Thị trường M&A năm 2025 được dự báo đầy triển vọng
Thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn sẵn sàng đón nhận những thương vụ đầu tư lớn và kỳ vọng sẽ thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI vào năm 2025.
Nhiều thương vụ trăm triệu đô trong năm 2024
Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 16 diễn ra mới đây tại TP.HCM, ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cho biết theo tổng hợp từ KPMG thị trường M&A của Việt Nam, ba quý đầu năm 2024 vẫn đạt tổng giá trị giao dịch 3,2 tỷ USD, với hơn 220 thương vụ, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong năm 2024, có xu hướng các thương vụ mua bán sáp nhập không phải nhà đầu tư nước ngoài mua các công ty trong nước, mà là các công ty trong nước mua bán nhau. Do chính sách các nước bảo hộ hơn, dòng tiền ngần ngại chảy ra nước ngoài khi lãi suất ở mức cao.
Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính trong thị trường M&A Việt Nam khi chiếm 53% tổng giá trị giao dịch được công bố, gần gấp đôi tổng giá trị đóng góp của 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cộng lại.
"Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc kinh doanh của các DN nội địa. Xu hướng này còn cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang có sự tiếp cận thị trường M&A ở Việt Nam thận trọng hơn", ông Ái nhận định.
“
Xét về cơ cấu, hoạt động giao dịch M&A 9 tháng đầu năm 2024 chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực bất động sản (chiếm 53%), tiêu dùng thiết yếu (14%), và công nghiệp (21%). Ba lĩnh vực này chiếm tổng cộng 88% giá trị giao dịch và nằm trong top những thương vụ M&A lớn nhất. Các giao dịch M&A có giá trị từ 40-112 triệu USD cũng diễn ra trong các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ thông tin.
Năm 2025 đầy nhộn nhịp
Cũng tại Diễn đàn này, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, nhận định, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút vốn đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam.
"Thị trường M&A Việt Nam vẫn luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng, là nơi có thể đặt niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng cũng như cơ hội đầu tư.
Những ngành công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và năng lượng tái tạo đang nổi lên như những lĩnh vực chiến lược mà Việt Nam đang hướng tới để thu hút đầu tư. Đây là những ngành có tiềm năng không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ cho nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Quốc hội vừa thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, là năm cuối của nhiệm kỳ 2021-2025, được xác định là năm bứt phá để về đích, tạo tiền đề đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Một trong những mục tiêu quan trọng năm 2025 là tăng trưởng GDP đạt 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%.
Để thực hiện mục tiêu này, Quốc hội đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 2025, trong đó, có việc quyết liệt tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn.
“Khi các giải pháp đề ra được thực hiện quyết liệt và hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam có thể tạo sự đột phá, tăng tốc để về đích trong năm 2025. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để chúng ta có thể tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, đầu tư thông qua hình thức M&A nói riêng”, thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thứ trưởng cho biết Bộ đang tích cực nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện chính sách và tạo ra môi trường thuận lợi cho các thương vụ M&A. Một trong những sáng kiến quan trọng là việc ban hành các nghị định mới liên quan đến quỹ hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ các DN công nghệ cao và các dự án nghiên cứu phát triển (R&D), cùng các cơ chế đầu tư đặc biệt cho các dự án trong lĩnh vực bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư, nhận xét: "Thị trường M&A Việt Nam được thúc đẩy bởi nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, nhiều cải cách mang tính chiến lược cùng tầm nhìn của Chính phủ về chuyển đổi số toàn diện. Tăng trưởng GDP bền vững, kiểm soát lạm phát hiệu quả và tầng lớp trung lưu đang nổi lên nhanh chóng đã biến Việt Nam thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn".
Trong 2025, dự báo sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn, với các giao dịch tạm hoãn trước đây có khả năng trở lại. Chúng được thúc đẩy bởi niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế ổn định của Việt Nam và các chính sách chủ động, sâu rộng hơn từ Chính phủ.