Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 10-17/8: Giá vàng lập kỷ lục mới, vượt mức 2.500 USD/ounce

Kết thúc tuần giao dịch từ 10-17/8, thị trường hàng hóa thế giới ghi nhận giá vàng lập kỷ lục mới vượt mức 2.500 USD/ ounce, giá cao su cũng tăng cao nhất hơn 2 tháng, trong khi giá dầu, quặng sắt, thép… tiếp tục giảm.

Năng lượng: Giá dầu lùi dưới mốc 80 USD/thùng

Giá dầu thế giới giảm gần 2% vào thứ sáu (16/8), trong bối cảnh các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu từ nước nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc.

Cụ thể, giá dầu thô Brent giảm 1,36 USD (-1,7%) xuống 79,68 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) giảm 1,51 USD/thùng (-1,9%) xuống 76,65 USD/thùng.

Dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy, nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại từ tháng 7, với giá nhà mới giảm nhanh nhất trong 9 năm, sản lượng công nghiệp chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Điều này làm dấy lên lo ngại trong số các nhà giao dịch về sự sụt giảm nhu cầu từ nhà nhập khẩu dầu hàng đầu, nơi các nhà máy lọc dầu đã cắt giảm mạnh tỷ lệ chế biến dầu thô vào tháng trước do nhu cầu nhiên liệu yếu.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2024, với lý do nhu cầu yếu ở Trung Quốc. Cơ quan năng lượng quốc tế có trụ sở tại Paris cũng đã trích dẫn nhu cầu yếu ở Trung Quốc khi cắt giảm dự báo năm 2025.

Một loạt dữ liệu được công bố từ Mỹ: Doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng của các nhà phân tích và ít người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới vào tuần trước, làm dấy lên sự lạc quan mới về tăng trưởng kinh tế tại thị trường dầu mỏ lớn nhất.

“Giá dầu có thể thiếu định hướng cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định có cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào tháng 9 tới hay không”, nhà phân tích dầu mỏ độc lập Gaurav Sharma cho hay.

Kim loại: Giá vàng lập kỷ lục mới, đồng phục hồi, quặng sắt và thép giảm

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao lịch sử do USD suy yếu bởi dự đoán ngày càng tăng về việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới và do căng thẳng ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu.

Cụ thể, vàng giao ngay tăng 1,7% lên 2.498,72 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.500,99 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12/2024 tăng 1,8% lên 2.537,8 USD/ounce. Giá vàng tăng 2,8% trong tuần này.

Chỉ số USD giảm 0,4% và ghi nhận tuần thứ 4 giảm giá khiến vàng rẻ hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác.

Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục mới và vượt 2.500 USD/ounce sau hai tuần giao dịch cực kỳ biến động.

Ở nhóm kim loại màu, giá hầu hết đều tăng nhờ kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ và các biện pháp kích thích của Trung Quốc, sau dữ liệu kinh tế đáng thất vọng từ quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu này.

Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,7% lên 9.032 USD/tấn, trong khi hợp đồng đồng tháng 9/2024 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 0,9% lên 72.830 CNY(tương đương 10.177,47 USD)/tấn.

USD đã giảm sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đang chậm lại, làm dấy lên hy vọng Fed có thể cắt giảm lãi suất vào tháng tới. “Đồng bạc xanh” yếu hơn khiến kim loại được định giá bằng đồng tiền này trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng sản lượng nhà máy của Trung Quốc đã chậm lại và không đạt kỳ vọng vào tháng 7/2024, trong khi dữ liệu đầu tuần cho thấy hoạt động cho vay của ngân hàng giảm mạnh hơn dự kiến và đạt mức thấp nhất trong gần 15 năm.

Những người tham gia thị trường cũng đang để mắt đến cuộc đình công tại mỏ BHP.AX Escondida của BHP, nơi sản xuất gần 5% lượng đồng của thế giới vào năm ngoái. Nguồn cung của mỏ này đã bị thắt chặt và một phần góp phần khiến giá đồng đạt mức cao kỷ lục vào tháng 5/2024.

Tuy nhiên, mức tăng bị hạn chế do lượng đồng dự trữ của sàn LME ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2019. Hầu hết dòng tiền đổ vào tập trung tại Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), những kho hàng của LME gần Trung Quốc nhất.

Cũng trên sàn LME, giá nhôm tăng 0,5% lên 2.347 USD/tấn; chì tăng 1,2% lên 2.033,50 USD/tấn; kẽm tăng 0,4% lên 2.725 USD/tấn; thiếc tăng 0,5% lên 31.580 USD/tấn và nikel tăng 0,4% lên 16.335 USD/tấn.

Trên sàn SHFE, giá nhôm tăng 0,9% lên 19.205 CNY/tấn; nikel tăng 1,1% lên 129.450 CNY/tấn; kẽm tăng 0,5% lên 22.890 CNY/tấn; chì tăng 0,6% lên 17.530 CNY/tấn và thiếc tăng 1,7% lên 260.260 CNY/tấn.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt kỳ hạn tiếp tục giảm phiên thứ tư liên tiếp trong ngày 16/8, chạm mức thấp nhất trong hơn 14 tháng, do dữ liệu bất động sản yếu kém dai dẳng tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc làm trầm trọng thêm sự bi quan về triển vọng nhu cầu.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt tháng 1/2025 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc giảm 2,09% xuống 703,5 CNY (98,32 USD)/tấn. Hợp đồng này đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 26/5/2023 ở mức 691 CNY/tấn vào đầu phiên.

Giá quặng sắt chuẩn tháng 9/2024 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 2,81% xuống 93,5 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022.

Đầu tư bất động sản tại Trung Quốc đã giảm 10,2% trong 7 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 10,1% trong tháng 1-6/2024. Số liệu chính thức cho thấy, khởi công xây dựng mới tính theo diện tích sàn đã giảm 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 23,7% trong nửa đầu năm nay.

Thị trường bất động sản vẫn là thị trường tiêu thụ thép lớn nhất của Trung Quốc, cho dù thị phần của ngành này giảm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kéo dài kể từ năm 2021.

Các nhà phân tích tại Shengda Futures cho biết trong một lưu ý rằng, giá quặng sắt sẽ còn nhiều dư địa giảm về mặt định giá vì đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ quan trọng 100 USD/tấn.

Các nhà phân tích cho biết, các chuẩn mực thép trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tiếp tục giảm với mức giá giảm mạnh làm giảm tâm lý. Theo đó, thép cây giảm 0,16%; thép cuộn cán nóng giảm 1,71%; thép thanh giảm 0,83% và thép không gỉ không đổi.

Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 7/2024 đã giảm tháng thứ hai liên tiếp (giảm 9,5% so với tháng 6), do nhiều nhà sản xuất thép tiến hành bảo dưỡng trong bối cảnh biên lợi nhuận vốn đã âm đang mở rộng. Như vậy, tổng sản lượng 7 tháng đầu năm đạt 613,72 triệu tấn, giảm 2,2% so với cùng kỳ.

Các thành phần sản xuất thép khác trên sàn DCE đã phục hồi phần nào sau khi giảm mạnh vào thứ Tư (14/8), với than cốc và than luyện cốc tăng lần lượt 3,52% và 1,18%.

Nông sản: Lúa mì tiếp tục tăng giá, đi ngược với ngô và đậu tương

Giá đậu tương và ngô Chicago (Mỹ) quay đầu giảm trong phiên cuối tuần 16/8, cả 2 mặt hàng này đều ghi nhận tuần giảm thứ ba trước vụ thu hoạch của Mỹ dự đoán sẽ đạt sản lượng cao. Trong khi đó, lúa mì tăng giá do những vấn đề với mùa vụ của Pháp và Đức.

Cụ thể, giá lúa mì CBOT tăng 1-3/4 US cent lên 5,3 USD/bushel, trong khi ngô giảm 4-1/2 US cent xuống 3,92-1/2 USD/bushel và đậu tương giảm 11-1/2 US cent xuống 9,57 USD/bushel. Trước đó, giá đậu tương đã giảm xuống mức 9,55 USD/bushel - thấp nhất kể từ ngày 2/9/2020.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường giảm, cao su tăng cao nhất hơn 2 tháng, cà phê cũng bật mạnh

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, đường thô kỳ hạn tháng 10/2024 tăng 0,8% lên 18,03 US cent/lb, nhưng tính cả tuần thì vẫn giảm 2,4%. Đường trắng cùng kỳ hạn tăng 0,7% lên 516,7 USD/tấn, nhưng giảm 1,8% trong tuần.

Công ty phân tích BMI cho biết, nguồn cung dồi dào ở Brazil liên tục gây áp lực lên giá toàn cầu, trong khi vụ mùa đang cải thiện ở Ấn Độ cũng gây áp lực lên thị trường.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2024 tăng 2,5% lên 2,441 USD/lb và tăng khoảng 6% so với tuần trước. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2024 tăng 1,7% lên 4.452 USD/tấn, với nguồn cung tại Việt Nam vẫn khan hiếm.

Các đại lý cho biết, sương giá nhẹ ở một số nơi Brazil trong vài ngày qua đã làm tăng ngo ngại về mùa vụ năm tới, trong khi thời tiết khô hơn bình thường cũng làm giảm triển vọng. Vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024/25 của Brazil ước tính đã đạt gần 96% mùa vụ tính tới ngày 6/8/2024.

Giá cao su Nhật Bản duy trì đà tăng trước đó, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong 2 tháng qua bởi áp lực nguồn cung toàn cầu, trong khi số liệu kinh tế của Mỹ mạnh hơn cũng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.

Cụ thể, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2025 trên Sàn giao dịch Osaka đóng cửa phiên 16/8 tăng 5,7 JPY (+1,76%) lên 328,9 JPY (2,21 USD)/kg. Tính cả tuần, giá tăng 2,14% - mức tăng mạnh nhất theo tuần kể từ ngày 7/6/2024.

Tại Thượng Hải, giá cao su giao tháng 1/2025 tăng 135 CNY (+0,85%) lên 16.060 CNY (2.238,83 USD)/tấn - mức cao nhất kể từ ngày 11/6/2024.

Thị trường cao su giao ngay ở Đông Nam Á được hỗ trợ bởi nguồn cung yếu bất thường trong thời kỳ được coi là mùa cung cấp cao điểm toàn cầu.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-hang-hoa-the-gioi-tuan-tu-10-178-gia-vang-lap-ky-luc-moi-vuot-muc-2500-usdounce-post351902.html