Thị trường Fintech đã hết nóng?

Thay vì dồn dập các thương vụ đầu tư góp vốn như vài năm trước, thị trường fintech Việt Nam giờ đây đang trở nên phân hóa, tập trung vào hai mảng sản phẩm đầu tư và mua trước trả sau.

Theo số liệu từ nền tảng Tracxn, vốn đầu tư vào các fintech (startup công nghệ tài chính) tại Đông Nam Á đang thấp nhất trong ba năm trở lại đây.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực fintech đã giảm 25%, chỉ còn 899 triệu USD so với 1,2 tỷ USD cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân được phía Tracxn đưa ra là môi trường gọi vốn đang gặp nhiều thách thức do lãi suất tăng, xung đột địa chính trị, đồng thời là những lo ngại về định giá các fintech, cùng với nhu cầu tiêu dùng suy giảm.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, fintech dường như là lĩnh vực chưa hết "nóng".

Báo cáo gần đây từ quỹ Nextrans chỉ ra, fintech vẫn đang là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư mạo hiểm khi nhận về tổng cộng 138 triệu USD trong năm ngoái.

Còn theo đánh giá của Robocash, thị trường fintech Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực, sau Singapore, dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD vào năm 2024 với mức độ cạnh tranh cao.

Đại diện một ví điện tử tại Việt Nam đánh giá, khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam chiếm tỉ trọng khoảng 30% GDP. Đó là các đơn vị siêu nhỏ như quán cà phê, tiệm tạp hóa, sạp bán rau, quầy bánh mì ven đường...

Theo vị này, việc tiếp cận được khu vực kinh tế phi chính thức vừa giải quyết được bài toán tài chính tổng quát và cũng mở ra "đại dương" mới cho dịch vụ tài chính, trong đó bao gồm các fintech.

Fintech dường như là lĩnh vực chưa hết "nóng" - Ảnh: Hoàng Anh

Fintech dường như là lĩnh vực chưa hết "nóng" - Ảnh: Hoàng Anh

Thực tế từ đầu năm đến nay, số thương vụ đầu tư vào các fintech Việt Nam đã sụt giảm nhưng không vì thế lĩnh vực fintech trở nên kém hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thay vì tranh giành thị phần ở một "chiếc áo" đã chật là mảng thanh toán/ví điện tử, các fintech giờ đây đang mở rộng sang các lĩnh vực mới, với hướng đi chủ đạo là hướng tới các sản phẩm đầu tư, quản lý tài sản.

Đầu năm nay, tập đoàn tài chính JB Hàn Quốc thông qua Chứng khoán JB Việt Nam đã rót vốn chiến lược vào fintech Infina với mong muốn biến việc đầu tư trở nên dễ tiếp cận cho mọi người, đồng thời hướng tới những nhà đầu tư trẻ, lần đầu tiên tham gia mà không đủ điều kiện đầu tư theo các kênh truyền thống.

Với Infina, người dùng có đa dạng các lựa chọn đầu tư khác nhau, từ các sản phẩm thu nhập cố định tới các chứng chỉ quỹ và đầu tư cổ phiếu.

Những sản phẩm đầu tư giá trị lớn sẽ được chia nhỏ, nhờ đó người dùng chỉ với số tiền thấp tối thiểu cũng có thể đầu tư vào danh mục đa dạng các tài sản này.

Trước đó, 1Long - nền tảng ứng dụng công nghệ quản lý tài chính cá nhân cũng huy động thành công 500.000USD vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư lớn bao gồm Iterative, Monk’s Hill Ventures, R2VP và Orionis Capital.

Tương tự Infina, mục tiêu của 1Long là tạo ra cơ hội tích lũy tài sản cho người dùng một cách dễ dàng hơn bao giờ hết, với số tiền ban đầu chỉ từ 10.000 đồng.

Hay gần đây, thị trường cũng ghi nhận sự nhập cuộc của MoMo, Zalopay, khi các ví điện tử này đã bắt đầu cung cấp các sản phẩm liên quan tới lĩnh vực chứng khoán.

Các fintech đang mở rộng sang các lĩnh vực mới là sản phẩm đầu tư, quản lý tài sản - Ảnh: Hoàng Anh

Các fintech đang mở rộng sang các lĩnh vực mới là sản phẩm đầu tư, quản lý tài sản - Ảnh: Hoàng Anh

Một lĩnh vực khác cũng được xem là hướng đi chủ đạo của các fintech trong năm nay, đó là sự phát triển của mảng mua trước trả sau (BNPL).

Gần đây nhất, Lotte Finance và ZaloPay đã hợp tác đưa ra dịch vụ "tài khoản trả sau" trên ứng dụng ZaloPay. Home Credit cùng với NextPay cung cấp dịch vụ thanh toán mua trước trả sau có tên Home PayLater.

Điểm chung của các hợp tác này là đều triển khai mô hình BNPL - vay tiêu dùng ngắn hạn không cần tài sản đảm bảo. Người dùng có thể đăng ký sản phẩm tức thì tại thời điểm mua sắm, và sử dụng khoản tiền được cấp bởi ngân hàng, tổ chức tài chính để chi tiêu, mua sắm. Khoản đã chi được chi trả trong một lần, hoặc chia nhiều đợt.

Theo báo cáo từ Research and Markets giá trị hàng hóa thông qua thanh toán BNPL có thể tăng đến 21 lần, đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2028.

Việt Nam có dân số lớn với hơn 98,51 triệu người vào năm 2021, trong đó dân số trẻ (từ 15 tuổi trở lên) chiếm hơn 51%. Tuy nhiên, khoảng một nửa dân số hiện vẫn còn bị hạn chế về các dịch vụ tài chính của ngân hàng hoặc chưa có tài khoản ngân hàng.

Điều này cho thấy nhu cầu tài chính cá nhân của người dân trong nước rất cao, mặc dù chưa tiếp cận dịch vụ tài chính.

Bên cạnh các hình thức như ví điện tử, BNPL gần đây nổi lên là một hình thức thanh toán mới dễ tiếp cận, an toàn và tiện lợi.

Tại Việt Nam, BNPL hiện là cuộc chơi giữa các startup cả ngoại và nội như: Kredivo, MoMo, Fundiin, hay Wowmelo, Movi và Lit. Rộng hơn, đây cũng là sân chơi của các công ty tài chính như: Lotte Finance, FE Credit…

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thi-truong-fintech-da-het-nong-1721035981739.htm