Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 28/6-5/7: Giá dầu tăng nhẹ, vàng cùng nhiều mặt hàng biến động trái chiều
Kết thúc tuần giao dịch từ 28/6-5/7, trong khi giá dầu nhích nhẹ dù chịu áp lực lớn, thì vàng có sự biến động mạnh về hợp đồng giao dịch. Ngoài ra, trong nhóm ngành cũng ghi nhận sự biến động trái chiều giữa các mặt hàng như nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp.

Năng lượng: Giá dầu tăng nhẹ, khí LNG tiếp tục giảm
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần qua (4/7), khi giới đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của OPEC+ vào cuối tuần này, với kỳ vọng tăng sản lượng trong tháng 8 tới.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 50 cent (-0,7%) xuống 68,3 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) giảm 50 cent (-0,75%) xuống 66,5 USD/thùng, khối lượng giao dịch thấp do kỳ nghỉ lễ Quốc khánh tại Mỹ. Tuy nhiên, tính cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 0,8% và dầu WTI tăng 1,5%.
Các nước thành viên OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp sớm hơn một ngày vào thứ Bảy tuần này để thảo luận về khả năng tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 8 nhằm mở rộng thị phần.
Giá dầu thô cũng chịu áp lực từ một báo cáo trên trang web tin tức Axios của Mỹ cho biết, nước này đang có kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran vào tuần tới. Trong khi Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết, Tehran vẫn cam kết thực hiện Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Ngoài ra, căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục phủ bóng lên thị trường. Thời hạn 90 ngày tạm hoãn tăng thuế của Mỹ sắp hết hiệu lực, trong khi các cuộc đàm phán giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Washington vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể. Các nhà ngoại giao EU cho biết, khối này có thể tìm cách gia hạn thỏa thuận hiện tại để tránh leo thang thuế quan.
Trong khi đó, Barclays đã nâng dự báo giá dầu Brent thêm 6 USD lên 72 USD/thùng cho năm 2025 và tăng 10 USD lên 70 USD/thùng cho năm 2026, với lý do triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu được cải thiện.
Trên thị trường khí đốt, Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ giảm sau khi dữ liệu của chính phủ cho thấy lượng dự trữ tăng nhẹ so với dự kiến.
Cụ thể, giá LNG tương lai giao tháng 8 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) giảm 7,9 cent (-2,3%) xuống 3,41 USD/mmBTU, cho dù đã tăng tới 2,5% vào đầu phiên giao dịch.
Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, các công ty năng lượng đã bổ sung 55 tỷ feet khối (bcf) khí đốt vào kho lưu trữ trong tuần kết thúc vào ngày 27/6, đánh dấu tuần thứ 11 liên tiếp bơm thêm khí đốt vào kho lưu trữ.
Công ty Tài chính LSEG thông tin, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 106,7 tỷ feet khối mỗi ngày cho đến nay trong tháng 7, tăng nhẹ so với mức 106,4 bcfd vào tháng 6, khi hoạt động bảo trì đường ống mùa xuân đã tạm thời hạn chế sản lượng.
Lượng khí đốt trung bình vào 8 nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ đã tăng lên 15,4 bcfd vào tháng 7 cho đến nay, tăng từ mức 14,4 bcfd vào tháng 6, nhưng giảm so với mức cao kỷ lục hàng tháng là 16 bcfd vào tháng 4. Lượng khí đốt trung bình trong tháng 7 tăng nhẹ so với tháng 6, vì các đơn vị tại một số nhà máy LNG đã trở lại sau thời gian cắt giảm bảo dưỡng.
Kim loại: Vàng, đồng diễn biến trái chiều; quặng sắt, thép cùng tăng
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm khi dữ liệu việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến củng cố kỳ vọng Fed khó có thể cắt giảm lãi suất sớm như dự đoán trước đó, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Cụ thể, vàng giao ngay giảm 0,9% về 3.328,63 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi giảm hơn 1% đầu phiên. Vàng giao sau tăng 0,4% lên 3.342,9 USD/ounce.
Đồng USD mạnh hơn khiến vàng thỏi đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
David Meger - Giám đốc Giao dịch kim loại tại High Ridge Futures cho biết: “Số liệu việc làm tốt hơn dự kiến có nghĩa là chúng tôi thấy khả năng Fed cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến hiện tại thấp hơn. Do đó, đồng USD mạnh lên, gây thêm áp lực cho thị trường vàng. Điểm mấu chốt là khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 7 đã không còn nữa”.
Tuy nhiên, việc Dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu lớn của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thông qua có tác động tích cực đến giá vàng, bởi khi nợ của Mỹ tiếp tục tăng, các nhà đầu tư càng lo ngại về USD, điều này sẽ có lợi cho vàng trong dài hạn, theo nhà phân tích Carsten Menke tại Julius Baer.
Về các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,7% lên 36,84 USD/ounce; trong khi giá bạch kim giảm 3,1% xuống 1.374,89 USD/ounce và giá palladium giảm 1,5% xuống 1.137,69 USD/ounce.
Ở nhóm kim loại màu, giá đồng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) và Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đã giảm từ mức cao nhất trong nhiều tháng, trong khi các nhà giao dịch để mắt đến khả năng áp thuế nhập khẩu đồng của Mỹ.
Cụ thể, hợp đồng đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME giảm 1,06% về 9.848,5 USD/tấn và giảm 0,31% trong tuần. Hợp đồng đồng giao dịch nhiều nhất trên sàn SHFE giảm 1,28% về 79.730 CNY/tấn (11.128,17 USD/tấn), nhưng vẫn ghi nhận mức tăng hàng tuần thứ hai liên tiếp với mức tăng 0,54%.
Một nhà phân tích kim loại có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Các nhà giao dịch có thể cảm thấy hơi rủi ro khi giá đồng dao động ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 3/2025 vào thứ Sáu (4/7), vì các yếu tố cơ bản không thay đổi nhiều, sản lượng đồng tháng 6/2025 của Trung Quốc được báo cáo tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung”.
Hai nhà phân tích từ Trung Quốc đã bác bỏ ý nghĩa của sự gia tăng gần đây trong tổng lượng đồng dự trữ tại các kho đã đăng ký trên sàn LME. Khối lượng tăng 3.700 tấn (+4,1%) trong 3 ngày liên tiếp tính đến ngày 3/7/2025, sau khi giảm dần từ giữa tháng 4/2025.
“Đồng sẽ được vận chuyển đến Mỹ từ nơi khác, miễn là thuế quan của Mỹ chưa được thực hiện”, nhà phân tích Thượng Hải cho biết.
Cũng trên sàn LME, giá niken giảm 0,56% về 15.365 USD/tấn; kẽm giảm 0,53% về 2.736 USD/tấn; thiếc giảm 0,44% về 33.700 USD/tấn; chì giảm 0,15% về 2.061 USD/tấn và nhôm giảm 0,19% về 2.600 USD/tấn.
Trên sàn SHFE, giá niken tăng 0,64% lên 122.270 CNY/tấn; kẽm tăng 0,34% lên 22.410 CNY/tấn; chì tăng 0,2% lên 17.295 CNY/tấn; trong khi thiếc giảm 0,65% về 267.250 CNY/tấn và nhôm giảm 0,24% về 20.635 CNY/tấn.
Ở nhóm kim loại đen, giá thép và quặng sắt tại Trung Quốc ghi nhận một số tín hiệu tích cực. Hợp đồng thép cây giao tháng 1/2026 trên sàn Thượng Hải tăng 1 CNY lên 3.101 CNY/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt giao tháng 9 - mặt hàng giao dịch sôi động nhất trên sàn Đại Liên, tăng 0,62% lên 732,5 CNY(102,25 USD)/tấn, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Tâm lý thị trường được cải thiện sau khi Bắc Kinh phát tín hiệu hạn chế tình trạng bán phá giá trong ngành thép. Song song đó, tồn kho quặng sắt tại các cảng lớn tính đến ngày 4/7/2025 giảm nhẹ còn 133,4 triệu tấn, góp phần nâng giá. Dù vậy, nguồn cung vẫn bị siết chặt do các nhà máy tại Đường Sơn giảm sản lượng vì yêu cầu môi trường. Theo Công ty Mysteel, sản lượng thép nóng chảy trung bình ngày trong tuần đầu tháng 7 giảm còn 2,41 triệu tấn - mức thấp nhất trong gần 3 tháng qua.
Tại châu Âu, giá thép tiếp tục giảm trong tháng 6, chịu áp lực từ nhu cầu yếu và nguồn nhập khẩu giá rẻ từ Thổ Nhĩ Kỳ và châu Á. Giá chào bán tại Tây Âu lùi về 575 euro/tấn, Nam Âu xuống mức thấp 475 euro/tấn (CIF). Một số nhà máy tại Italy chấp nhận hạ giá sâu để duy trì sản xuất.
Giá thép toàn cầu đang trong giai đoạn ổn định ngắn hạn nhưng chưa có đủ động lực để bật tăng mạnh. Tại Trung Quốc, kỳ vọng đang dồn vào khả năng chính phủ thúc đẩy cải cách ngành thép lần hai, nhằm chấm dứt cuộc đua giá bất hợp lý. Nếu cải cách được thực thi hiệu quả, biên lợi nhuận nhà máy có thể cải thiện, tạo cơ sở chấp nhận giá nguyên liệu cao hơn.
Dẫu vậy, nhu cầu yếu trong nước và sự thận trọng của người mua quốc tế vẫn là rào cản lớn. Tại Mỹ, dù có động thái tăng thuế nhập khẩu thép lên 50% nhằm bảo hộ sản xuất nội địa, lực cầu thực tế vẫn còn thấp. Giới phân tích cho rằng, chỉ khi các lĩnh vực hạ nguồn tiêu dùng khởi sắc sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, giá thép mới có cơ hội thiết lập xu hướng tăng bền vững.
Nông sản: Ngô và đậu tương tăng giá, đi ngược lúa mì
Trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), giá lúa mì quay đầu giảm trong phiên 4/7 khi nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời sau 2 phiên tăng mạnh trước đó và thị trường chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ Độc lập kéo dài ở Mỹ.
Cụ thể, hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa Đông tháng 9 (WU25) giảm 7,25 cent về 5,5675 USD/giạ, dù vẫn ghi nhận mức tăng 3% trong tuần. Trên sàn Kansas, lúa mì đỏ cứng mùa Đông tháng 9 (KWU25) giảm 6,25 cent về 5,36 USD/giạ. Tại Minneapolis, lúa mì Xuân tháng 9 (MWEU25) giảm 1,75 cent về 6,4725 USD/giạ. Đồng thời, hợp đồng lúa mì Xuân cứng đỏ tháng 9 (HRSU25) giảm 6 cent về 6,29 USD/giạ.
Thị trường đang chịu sức ép từ nguồn cung toàn cầu dồi dào khi vụ thu hoạch lúa mì mùa Đông của Mỹ tiến triển thuận lợi, trong khi châu Âu và khu vực Biển Đen vẫn kỳ vọng sản lượng cao dù gặp thời tiết khắc nghiệt.
Liên đoàn Lúa mì Ukraine (UAC) cho biết, nước này sẽ khởi động xuất khẩu vụ mới vào giữa tháng 7 và giá xuất khẩu có thể tăng thêm 20-30 USD/tấn vào cuối năm do triển vọng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.
Ngược lại, giá ngô CBOT bật tăng trong phiên này nhờ hoạt động chốt lời trước kỳ nghỉ lễ, nhưng mức tăng bị thu hẹp đáng kể do áp lực bán kỹ thuật và dự báo thời tiết thuận lợi cho mùa vụ Mỹ.
Cụ thể, hợp đồng ngô tháng 9 (CU25) tăng 2,25 cent lên 4,2025 USD/giạ và ghi nhận mức tăng 2,1% trong tuần. Hợp đồng ngô vụ mới tháng 12 (CZ25) cũng tăng 3,05 cent lên 4,37 USD/giạ và tăng 2,3% trong tuần.
Các nhà giao dịch lưu ý thời tiết sắp tới tại vùng Trung Tây Mỹ - với nhiệt độ ấm và mưa rào rải rác, sẽ rất có lợi cho quá trình thụ phấn, giai đoạn quan trọng trong sinh trưởng của cây ngô. Bên cạnh đó, kỳ vọng về vụ thu hoạch lớn tại Brazil tiếp tục neo giữ xu hướng giảm của giá ngô.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã xác nhận đơn hàng tư nhân mua 150.000 tấn ngô Mỹ, dự kiến giao trong năm tiếp thị 2024-2025.
Tương tự, giá đậu tương kỳ hạn tại sàn CBOT tăng lên mức cao nhất 2 tuần trong phiên 4/7, chủ yếu nhờ lực mua chốt lời và định vị trước kỳ nghỉ lễ, song cũng nhanh chóng thu hẹp đà tăng do thời tiết thuận lợi ở Mỹ và nguồn cung toàn cầu dồi dào.
Cụ thể, hợp đồng đậu tương tháng 8 (SQ25) tăng 2 cent lên 10,5505 USD/gi và tăng 2,2% trong tuần. Hợp đồng đậu tương vụ mới tháng 11 (SX25) nhích 1,25 cent lên 10,4925 USD/giạ và tăng 2,4% trong tuần. Trên thị trường sản phẩm chế biến, giá bột đậu nành tháng 8 (SMQ25) tăng 60 cent lên 277,4 USD/tấn ngắn, trong khi dầu đậu nành tháng 8 (BOQ25) giảm 0,47 cent về 54,55 cent/pound.
Các nhà giao dịch đánh giá thời tiết ấm và mưa rào trong 2 tuần tới sẽ hỗ trợ quá trình ra hoa, đậu trái và làm đầy hạt - những giai đoạn quyết định năng suất của cây đậu tương tại Mỹ.
USDA hôm thứ Năm (3/7) xác nhận các giao dịch xuất khẩu gồm 226.000 tấn đậu tương Mỹ và 195.000 tấn bột đậu nành cho các khách hàng chưa tiết lộ, thời gian giao hàng trong năm tiếp thị hiện tại và kế tiếp.
Nguyên liệu công nghiệp: Đường, ca cao và cao su đồng loạt giảm; ca cao đi ngược thị trường
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (20/6), giá đường trắng (SF1!) giảm nhẹ 0,15% về 480,8 USD/tấn trong bối cảnh giao dịch trầm lắng do kỳ nghỉ lễ tại Mỹ. Dù đồng USD yếu đi giúp hỗ trợ giá đường trong ngắn hạn, song giới phân tích cho rằng, xu hướng thị trường vẫn không mấy lạc quan.
Triển vọng mùa vụ tích cực tại Ấn Độ và Thái Lan, nhờ mưa gió mùa dồi dào, đang tạo áp lực giảm giá. EU cũng vừa điều chỉnh hạn ngạch nhập khẩu đường từ Ukraine lên 100.000 tấn - cao hơn trước chiến sự, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức hơn 500.000 tấn của niên vụ 2023-2024.
Giá cà phê Robusta tăng trở lại trong phiên cuối tuần qua, thoát khỏi vùng đáy thấp nhất trong vòng một năm. Hợp đồng cà phê Robusta kỳ hạn tháng gần nhất kết phiên với mức tăng 1,4% lên 3.677 USD/tấn - cao hơn đáng kể so với mức 3.459 USD/tấn ghi nhận vào tuần trước.
Dù vậy, thị trường cà phê năm nay vẫn đang chịu áp lực điều chỉnh sau chuỗi tăng mạnh trong năm 2024. Riêng giá Robusta tương lai đã giảm khoảng 26% kể từ cuối năm ngoái. Nguyên nhân chính đến từ kỳ vọng nguồn cung dồi dào khi Brazil – quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới đang bước vào giai đoạn thu hoạch cao điểm.
Theo Commerzbank, giá cà phê có thể tiếp tục chịu áp lực trong thời gian tới. Đồng quan điểm, bà Vanusia Nogueira - Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê Quốc tế chia sẻ rằng, nguồn cung toàn cầu có thể được cải thiện trong 3 năm tới nhờ các vườn cà phê mới bắt đầu cho thu hoạch sau giai đoạn giá cao.
Giá ca cao London (C2!) tăng 1,2% lên 5.505 bảng Anh/tấn trong phiên giao dịch cuối tuần (4/7), nhưng cả tuần vẫn giảm mạnh 8,5%.
Theo phân tích từ BMI, sự lạc quan về điều kiện thời tiết tại khu vực Tây Phi - trung tâm sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, đang gây áp lực lên thị trường, khi kỳ vọng sản lượng phục hồi làm suy yếu tâm lý đầu cơ tăng giá.
Giá cao su trên sàn Nhật Bản đã chấm dứt chuỗi 2 ngày tăng giá và giảm mạnh nhất trong hơn một tuần cuối tuần qua giữa bối cảnh lo ngại cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực ô tô của Trung Quốc có thể gây áp lực lên giá.
Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 12 của Sàn giao dịch Osaka (OSE) kết thúc phiên giảm 2,5 JPY (-0,8%) xuống 310,5 JPY (2,16 USD)/kg. Hợp đồng cao su tháng 8 trên sàn giao dịch SICOM của Singapore Exchange giảm 0,8% xuống 163,9 US cent/kg.
Trên sàn SHFE, hợp đồng cao su giao tháng 9 của giảm 75 CNY (-0,53%) xuống 4.015 CNY (1.956,88 USD)/tấn; hợp đồng cao su butadien kỳ hạn tháng 8 giảm 45 CNY (-0,4%) về 11.185 CNY (1.561,74 USD)/tấn.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).