Thị trường dầu biến động mạnh trước thông tin Saudi Arabia thúc đẩy OPEC+ tăng sản lượng
Theo các nguồn tin độc quyền của Wall Street Journal, Saudi Arabia và các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang thảo luận về khả năng tăng sản lượng. Đây là động thái có thể giúp hàn gắn rạn nứt với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng thời giúp duy trì nguồn cung năng lượng trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu của Nga.
Hôm 21-11, Wall Street Journal dẫn lời các đại diện của OPEC cho hay phương án tăng sản lượng lên tới 500.000 thùng mỗi ngày dự kiến sẽ được trình ra cuộc họp ngày 4-12 tới của liên minh OPEC+, bao gồm OPEC và các đồng minh bên ngoài do Nga dẫn đầu.
Thông tin này khiến giá dầu chuẩn quốc tế Brent lần đầu tiên giảm về dưới mức 83 đô la Mỹ/thùng kể từ tháng 1.
Tuy nhiên sau đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman bác bỏ thông tin OPEC+ thảo luận tăng sản lượng trước thềm cuộc họp của liên minh này vào đầu tháng tới. Giá dầu Brent ngay lập tức phục hồi và đạt 87,45 đô la Mỹ/thùng, giảm 0,19% vào thời điểm thị trường đóng cửa.
EU chuẩn bị áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ xuất khẩu bằng đường biển Nga kể từ ngày 5-12 và nhóm các nước công nghiệp G7 dự kiến áp trần giá dầu của Nga. Các diễn biến này này có khả năng bóp nghẹt nguồn cung năng lượng của Moscow hơn nữa trên thị trường quốc tế.
Bất kỳ sự gia tăng sản lượng nào của OPEC+ đều sẽ đánh dấu sự đảo ngược một phần quyết định gây tranh cãi trước đó của liên minh này về việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11.
Nhà Trắng chỉ trích quyết định này đã làm suy yếu các nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế xuất khẩu dầu mỏ mà Nga dựa vào để có nguồn lực tài chính phục vụ cho cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Động thái hạn chế nguồn cung của OPEC+ hồi tháng trước được đưa ra trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào thời điểm lạm phát cao, vì vậy, nó cũng được coi là một “cú tát” chính trị vào Tổng thống Joe Biden. Mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ đang rạn nứt nghiêm trọng do vương quốc dầu mỏ này cự tuyệt các lời kêu gọi tăng sản lượng dầu của Nhà Trắng trong năm nay.
Cuộc thảo luận của OPEC về việc tăng sản lượng xuất hiện sau khi chính quyền Tổng thống Biden nói với một thẩm phán tòa án liên bang ở Mỹ rằng Thái tử Mohammed bin Salman, Thủ tướng Saudi Arabia, nên được quyền miễn trừ trách nhiệm trong vụ kiện bồi thường liên quan đến vụ sát hại nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhì Kỳ) vào năm 2018.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, nguyên tắc miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho người đứng đầu chính phủ đã được ghi nhận rộng rãi trong thông luật quốc tế. Trước đó, tình báo Mỹ nghi ngờ Thái tử Mohammed bin Salman đã ra lệnh sát hại Khashoggi. Cho đến nay, Thái tử Salman phủ nhận mọi liên quan.
Quyết định miễn trừ trách nhiệm này là một sự nhượng bộ của Mỹ đối với Thái tử Salman, giúp củng cố vị thế của ông với tư cách là người cai quản trên thực tế của Saudi Arabia, sau khi chính quyền Joe Biden tìm cách cô lập ông trong nhiều tháng qua.
Nhưng đây là thời điểm bất thường để OPEC+ xem xét tăng sản lượng, với giá dầu toàn cầu giảm hơn 10% kể từ tuần đầu tiên của tháng 11. Sản lượng dầu của OPEC+ tăng thêm thường khiến giá giảm.
Theo các đại diện của OPEC, việc tăng sản lượng sẽ đáp ứng mức tiêu thụ dầu tăng lên vào mùa đông như thường lệ. Nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng thêm 1,69 triệu thùng, lên 101,3 triệu thùng/ngày trong quí đầu tiên của năm tới so với mức trung bình của năm 2022.
OPEC và các đồng minh cho biết họ đã nghiên cứu cẩn thận kế hoạch của G7 nhằm áp đặt giá trần đối với dầu của Nga. Họ xem đây là mối đe dọa đối với hoạt động sản xuất dầu của Nga. Trong khi đó, Moscow tuyên bố không bán dầu cho bất kỳ nước nào tham gia áp giá trần. Điều này có khả năng dẫn đến một đợt cắt giảm sản lượng khác của Nga, một trong ba nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
Tháng trước, trả lời câu hỏi về tình trạng nguồn cung dầu từ Nga sắp bị hạn chế, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman tuyên bố nước này sẽ “cung cấp dầu cho tất cả những ai cần”. Các thành viên OPEC khác cũng đã phát đi thông điệp với các nước phương Tây rằng họ sẽ tăng cường sản xuất dầu nếu sản lượng từ Nga giảm.
Việc thảo luận tăng sản lượng có thể dẫn đến một cuộc đối đầu tiềm tàng giữa hai nhà sản xuất dẫn đầu của OPEC+ là Saudi Arabia và Nga.
Việc tăng sản lượng dầu trước khi kế hoạch áp trần giá dầu Nga và lệnh cấm vận của EU có hiệu lực có thể giúp Saudi Arabia thể hiện lập trường rằng họ đang hành động vì lợi ích của chính họ chứ không phải của Nga.
Một yếu tố khác thúc đẩy cuộc thảo luận tăng sản lượng là thành viên lớn của OPEC, Iraq và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) muốn bơm thêm dầu. Các đại diện của OPEC cho hay cả hai nước này đang vận động OPEC cho phép họ nâng hạn ngạch sản lượng hàng ngày lên cao hơn.
Theo hệ thống hạn ngạch phức tạp của OPEC, UAE phải duy trì sản lượng dầu không quá 3,018 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Công ty dầu khí quốc gia Abu Dhabi thuộc sở hữu nhà nước UAE, có công suất dầu 4,45 triệu thùng/ngày và có kế hoạch hướng tới mục tiêu công suất 5 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Abu Dhabi từ lâu đã thúc đẩy OPEC cho phép nâng hạn ngạch sản lượng nhưng bị Saudi Arabia từ chối.
Đầu tháng này, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia’ al-Sudani nói rằng đất nước của ông, nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai trong OPEC, sẽ thảo luận về hạn ngạch mới với các thành viên khác tại cuộc họp sắp tới của OPEC+
Cuộc thảo luận về hạn ngạch sản xuất của OPEC vốn đã bị đình trệ trong nhiều tháng. Các đại diện OPEC cho biết ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối từ một số nước OPEC khi họ không thể đạt được các mục tiêu hiện tại nhưng lại chứng kiến các thành viên khác đạt hạn ngạch và giờ đây lại muốn tăng thêm sản lượng tối đa cho phép.
Theo WSJ, Reuters
Chánh Tài