Thị trường hàng hóa tiếp tục chìm trong sắc đỏ, giá dầu và đường đồng loạt lao dốc

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), phiên giao dịch đầu tuần mở ra với diễn biến không mấy tích cực khi sắc đỏ tiếp tục bao trùm. Đáng chú ý, thị trường năng lượng và nguyên liệu công nghiệp tiếp tục là tâm điểm khi nhiều mặt hàng đồng loạt giảm giá.

Giá dầu suy yếu do lo ngại dư cung

Theo MXV, thị trường năng lượng ghi nhận áp lực bán gia tăng đáng kể. Hai mặt hàng dầu thô chính đều quay đầu giảm khi giới đầu tư lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu.

Cụ thể, giá dầu WTI giảm 0,63%, còn 65,11 USD/thùng. Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 8 – kết thúc giao dịch trong ngày hôm qua – giảm nhẹ 0,2% xuống 67,61 USD/thùng, trong khi hợp đồng tháng 9 tạm dừng ở 66,74 USD/thùng, giảm 0,09%.

Thông tin về khả năng OPEC+ tiếp tục nâng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 8 gây áp lực lớn lên giá dầu. Nếu được thông qua tại cuộc họp ngày 6/7 tới, tổng sản lượng tăng thêm của OPEC+ từ đầu năm 2025 sẽ đạt gần 1,78 triệu thùng/ngày – tương đương hơn 1,5% nhu cầu dầu toàn cầu.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Mỹ cũng góp phần gia tăng nguồn cung khi sản lượng dầu thô trong tháng 4 đạt 13,47 triệu thùng/ngày – tăng 20.000 thùng/ngày so với tháng trước, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Tuy nhiên, giá dầu được “kìm hãm” phần nào nhờ tín hiệu hồi phục từ kinh tế Trung Quốc. Chỉ số PMI tháng 6 do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố đã nhích nhẹ, củng cố kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu năng lượng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ở chiều ngược lại, khí tự nhiên là mặt hàng sụt mạnh nhất trong ngày khi giá hợp đồng tháng 8 trên sàn NYMEX giảm tới 7,57%, xuống 3,46 USD/MMBtu. Nguyên nhân chủ yếu là tồn kho tăng cao liên tục từ tháng 3 trong khi nhu cầu điện suy yếu do thời tiết được dự báo mát mẻ hơn.

Giá đường lao dốc, chạm đáy 4 năm do nguồn cung dư thừa

Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, sắc đỏ chiếm ưu thế với 7/9 mặt hàng giảm giá. Đáng chú ý, giá đường giảm sâu nhất, đặc biệt là đường thô 11 – lần đầu tiên chạm mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua.

Giá đường thô giảm 3,05%, còn 357 USD/tấn; đường trắng cũng giảm 2,43%, xuống 473 USD/tấn. Theo MXV, nguyên nhân chính đến từ dự báo thặng dư nguồn cung toàn cầu. Cụ thể, CZ Insight ước tính sản lượng đường thế giới niên vụ 2025-2026 có thể đạt 185,9 triệu tấn – tăng 5,3% so với niên vụ trước và là mức cao thứ hai trong lịch sử. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ lại được dự báo giảm 1,1 triệu tấn, khiến cán cân cung – cầu dư thừa tới 7,5 triệu tấn – cao nhất kể từ 2017-2018.

Điều kiện thời tiết thuận lợi tại Nam bán cầu, đặc biệt là mưa nhiều tại các vùng trồng mía lớn, đang hỗ trợ mạnh cho sản lượng mía. Tại Ấn Độ, sản lượng đường được kỳ vọng phục hồi nhờ gió mùa đến sớm và lượng mưa trong tháng 6 vượt trung bình 9%. Khu vực trung tâm và tây bắc Ấn Độ ghi nhận lượng mưa dồi dào, trong khi vùng đông bắc ít mưa hơn.

Trong khi đó, dữ liệu từ Cục Ngoại thương Brazil (Secex) cho thấy xuất khẩu đường trong tháng 6 đạt 2,1 triệu tấn – giảm hơn 34% so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, nhờ bước vào cao điểm thu hoạch mía, nguồn cung đường hai tháng qua đã tăng trở lại. Dù vậy, giá đường xuất khẩu của Brazil vẫn tiếp tục xu hướng giảm kể từ đầu năm.

Một yếu tố đáng lo ngại là sản lượng mía tại Brazil bị ảnh hưởng bởi đợt sương giá nghiêm trọng, khiến năng suất giảm từ 9% – 12%, đặc biệt tại các khu vực phía bắc bang São Paulo – vùng trồng mía lớn nhất nước.

Hà Giang

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thi-truong-hang-hoa-tiep-tuc-chim-trong-sac-do-gia-dau-va-duong-dong-loat-lao-doc-d59568.html