Thị trường khởi nghiệp ASEAN thêm u ám
eFishery, một kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên) về công nghệ nuôi trồng thủy sản ở Indonesia đang bị điều tra cáo buộc gian lận tài chính bao gồm thổi phồng doanh thu. Vụ bê bối càng khiến tâm lý của nhà đầu tư vốn mạo hiểm ở Đông Nam Á trở nên bi quan trong bối cảnh thị trường khởi nghiệp của khu vực đang 'khát' nguồn vốn.
![Gibran Huzaifah, CEO kiêm đồng sáng lập eFishery, đứng bên cạnh một máy cho cá tôm ăn tự động. Kỳ lân được SoftBank hậu thuẫn này bị tố giác thổi phòng doanh thu gần 600 triệu độ. Ảnh: Karostartup.com](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_112_51425510/43e776054c4ba515fc5a.jpg)
Gibran Huzaifah, CEO kiêm đồng sáng lập eFishery, đứng bên cạnh một máy cho cá tôm ăn tự động. Kỳ lân được SoftBank hậu thuẫn này bị tố giác thổi phòng doanh thu gần 600 triệu độ. Ảnh: Karostartup.com
Bị cáo buộc thổi phồng doanh thu gần 600 triệu đô la
Kỳ lân eFishery được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư lớn như SoftBank Group (Nhật Bản) và Temasek Holdings (Singapore), là một trong những công ty khởi nghiệp nổi bật của Indonesia.
Được thành lập năm 2013, công ty này nhanh chóng thành công nhờ triển khai hệ thống cho ăn thông minh phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản. Hệ thống này cho tôm cá ăn tự động và sử dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) để khắc phục các vấn đề cá ăn quá nhiều hoặc quá ít.
Công ty cũng ra mắt một nền tảng thị trường có tên gọi eFishery Fresh, giúp kết nối người nuôi trồng thủy sản với khách mua. Ngoài ra, eFishery còn thành lập eFishery Mall, một nền tảng cung cấp thức ăn cho ngành nuôi trồng thủy ăn.
Công ty đạt danh hiệu kỳ lân vào năm 2023 sau vòng gọi vốn Series D trị giá 200 triệu đô la Mỹ dựa trên mức định giá 1,4 tỉ đô la. Bên cạnh các nhà đầu tư hiện hành gồm Northstar Group, Temasek và SoftBank Group, vòng gọi vốn này còn có sự góp mặt của các nhà đầu tư mới như ResponsAbility Investment và 500 Global, và quỹ hưu trí nhà nước của Malaysia, Kumpulan Wang Persaraan.
Với khoản vốn mới, eFishery muốn bao phủ quy mô phục vụ hơn 1 triệu ao nuôi trồng thủy sản ở Indonesia vào năm 2025 và tăng các giao dịch mua bán cá tươi và thức ăn.
Xuất thân từ gia đình sống gần một khu ổ chuột ở ở phía đông Jakarta, Gibran Huzaifah, CEO kiêm đồng sáng lập eFishery, được ca ngợi như tấm gương thành công. Thế nhưng, cuộc điều tra nội bộ đang diễn ra cho thấy, công ty có thể đã dính vào vào các hành vi sai phạm về tài chính nghiêm trọng.
Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết, eFishery bị cáo buộc thổi phồng doanh thu lên gần 600 triệu đô la Mỹ trong chín tháng đầu năm 2024. Điều này có nghĩa là 75% con số doanh thu 752 triệu đô la mà công ty báo cáo là không có thực.
eFishery báo cáo khoản lợi nhuận 16 triệu đô la trong cùng kỳ nhưng theo kết quả điều tra, công ty lỗ 35,4 triệu đô la. Sổ sách nội bộ cho thấy, khoản lỗ tích lũy của công ty là khoảng 152 triệu đô la từ khi thành lập cho đến tháng 11-2024.
Một trong những nguồn tin giấu cho biết, các cổ đông và thành viên hội đồng quản trị của eFishery đã rất sốc trước quy mô gian lận bị cáo buộc này mặc dù đã áp dụng các biện pháp bảo vệ, bao gồm kiểm tra thông tin từ các kênh phân phối và phỏng vấn nhân viên khi nghỉ việc.
eFishery trước đây thuê PricewaterhouseCoopers và Grant Thornton để kiểm toán kết quả tài chính. Hai công ty kiểm toán này không trả lời yêu cầu bình luận. Tháng 9 năm ngoái, công ty còn tự tin tuyên bố kế hoạch mở rộng ở thị trường Ấn Độ sau những thành tựu tích cực đạt được trong năm đầu tiên.
Hôm 4-2, hội đồng quản trị của eFishery thông báo đã bổ nhiệm công ty tư vấn kinh doanh FTI Consulting (Singapore) để quản lý tạm thời công ty. FTI Consulting cho biết sẽ hỗ trợ đánh giá kinh doanh toàn diện và khách quan về tình hình tài chính và hoạt động thực sự của eFishery.
Sớm nhất trong tháng này, các cổ đông của eFishery sẽ bỏ phiếu để quyết định thu hẹp hoạt động, tái cấu trúc, bán toàn bộ hoặc một phần công ty.
Tác động của vụ bê bối
Hiện nay, những cáo buộc gian lận tài chính của eFishery đã lan rộng khắp khu vực.
“Những cáo buộc gần đây về hành vi sai trái, bao gồm cả gian lận của eFishery đã khiến tất cả chúng tôi vô cùng nản lòng và có thể gây nguy hiểm cho niềm tin vào môi trường đầu tư tại Indonesia, nơi có các công ty con của chúng tôi”, hội đồng quản trị của eFishery cho biết.
Theo Justin Hall, đối tác của Golden Gate Ventures, eFishery được đánh giá là một trong những startup tốt nhất Đông Nam Á. Những bên chịu ảnh hưởng lây lan lớn nhất từ vụ bê bối này là các startup trong giai đoạn tăng trưởng của Indonesia. Các startup có triển vọng tốt ở Indonesia sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn đến mức nhà đầu tư có thể nói rằng không đáng để đầu tư vào Indonesia.
“Tôi nghĩ vụ bê bối của eFishery có thể làm nản lòng nhà đầu tư trong khoảng 12 tháng nhưng có thể lâu hơn”, Hall nói.
Các chuyên gia trong ngành cũng đồng tình rằng, nếu những cáo buộc được chứng minh là đúng sự thật, vụ bê bối này không chỉ tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư trong khu vực, đặc biệt là ở Indonesia. Vụ bê bối có thể còn ảnh hưởng lớn đến các vòng gọi vốn quy mô trung bình đến lớn của các startup trong khu vực vì nhà đầu tư sẽ trở nên khắt khe hơn nhiều
Jx Lye, nhà sáng lập kiêm CEO của Acme Technology cho rằng, nhà đầu tư sẽ muốn kiểm tra bằng chứng doanh thu và cả báo cáo kiểm toán trước khi rót vốn nhưng nhiều startup không thể đáp ứng được điều này.
Bài học cần thiết
Cuối cùng, dù vụ bê bối này gây chấn động khắp không gian khởi nghiệp Đông Nam Á nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn có điểm tích cực. Đó là, những bài học kinh nghiệm. Về lâu dài, các startup cũng như nhà đầu tư trong khu vực sẽ cần giám sát và đánh giá kỹ lưỡng hoạt động quản trị.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á đã trải qua nhiều năm điều chỉnh đớn đau kể từ sau đại dịch Covid-19. Theo báo cáo hồi tháng 1 của trang tin Deal Street Asia, năm 2024, tổng khối lượng giao dịch đầu tư vốn mạo hiểm và cổ phần tư nhân ở ASEAN giảm 10,3% so với năm trước xuống còn 633 giao dịch. Trong khi giá trị giao dịch giảm 41,7%, xuống còn 4,56 tỉ đô la.
Thị trường khởi nghiệp của khu vực này còn khá non trẻ, chỉ mới bắt đầu phát triển nhanh chóng hơn trong 15 năm trở lại đây. Sự tăng trưởng nóng trong giai đoạn đầu đã đẩy mức định giá của nhiều startup lên mức quá cao dù mô hình kinh doanh của những công ty này chưa chứng minh được lợi nhuận và tính bền vững.
Jx Lye của Acme Technology cho biết, vào giữa thập niên 2010, Đông Nam Á đột nhiên trở thành một câu chuyện tăng trưởng thú vị. Đó cũng là thời điểm làn sóng khởi nghiệp đầu tiên trong khu vực bắt đầu xuất hiện. Gojek, Grab (gọi xe) và Carousell (thương mại điện tử) nằm trong số những startup đầu tiên ở ASEAN cung cấp cơ hội lớn cho nhà đầu tư thoái vốn hoặc tìm cách bán cổ phần để kiếm lời.
Cùng với làn sóng khởi nghiệp thành công đầu tiên, các yếu tố khác cũng xuất hiện trong khoảng thời gian này, giúp đẩy nhanh sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ và khởi nghiệp trong khu vực, từ đó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
“Tầng lớp trung lưu ở khu vực tăng nhanh chóng từ đầu thập niên 2000 cho đến năm 2017. Có rất nhiều dự đoán cho rằng, thị trường tiêu dùng ở Đông Nam Á sẽ giống như một Trung Quốc thu nhỏ nhưng điều đó đã không thành hiện thực”, Kevin Aluwi của Lightspeed nói với CNBC.
Theo Aluwi, nhà đầu tư đã kỳ vọng một thị trường tiêu dùng sôi động, có sức mua cao sẽ xuất hiện và dự đoán quá lạc quan về doanh thu mà các startup có thể tạo ra cũng như mức định giá của của những doanh nghiệp này. Tuy nhiên, nhà đầu tư bắt đầu nhận ra là một số startup trong khu vực có thể đã được định giá quá cao và rõ ràng là cơ hội thoái vốn là rất ít.
“Vấn đề lớn nhất là có rất ít lối thoát trên thị trường khởi nghiệp của khu vực nên nhà đầu tư không có cách nào rút tiền ra được”, Krish Sridhar, người sáng lập kiêm CEO của nền tảng quản lý năng suất nơi làm việc Know (Singapore) nói với CNBC.
Theo CNBC, Bloomberg
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-khoi-nghiep-asean-them-u-am/