Thị trường Hà Nội 28 Tết Quý Mão: Giá hoa hồng tăng mạnh
Trong khi giá cả các mặt hàng hoa quả, thực phẩm không có nhiều biến động so với ngày thường thì thị trường Hà Nội 28 Tết Quý Mão giá hoa hồng lại tăng mạnh.
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương trong sáng ngày 19/1, tức ngày 28 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Thành Công, Hoàng Mai, Thanh Xuân,… giá cả các mặt hàng rau xanh, hoa quả, thực phẩm khá ổn định và không ghi nhận sự biến động giá quá lớn so với ngày thường.
Cụ thể, mặt hàng thịt heo phổ biến ở mức 100.000 – 130.000 đồng/kg, trong đó, giá thịt chân giò, nạc vai, ba rọi ở mức 120.000 đồng/kg; giá thịt mông sấn ở mức 100.000 đồng/kg; sườn thăn 130.000 đồng/kg; giá xúc xích 150.000 đồng/kg; giò rào 240.000 đồng/kg; giò lụa 140.000 – 150.000 đồng/kg. Lượng khách hàng đến với các quầy thịt heo cũng đông hơn những ngày trước đó. Theo các tiểu thương, dù khá đắt khách nhưng giá thịt heo chỉ đắt lên so với ngày thường khoảng 10.000 đồng/kg. Hiện giá heo hơi móc hàm ở mức 75.000 đồng/kg.
‘Mọi năm, giá thịt heo tăng lên vài chục nghìn 1 kg nhưng năm nay, giá thịt heo gần như không ghi nhận sự biến động. Mức tăng giá nhẹ 10.000 đồng/kg chủ yếu do tại các lò mổ, lao động về quê, không có người làm, nên chi phí nhân công tăng lên đẩy giá heo móc hàm và thịt heo tăng lên đôi chút’, chị Nguyễn Thị Hoa tiểu thương chợ Kim Liên chia sẻ.
Tương tự mặt hàng thịt heo, giá thịt bò cũng không ghi nhận sự biến động. Chị Phan Thu Trang – tiểu thương chợ Hoàng Mai chia sẻ, giá thịt bò phổ biến ở mức 250.000 đồng/kg; trong đó nạm gầu, sườn thăn ở mức 250.000 đồng/kg; bắp thăn 270.000 đồng/kg; rẻ sườn 220.000 đồng/kg.
Giá thủy hải sản tăng nhẹ, trong đó, giá tôm sú ở mức 400.000 đồng/kg (loại 20 con/kg); mực tươi 250.000 đồng/kg. Tương tự mặt hàng thủy sản, giá gà trống (còn lông) cũng tăng từ 20.000 – 30.000 đồng/kg và phổ biến ở mức 140.000 – 150.000 đồng/kg.
Trong khi giá nhiều loại thực phẩm có biến động đôi chút thì các mặt hàng rau xanh ghi nhận ở mức như ngày thường. Cụ thể, khoai tây 20.000 đồng/kg; bắp cải 12.000 đồng/kg; rau sống 25.000 – 30.000 đồng/kg; cà rốt 15.000 đồng/kg; chanh tươi 30.000 đồng/kg; rau muống, rau cải xoong, rau cần ở 10.000 đồng/bó; hoa lơ 12.000 – 15.000 đồng/chiếc; cà chua 20.000 đồng/kg;…
Trong ngày Tết Nguyên đán, hoa tươi là mặt hàng không thể thiếu. Ghi nhận trong sáng nay tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội đã có khá đông người tiêu dùng mua hoa tươi dù còn 2 ngày nữa mới Tết Nguyên đán. Giá hoa tươi năm nay cũng không tăng cao. Cụ thể, hoa cúc vàng, cúc trắng phổ biến ở mức 7.000 – 10.000 đồng/bông; cúc bó 30.000 – 35.000 đồng/bó; hoa lay ơn từ 150.000 – 200.000 đồng/chục; hoa ly 5 tai 50.000 đồng/cành;… Tuy nhiên, giá hoa hồng năm nay ở mức khá cao, từ 15.000 – 30.000 đồng/bông.
Theo chị Hoa, tiểu thương tại chợ Thành Công chia sẻ, năm nay, hoa hồng mất mùa, chúng tôi mua buôn tại chợ cũng đã 100.000 - 120.000 đồng/bó (10 bông), tuy nhiên, còn kèm nhiều bông ngắn, chưa kể dập, gẫy. Còn theo các nhà vườn tại Mê Linh và Tây Tựu, năm nay, hoa hồng mất lứa khiến giá vào dịp Tết này tăng cao. Nhiều nhà vườn còn không có hoa để bán.
Đối với trái cây, ghi nhận thị trường sáng 28 Tết Nguyên đán lượng người mua khá đông. Mức giá bán cũng không qua cao so với ngày thường. Thanh long từ 45.000 – 50.000 đồng/kg; bưởi từ 25.000 – 30.000 đồng/quả; cam canh 50.000 – 60.000 đồng/kg; cau 3.000 - 7.000 đồng/quả, tùy loại.
Chuối xanh là một trong những loại quả không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết. Giá chuối xanh cũng ghi nhận nhiều mức giá và phổ biến ở mức 50.000 – 80.000 đồng/nải. Chuối quả lẻ thì ‘vô giá’, những nải chuối 17 quả hay 23 quả được các tiểu thương bán với giá từ 250.000 – 400.000 đồng/kg, tuy nhiên số lượng cũng không nhiều.
Theo các tiểu thương, số lẻ là số dương tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, may mắn. Một nải chuối đẹp là phải có quả to đều nhau, xanh mướt. Với người miền Bắc, nải chuối tượng trưng cho con cháu sum vầy, đầm ấm. Nải chuối ngửa lên hứng lấy nắng sương, đọng lại thành quả ngọt với ý nghĩa may mắn, bao bọc và che chở.
Theo các tiểu thương, đi chợ này Tết cũng vô giá. Có khi đắt đầu chợ, ế cuối chợ. Cũng có nhưng chợ giá mặt hàng này tăng cao, mặt hàng khác ở mức thấp và ngược lại.
Đi chợ Tết tại các chợ truyền thống, mọi người không chỉ để sắm sanh cho gia đình một cái Tết đủ đầy về mặt vật chất mà còn đi tìm những thú vị riêng mà tại các siêu thị, trung tâm thương mại không có được.