Thị trường dầu mỏ quốc tế có chịu tác động sau khi Ấn Độ tấn công Pakistan?
Trong bối cảnh Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới - phải dựa vào nhập khẩu để đáp ứng hơn 80% lượng tiêu thụ hàng ngày, liệu căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan có khiến thị trường dầu chịu tác động mạnh?

Ảnh: OP
Rạng sáng 7/5, Ấn Độ mở chiến dịch quân sự, nhắm vào ít nhất 9 mục tiêu ở vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát và trên lãnh thổ Pakistan. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: "Đây là những bước đáp trả vụ tấn công khủng bố tàn bạo ở Pahalgam khiến 25 người Ấn Độ và một người Nepal thiệt mạng".
"Chúng tôi đang hành động tập trung, chừng mực và về bản chất không chủ đích leo thang. Không có cơ sở quân sự nào của Pakistan bị nhắm mục tiêu. Ấn Độ đã thể hiện sự kiềm chế đáng kể trong lựa chọn mục tiêu và phương pháp hành động", thông cáo từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh.
Trong khi Ấn Độ tuyên bố tập kích 9 mục tiêu, Pakistan xác nhận 5 địa điểm bị tấn công, trong đó 3 điểm nằm tại khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát và hai điểm thuộc tỉnh Punjab, gồm Ahmadpur East và Muridke.
Tính đến đầu giờ sáng 8/5 (theo giờ Việt Nam), chuẩn dầu Brent tăng nhẹ 0,29% lên mức 61,3 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 0,38%, lên mức 58,29 USD/thùng.
Ông Sergey Tereshkin, Giám đốc điều hành Công ty Năng lượng Open Oil Market, cho rằng Ấn Độ sẽ trở thành động lực chính của thị trường dầu mỏ toàn cầu. Đến năm 2026, Ấn Độ được dự báo sẽ trở thành một nhân tố quan trọng trên thị trường dầu mỏ như Trung Quốc.
"Ấn Độ có tiềm năng tăng trưởng nhu cầu dầu cao hơn đáng kể trong giai đoạn đến năm 2030", ông Tereshkin nhận định trong báo cáo.
Trước đó, công ty thăm dò và khai thác lớn nhất Ấn Độ, Oil and Natural Gas Corporation Limited đã thuê Tập đoàn Dầu khí BP của Anh làm nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho nỗ lực thúc đẩy khai thác tại mỏ dầu lớn nhất Ấn Độ. Các chuyên gia cho rằng đây là động thái mới nhất của Ấn Độ trong nỗ lực tìm cách tăng sản lượng dầu và khí đốt trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thị phần cung cấp dầu thô của OPEC tại Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là dưới 50% lượng dầu thô nhập khẩu của quốc gia Nam Á trong năm tài chính 2024-2025, khi dòng dầu của Nga tiếp tục tăng và làm giảm thị phần của các nhà sản xuất Trung Đông.
Nga là đồng minh của OPEC trong các thỏa thuận OPEC+ nhằm "ổn định thị trường", nhưng nước này đã chiếm mất thị phần của Iraq, Ả Rập Xê-út và các nhà khai thác OPEC Trung Đông lớn khác tại Ấn Độ.
Những người mua Ấn Độ nhạy cảm với giá đã ưu tiên nguồn cung dầu thô giá rẻ của Nga.
Trong một diễn biến liên quan, quyết định tăng sản lượng của OPEC+ trong quý II khiến giá dầu lao dốc, chạm mốc thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Tuần trước, chuẩn Brent mất 8,3%, còn WTI giảm 7,5% sau khi Ả Rập Xê-út ra tín hiệu sẵn sàng đối mặt với tình trạng giá thấp kéo dài.
OPEC+ đã thống nhất đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 6, với mức 411.000 thùng một ngày. Như vậy, tổng cộng trong quý II, OPEC+ sẽ bơm thêm 960.000 thùng mỗi ngày ra thị trường.