Thị trường Halal: Tiềm năng lớn, khai thác còn hạn chế

Hiện nay, phần lớn mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Halal vẫn dừng lại ở các sản phẩm nông sản, nguyên liệu thô. Các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến những mặt hàng xuất khẩu trong các lĩnh vực khác dù còn rất nhiều tiềm năng và dư địa.

Việt Nam hiện nằm trong Top 20 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng lại chưa có tên trong Top 30 nước cung cấp thực phẩm Halal toàn cầu. Thị trường Halal - sản phẩm dành cho người Hồi giáo là một thị trường rộng lớn, không chỉ giới hạn ở lĩnh vực thực phẩm mà còn trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác như thời trang, dược phẩm, du lịch… Tuy nhiên, hiện nay phần lớn mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn dừng lại ở các sản phẩm nông sản, nguyên liệu thô. Các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến những mặt hàng xuất khẩu trong các lĩnh vực khác dù còn rất nhiều tiềm năng và dư địa. Khai thác hiệu quả thị trường Halal là một trong những mục tiêu của Việt Nam trong năm 2025.

Hiện cả nước mới chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp có sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Nhiều sản phẩm của các địa phương đã đạt các tiêu chuẩn OCOP, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ... nhưng lại chưa có chứng nhận Halal. Đây là điểm nghẽn lớn nhất để xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam vào được thị trường người Hồi giáo.

Tiến sĩ Winai Dahlan, Chuyên gia tiêu chuẩn Halal cho biết: "Chứng nhận Halal như một tiêu chuẩn kỹ thuật với nhiều yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ liên quan đến các vấn đề an toàn vệ sinh. Tôi tin rằng với thị trường tiềm năng Halal, các doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu kỹ lưỡng về các yêu cầu của chứng nhận để có cơ hội tiếp cận thị trường và đưa được nhiều sản phẩm của Việt Nam đến với cộng đồng Hồi giáo".

Halal là thị trường có tới 2,2 tỷ người tiêu dùng (chiếm 25% dân số thế giới) và hiện đang ngày càng thu hút cả những người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn tiêu dùng. Chuyến thăm ba nước Trung Đông của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cuối năm 2024 mở ra nhiều triển vọng mới để phát triển ngành Halal tại Việt Nam. Những cánh cửa đã rộng mở, nhưng làm thế nào để khai thác hiệu quả thị trường là bài toán mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung tìm lời giải.

Hà Nội đã có những doanh nghiệp xuất khẩu được các sản phẩm mỹ phẩm làm từ vỏ quả bưởi, hoa hồng, hoa nhài - những sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, vào thị trường Hồi giáo.

Bà Bá Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã Hà Nội Xanh chia sẻ: "Việc nghiên cứu thị trường cũng như chọn lọc sản phẩm phù hợp với thị trường mục tiêu, chúng tôi thấy rằng nó không hề khó. Vì nguồn nguyên liệu, tài nguyên của Việt Nam mình hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo và chúng tôi hiểu, tôn trọng văn hóa của họ".

Với ngành du lịch, nhiều ý kiến cho rằng, khi đến Việt Nam, một trong những điểm hấp dẫn và thu hút người Hồi giáo chính là ẩm thực. Thời gian tới, Việt Nam cần nghiên cứu để đưa các sản phẩm nông sản, đặc sản của Việt Nam được chế biến theo tiêu chuẩn Halal vào bàn tiệc, phục vụ khách du lịch Halal. Bên cạnh đó, cần đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ nhu cầu riêng biệt của khách Hồi giáo.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/thi-truong-halal-tiem-nang-lon-khai-thac-con-han-che-302239.htm