Thị trường M&A của Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V và tăng lên 7 tỷ USD vào năm 2022?
Giới chuyên gia dự báo, thị trường M&A tại Việt Nam có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V giai đoạn 2021 - 2022, đạt mức 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.
Tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 tổ chức ngày 5/11, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc công ty AVM, cho biết sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng nghìn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới.
Theo Ban tổ chức Diễn đàn, trên phạm vi toàn cầu, giá trị M&A năm 2020 tính đến quý II/2020 đã ghi nhận suy giảm 52%.
Đại dịch COVID-19 với lệnh phong tỏa biên giới ở nhiều quốc gia đang làm chậm lại các hoạt động M&A tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, dịch bệnh sẽ khiến thị trường bùng nổ với nhu cầu gia tăng cả bên bán và bên mua.
Theo dữ liệu CMAC tổng hợp từ MergerMarket và HSF, tổng giá trị M&A toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2020 là 901,7 tỷ USD, thấp hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng công bố là 6.943 thương vụ, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tại thị trường Việt Nam, tổng giá trị M&A năm 2019 đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Do sự tác động của Covid-19 cũng như một số yếu tố khác, dự kiến giá trị M&A năm 2020 tiếp tục suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019).
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2019 và năm 2020, thị trường vẫn chứng kiến những thương vụ đáng chú ý, đặc biệt là những thương vụ mua lại hoặc tái cấu trúc của các tập đoàn tư nhân trong nước.
Hoạt động M&A tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng, công nghiệp và bán lẻ, năng lượng...
Điển hình là thương vụ hợp nhất, hoán đổi cổ phần giữa VinCommerce và VinEco với Masan Comsumer (Masan Group), KEB Hana Bank (Hàn Quốc) mua lại 15% vốn điều lệ của BIDV... Còn trong giai đoạn 2019 - 2020, các thương vụ liên quan đến các tập đoàn tư nhân của Việt Nam như Masan, Vinamilk... được xem là các thương vụ nổi bật nhất.
Thị trường M&A khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tích cực tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên.
Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2020 tiếp tục trầm lắng và chưa thực hiện được theo kế hoạch. Mặc dù vậy, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn sau khi khống chế thành công đại dịch COVID-19.
Giới chuyên gia dự báo, thị trường M&A tại Việt Nam có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022, đạt mức 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.
Các chuyên gia nhìn nhận Việt Nam đang nổi lên như một điểm đầu tư an toàn và hấp dẫn khi khống chế thành công đại dịch COVID-19 và nhiều cơ hội mở ra. Chẳng hạn, sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các thị trường lớn nhưng kém an toàn, các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA.
Hay việc sửa đổi một loạt các luật quan trọng mới về đầu tư, kinh doanh và việc đẩy mạnh hoạt động M&A của nhiều tập đoàn lớn trong chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị...
Bên cạnh đó, hoạt động M&A thường sôi động trong các giai đoạn khủng hoảng, các giao dịch hứa hẹn bùng nổ khi bên bán có động lực giao dịch trước áp lực kinh tế.
Theo dự báo của CMAC, thị trường M&A sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Theo đó giá trị thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn tăng lên 7 tỷ USD vào năm 2022.