Thị trường hàng hóa nguyên liệu trầm lắng trong ngày nghỉ lễ của Mỹ

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, thị trường tương đối trầm lắng trong phiên giao dịch ngày 19/6, khi phần lớn các mặt hàng liên thông với các Sở Giao dịch tại Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Juneteenth.

Theo đó, nhóm nông sản và một số các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp ngừng giao dịch. Trong khi đó, thị trường năng lượng và kim loại đóng cửa sớm. Lực mua chiếm ưu thế ở một số mặt hàng còn giao dịch đã kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,25% lên 2303 điểm.

Giá cà phê Robusta hồi phục

Trong phiên giao dịch hôm qua, giá cà phê Robusta tăng 1,65%, lên trên 4.060 USD/tấn, trong khi cà phê Arabica nghỉ Lễ. Lo ngại sản lượng cà phê ở mức thấp trong niên vụ 2024-2025 vẫn là yếu tố nâng đỡ giá. Mưa quay lại vùng trồng cà phê chính nhưng không thể khắc phục hoàn toàn thiệt hại do khô hạn hồi đầu năm. Giới phân tích lo ngại, sản lượng cà phê vụ tới ở nước ta sẽ ở mức thấp trong nhiều năm.

Giá đường trắng tăng 1,26% lên mức 553,5 USD/tấn trong bối cảnh hoạt động sản xuất đường tại Ấn Độ có thể gặp khó khăn. Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, có thể chỉ nhận được lượng mưa tháng 6 thấp hơn bình thường do gió mùa tiến triển chậm. Lượng mưa thấp có thể hạn chế sự phát triển của các cánh đồng mía đường, kéo theo lượng đường sản xuất ở mức thấp.

Giá cao su tăng 0,55% so với tham chiếu khi thị trường xuất hiện thông tin dự báo nguồn cung cao su năm 2024 tiếp tục thấp hơn so với nhu cầu. Ngoài ra, Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) đã điều chỉnh dự báo nhu cầu cao su năm 2024 lên mức 3,1%, trong khi nguồn cung được điều chỉnh giảm xuống mức tăng 1,1%.

Giá dầu giảm nhẹ bất chấp sức nóng tại khu vực Trung Đông

Tính tới 1 giờ 30 phút sáng 20/6, giá dầu WTI giảm khoảng 0,12% xuống mức 81,47 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent giảm 0,3% xuống 85,07 USD/thùng. Giá dầu giảm nhẹ sau báo cáo trái ngược kỳ vọng của thị trường từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cũng như dữ liệu nhập khẩu thất vọng của Nhật Bản trong bối cảnh các thông tin nguồn cung được cải thiện.

Cụ thể, theo số liệu được API công bố sáng ngày 19/6, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 14/6 tăng 2,246 triệu thùng, trái ngược so với dự báo giảm 2,2 triệu thùng của thị trường, điều này đã gây ra sức ép lên giá.

Áp lực nguồn cung được giảm bớt khi nguy cơ đình công của các công nhân dịch vụ dầu mỏ của Na Uy, quốc gia khai thác khoảng hơn 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, đã được xoa dịu. Các công đoàn cho biết họ đã bước đầu đạt được những bước tiến trong việc đàm phán các vấn đề về tiền lương cho người lao động.

Thêm vào đó, công suất lọc sơ cấp ngoại tuyến trong tháng 6 của Nga đã được điều chỉnh tăng 114% so với kế hoạch trước đó, lên mức 4,1 triệu tấn. Các nhà máy cắt giảm công suất lọc dầu đồng nghĩa với việc nguồn cung cho hoạt động xuất khẩu dồi dào hơn. Theo ước tính, khối lượng dầu xuất khẩu từ các cảng phía Tây của Nga trong tháng 6 có thể vượt kế hoạch khi chạm mức 2 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, dữ liệu sơ bộ từ Bộ Tài chính cho thấy Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ tư thế giới, đã nhập khẩu khoảng 2,17 triệu thùng dầu mỗi ngày vào tháng 5/2024, thấp hơn 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, xung đột có nguy cơ lan rộng tại khu vực Trung Đông tiếp tục làm gia tăng mối lo nguồn cung gián đoạn trên thị trường dầu mỏ. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo tướng Ori Gordin, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Bắc Israel, và lãnh đạo Tổng cục Tham mưu Oded Basiuk đã họp đánh giá tình hình khu vực biên giới Israel - Lebanon, và cho biết các tướng lĩnh đã duyệt "kế hoạch tác chiến cho cuộc tấn công tại Lebanon".

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/thi-truong-hang-hoa-nguyen-lieu-tram-lang-trong-ngay-nghi-le-cua-my-20240620081129604.htm