Thị trường kính xây dựng Việt Nam: Cơ hội trong thách thức
Thị trường kính xây dựng năm nay dự báo có những thay đổi đáng chú ý do ảnh hưởng của các yếu tố như công nghệ mới, yêu cầu bền vững trong xây dựng, thân thiện với môi trường và sự phát triển của các công trình thông minh.
Tiết kiệm chi phí
Ông Nguyễn Văn Thắng (45 tuổi, quận Hoàng Mai) cho biết, qua tư vấn từ đơn vị xây dựng, nhận thấy chi phí sử dụng kính xây dựng thực chất không đắt so với việc dùng bê tông làm tường chính nên ông đã quyết định sửa lại ngôi nhà. Khu vực phòng khách, khu sinh hoạt vui chơi tầng 2 sẽ lắp tường kính giúp tạo không gian mở, đồng thời mang lại một cái nhìn thoáng đãng ra ngoài trời.
"Chi phí thi công trọn gói nhà kính trung bình rơi vào khoảng 4.500.000 - 6.000.000/m2 tùy vào chất lượng, độ dày loại kính (như kính chịu lực từ 4 - 19mm, an toàn 2 lớp 6 - 12mm, thủy lực, cường lực…) hay kính Low-e có khả năng cách nhiệt tốt, giúp giữ nhiệt độ bên trong nhà ổn định, giá thường từ 1.500.000 - 3.500.000 VND/m2" - ông Thắng chia sẻ.
![Khách hàng đang xem các sản phẩm về kính tại triển lãm Vietbuild. Ảnh: Thành Luân](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_11_51415059/3bae6a8952c7bb99e2d6.jpg)
Khách hàng đang xem các sản phẩm về kính tại triển lãm Vietbuild. Ảnh: Thành Luân
Có thể thấy, hiện nay, các chủ đầu tư từ dự án tới dân dụng rất chú trọng đến việc sử dụng kính xây dựng có tính năng vượt trội, chẳng hạn như kính cách âm, cách nhiệt, kính chống tia UV, và kính có khả năng tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm kính cao cấp và công nghệ sản xuất tiên tiến, góp phần gia tăng giá trị thị trường kính xây dựng.
Về giá bán, theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị với kính cường lực tùy theo độ dày (5, 8, 10, 12, 15 hoặc 19mm) và nguồn gốc xuất xứ giá từ 500.000 - 2.500.000 đồng/m2; kính dán an toàn 2 lớp 6mm - 12mm có giá dao động 500.000 - 800.000 đồng/m2; kính cản nhiệt Low - E tùy tùy vào độ dày, đơn vị sản xuất có giá từ 550.000 đến hơn 1.000.000 đồng/m2...
Bên cạnh đó, để đa dạng sản phẩm, các nhà máy sản xuất kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng đã được đầu tư sản xuất với công nghệ kính phủ cứng hoặc kính phủ mềm với các sản phẩm chủ đạo là kính Solar Control và Low-E giúp cho phép phần lớn lượng ánh sáng mặt trời mà mắt thường có thể nhìn thấy để chiếu sáng bên trong nhà nhưng vẫn có khả năng hạn chế tia UV và tia hồng ngoại giúp giảm chi phí điện năng cho điều hòa nhiệt độ vào mùa Hè.
Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera Mai Xuân Đức cho biết, là đơn vị đầu tiên trong ngành vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam cung cấp đầy đủ các loại sản phẩm từ gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, kính xây dựng, bê tông, đến sản phẩm mới như đá Vasta và sen vòi mạ PVD thân thiện với môi trường.
Các sản phẩm vật liệu tiên tiến không chỉ tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường và người sử dụng, mà còn bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Là DN sản xuất kính xây dựng lớn nhất Việt Nam với quy mô 94,9 triệu m2/năm và chiếm khoảng 42% thị phần kính tiêu thụ tại Việt Nam.
Dự báo khả quan
Số liệu từ Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam, tổng công suất thiết kế sản xuất kính của cả nước là 4.900 tấn/ngày tương đương 430,7 triệu m3/năm. Trong đó, sản xuất kính cán 850 tấn/ngày (62,05 triệu m3//năm); kính siêu trắng/kính tích hợp pin NLMT là 1.680 tấn/ngày (122,64 triệu m3/năm).
Nhờ vào những cải tiến vượt bậc trong công nghệ sản xuất vật liệu, những sản phẩm trong nước đã chứng minh được khả năng cạnh tranh với hàng ngoại; đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công trình xây dựng tại Việt Nam.
Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera Mai Xuân Đức
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, năm 2025, thị trường kính xây dựng tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự gia tăng nhu cầu xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng tăng và các công trình cao tầng, hiện đại đang trở thành xu hướng chủ đạo.
Bên cạnh đó, các dự án xây dựng ngày càng tập trung vào yếu tố bền vững và hiệu quả năng lượng. Kính xây dựng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các công trình "xanh" với khả năng cách nhiệt tốt, giúp giảm thiểu năng lượng tiêu thụ và bảo vệ môi trường. Những loại kính có khả năng cách nhiệt và lọc tia UV sẽ ngày càng được ưa chuộng.
Tuy nhiên, với sự gia nhập của nhiều thương hiệu quốc tế vào thị trường Việt Nam, đặc biệt với một số thương hiệu nước ngoài đang có lợi thế lớn nên thị trường kính xây dựng sẽ chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ về chất lượng và giá cả. Các nhà sản xuất trong nước sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Chuyên gia về VLXD, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho rằng, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), điều này có thể bị ảnh hưởng bởi những biến động từ các nền kinh tế lớn cũng như các thị trường mới nổi trong năm 2025.
Các công ty sản xuất kính trong nước sẽ ngày càng có cơ hội phát triển nhờ vào sự gia tăng nhu cầu trong nước và yêu cầu cải thiện chất lượng sản phẩm. Một số nhà sản xuất Việt Nam cũng đang chuyển hướng sang sản xuất các loại kính cao cấp và có tính năng đặc biệt để đáp ứng xu hướng mới trong xây dựng.
Mặc dù thị trường kính xây dựng có triển vọng tăng trưởng, nhưng các yếu tố như chi phí nguyên liệu, vấn đề vận chuyển và sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp kính xây dựng. Đặc biệt, giá nguyên liệu như silica và soda ash, hai thành phần chính để sản xuất kính, có thể biến động lớn trong những năm tới.
Những khó khăn hiện nay đối với ngành VLXD nói chung và kính xây dựng nói riêng trong cơ chế thị trường với tính cạnh tranh cao cũng là dịp để sàng lọc năng lực và tính hiệu quả đối với các DN trong nước.
Thạc sĩ Phạm Ngọc Trung nhìn nhận, thị trường kính xây dựng tại Việt Nam vào năm 2025 sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ vào nhu cầu xây dựng và đô thị hóa. Các yếu tố như công nghệ sản xuất kính, yêu cầu về công trình bền vững, và xu hướng sử dụng vật liệu thông minh sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm kính cao cấp, đặc biệt là kính tiết kiệm năng lượng và kính thông minh.
Tuy nhiên, ngành kính cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức về giá nguyên liệu, chuỗi cung ứng, và yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm.