Thị trường chứng khoán khởi sắc nhờ đàm phán Mỹ - Trung
Các thị trường chứng khoán trên thế giới đồng loạt tăng điểm trong ngày 12/5, sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận giảm mạnh thuế đối với hàng hóa của nhau trong khoảng thời gian 90 ngày.
Các nhà đầu tư toàn cầu đều vui mừng khi cuộc chiến thương mại bắt nguồn từ các mức thuế cao mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đã có dấu hiệu hạ nhiệt, giúp ổn định các thị trường tài chính, giảm thiểu sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và lo ngại về suy thoái kinh tế.
Cụ thể, Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng 3,4% vào cuối giờ chiều theo giờ địa phương, trong khi chỉ số DAX của Đức và CAC của Pháp lần lượt tăng 1,2% và 1%. Chỉ số FTSE của London cũng tăng 0,3%. Các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng ghi nhận mức tăng, với Dow Jones dự báo mở cửa cao hơn 2,1%, còn các chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 2,7% và 3,6%.
Đồng USD cũng mạnh lên sau thỏa thuận này, với chỉ số ICE - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt - tăng 1,3% lên 102 USD. Giá dầu Brent - chuẩn dầu toàn cầu cũng tăng 2,8%.
Neil Wilson, chiến lược gia tại Saxo Markets nhận định rằng, thỏa thuận này giúp hai bên có thêm thời gian để đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn, tạo cơ hội thực hiện các quá trình và các “cơ chế” mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent đề cập. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù cả hai bên đều không muốn “tách rời” nhưng Mỹ thực sự đang cố gắng tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu theo hướng riêng biệt.
Theo tuyên bố chung được công bố vào thứ Hai, sau các cuộc đàm phán thương mại kéo dài cuối tuần tại Geneva, Thụy Sĩ, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý giảm mạnh thuế đối với hàng hóa của nhau trong một khoảng thời gian 90 ngày đầu tiên.
Các điều chỉnh thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 14/5. Mỹ sẽ tạm thời giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ 125% xuống 10%. Mặc dù một số khoản thuế liên quan đến fentanyl vẫn được giữ nguyên, thỏa thuận này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.