khi đó, Trung Quốc đã giảm xuống còn 25%, từ mức hơn 40% vào năm 2020.
Các nhà đầu tư nhận định cuộc họp đánh giá chỉ số MSCI dự kiến diễn ra vào tháng tới có thể nâng tỷ trọng của Ấn Độ lên trên 20%, vượt qua Đài Loan và xếp ngay sau Trung Quốc.
Việc Ấn Độ đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc khiến các nhà đầu tư buộc phải đánh giá cẩn thận về việc nên đầu tư vào thị trường chứng khoán Ấn Độ sôi động nhưng giá cổ phiếu đắt đỏ hay vào Trung Quốc với giá chứng khoán rẻ hơn những đang bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.
Varun Laijawalla, nhà phân tích tại công ty quản lý tài sản NinetyOne, cho biết: “Nếu chọn đầu tư trong dài hạn, các nhà đầu tư sẽ chọn Ấn Độ, còn nếu muốn đầu tư trong ngắn hạn, Trung Quốc là một lựa chọn tương đối ổn”.
Chỉ số P/E dự phóng, giúp nhà đầu tư biết thị trường sẵn sàng trả bao nhiêu cho cổ phiếu so với thu nhập dự kiến, của thị trường chứng khoán Ấn Độ đang giao dịch ở mức 24 lần trong khi Trung Quốc chỉ ở mức 10 lần.
“Mười hoặc 11 năm trước, Ấn Độ chiếm tỷ trọng 6 đến 7% chỉ số thị trường mới nổi. Bây giờ con số này đã lên gần 20%”, Kunjal Gala, chuyên gia tại Federated Hermes cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm: “Do cổ phiếu của Ấn Độ đã ở mức giá tương đối cao, nên việc tỷ trọng của Ấn Độ tăng lên buộc các nhà đầu tư phải cân nhắc cẩn thận các rủi ro trước khi quyết định đầu tư. ”
Dòng vốn trong nước đổ vào các quỹ cổ phần là một yếu tố quan trọng giúp quốc gia Nam Á này chiếm thứ hạng cao trong bảng xếp hạng của MSCI - Laijawalla cho biết.
Chuyên gia này tiết lộ thêm tại Ấn Độ, từ năm 2016-2020, dòng vốn ròng trong nước trung bình hàng năm vào cổ phiếu là 12 tỷ USD. Trong khi đó, từ năm 2021-2023, con số này đã tăng lên 29 tỷ USD.
Ngoài ra, Ấn Độ là một trong những thị trường có đồng nội tệ hoạt động tốt nhất với việc đã bắt kịp Mỹ trong những thập kỷ gần đây.
Dù đã đạt được những bước tiến trên bảng xếp hạng thị trường mới nổi, Ấn Độ vẫn chưa thực sự là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi cổ phiếu tại thị trường này liên tục tăng giá.
Theo Vikas Pershad, nhà quản lý danh mục đầu tư tại M&G Investments, đây là lý do chính khiến các nhà đầu tư liên tục bỏ qua Ấn Độ trong 20 năm qua.
Bên cạnh đó, mặc dù doanh thu của các công ty Ấn Độ đang tăng lên, nhưng tốc độ không nhanh hơn các thị trường mới nổi khác. Sunil Tirumalai, chiến lược gia thị trường mới nổi toàn cầu tại UBS cho biết: “Tôi không ngạc nhiên về tăng trưởng doanh thu của các công ty Ấn Độ. Điều này là hoàn toàn bình thường”.
Vivian Lin Thurston, nhà quản lý danh mục đầu tư tại William Blair Investment Management, cho biết: “Nhìn chung, các nhà đầu tư toàn cầu vẫn đánh giá thấp Ấn Độ, một phần là do định giá. Khi tỷ trọng của Ấn Độ ngày càng tăng, họ sẽ khó tìm được cổ phiếu có giá trị hấp dẫn ở quốc gia này”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thi-truong-chung-khoan-an-do-dang-dan-bat-kip-trung-quoc.html