Thị trường lao động khởi sắc những tháng cuối năm

Thông tin từ Hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh (AGTEK), trong 9 tháng đầu năm, lượng đơn hàng giảm 20 - 30% ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Tuy nhiên, bước sang quý 4/2023 tình hình khởi sắc hơn khi nhu cầu mua sắm đã trở lại.

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Phó Chủ tịch AGTEK cho biết, hiện đơn hàng của các DN dệt may đã bắt đầu ấm dần lên, nhưng cũng chỉ mới phục hồi khoảng 80% so với trước đây. Mặc dù thị trường xuất khẩu chưa đạt mục tiêu như những năm trước, nhưng đây cũng là động lực để các doanh nghiệp (DN) tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cho những tháng cuối năm.

Đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu ấm dần lên.

Đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu ấm dần lên.

"Sản phẩm dệt may của Việt Nam hiện được đối tác đánh giá rất tốt và có sức cạnh tranh cao so với các sản phẩm của các nước khác. Việc sụt giảm đơn hàng trong thời gian qua nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thị trường giảm", ông Việt khẳng định. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định, người tiêu dùng đang ưu tiên chọn lựa sản phẩm bảo vệ môi trường, sản phẩm tái chế. Vì vậy, DN cũng cần phải thay đổi để có thể nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Tương tự với ngành chế biến gỗ, theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), XK gỗ đang có tín hiệu phục hồi từ tháng 8/2023. Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 khó đạt mục tiêu 17 tỷ USD như đã đề ra hồi đầu năm, nhưng với tình hình đang khởi sắc như hiện nay, dự kiến cả năm kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt 14 - 14,5 tỷ USD. Với sự phục hồi về thị trường, về đơn hàng trong những tháng cuối năm của một số ngành hàng thì vấn đề lao động cũng đang được quan tâm.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh có 128.477 trường hợp nghỉ việc tại các DN và đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 9,3% so cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp không có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo chiếm tỷ lệ 52,84%. Để kịp thời kết nối cung cầu lao động, các địa phương đã chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố tổ chức 107 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để cung cấp thông tin tuyển dụng và tư vấn giới thiệu việc làm.

Trong tháng 9/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện khảo sát 2.484 DN, trong đó tỷ lệ DN có biến động lao động là 27,62% và 21,38% DN giảm lao động. Nguyên nhân giảm lao động tập trung nhiều ở lý do thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm tỷ lệ cao với 47,4%), tiếp theo nguyên nhân DN thiếu đơn hàng (chiếm 22,3 %), DN thu hẹp sản xuất (chiếm 11,6%).

Trong quý 4/2023, theo kết quả khảo sát từ các DN của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh), dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động khoảng 75.000 vị trí việc làm, trong đó nhiều vị trí việc làm phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN.

T.Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/thi-truong-lao-dong-khoi-sac-nhung-thang-cuoi-nam-i709631/