Thị trường mua bán quyền phát thải lớn nhất thế giới hoạt động như thế nào?
Châu Âu là khu vực đi đầu trong việc xây dựng và vận hành thị trường giao dịch quyền phát thải carbon và các khí nhà kính khác với mục tiêu kiểm soát và giảm phát thải với chi phí thấp nhất. Với sự tham gia của tất cả 27 nước thành viên EU và 3 quốc gia châu Âu khác, EU đang sở hữu Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải (ETS) lớn nhất thế giới.
Ra đời vào năm 2005, Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải (ETS) của Liên minh châu Âu (EU) - viết tắt là EU ETS, là thị trường mua bán quyền phát thải lớn đầu tiên và lớn nhất thế giới.
Thị trường mua bán quyền phát thải lớn đầu tiên và lớn nhất thế giới
Theo phân tích của công ty dữ liệu thị trường Refinitiv, năm 2022, EU ETS trị giá khoảng 751 tỷ EUR, tăng 10% so với năm 2021, và chiếm khoảng 87% tổng giá trị của thị trường carbon toàn cầu.
Năm ngoái, trung bình giá tín chỉ carbon trên EU ETS ở mức hơn 80 EUR/tấn CO2 hoặc khí nhà kính, tăng 50% giá trị so với 1 năm trước đó do cuộc xung đột ở Ukraine đẩy giá năng lượng tăng cao. (Mỗi tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn phát thải CO2 hoặc khí thải nhà kính khác)
Với sự tham gia của tất cả 27 nước thành viên EU và 3 nước châu Âu khác (Iceland, Liechtenstein và Na Uy), EU ETS giới hạn phát thải của hơn 10.000 nhà máy trong lĩnh vực năng lượng và ngành công nghiệp sản xuất cũng như các công ty vận hành máy bay di chuyển giữa các quốc gia này và khởi hành đến Vương quốc Anh, Thụy Sĩ. Lượng phát thải trao đổi trên EU ETS chiếm khoảng 40% tổng lượng phát thải của EU.
Do đó, EU ETS là một phần quan trọng trong chính sách chống biến đổi khí hậu của EU và cũng là công cụ chính của khối này để giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp nhất.
Bằng cách cho phép các công ty mua quyền phát thải của các dự án tiết kiệm khí thải trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước kém phát triển nhất, EU ETS đóng vai trò là động lực thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch và các giải pháp carbon thấp trên toàn cầu.
Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải (ETS) của Liên minh châu Âu (EU):
30 quốc gia châu Âu tham gia
thị trường mua bán quyền phát thải lớn đầu tiên và lớn nhất thế giới
một phần quan trọng trong chính sách chống biến đổi khí hậu của EU
công cụ chính của EU nhằm giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp nhất
thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch và các giải pháp carbon thấp trên toàn cầu
Xây dựng thị trường theo các giai đoạn
EU ETS được xây dựng theo 4 giai đoạn liên tiếp: giai đoạn I (2005- 2007, thường được gọi là "giai đoạn thí điểm"); giai đoạn II (2008-2012); giai đoạn III (2013-2020); giai đoạn IV bắt đầu từ năm 2021.
Giai đoạn I (2005- 2007):
Giai đoạn giao dịch đầu tiên đã hình thành quá trình "học qua thực hành". EU ETS đã được thiết lập thành công với tư cách là thị trường carbon lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, số lượng tín chỉ dựa trên nhu cầu được ước tính lại thừa quá mức, do đó giá của các tín chỉ trong giai đoạn đầu tiên đã giảm xuống bằng 0 vào năm 2007.
Giai đoạn II (2008-2012):
Ngày 1/1/2008, Iceland, Na Uy và Liechtenstein bắt đầu tham gia EU ETS. Số lượng tín chỉ carbon giảm 6,5% trong giai đoạn này, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế dẫn đến giảm lượng phát thải. Ở giai đoạn bắt đầu, EU ETS nhắm tới giảm lượng phát thải khí nhà kính từ các ngành điện và công nghiệp sản xuất, chế tạo. Đến năm 2012, phát thải của ngành hàng không được đưa vào EU ETS.
Giai đoạn III (2013-2020):
Những cải cách lớn có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Đây cũng là ngày Croatia gia nhập EU ETS. Cải cách quan trọng nhất là việc đưa ra mức trần phát thải trên toàn EU phải giảm 1,74% mỗi năm và dần chuyển hướng sang đấu giá tín chỉ carbon thay cho phân bổ hạn ngạch miễn phí.
Giai đoạn IV (2021-2030):
Ngày 14/7/2021, Ủy ban châu Âu đã đề xuất tăng cường ETS, mở rộng giao dịch lượng phát thải sang các lĩnh vực mới và thành lập Quỹ Khí hậu Xã hội để giải quyết các tác động của việc định giá carbon đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Những đề xuất này đã được thông qua và trở thành luật vào năm 2023.
Các lĩnh vực và khí thải liên quan
EU ETS kiểm soát nhiều lĩnh vực và khí thải, trong đó tập trung vào lượng khí thải có thể đo lường, báo cáo và xác minh với độ chính xác cao:
- carbon dioxide (CO2) từ sản xuất điện và nhiệt; các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, gồm nhà máy lọc dầu, công trình thép và sản xuất sắt, nhôm, kim loại, xi-măng, vôi, thủy tinh, gốm sứ, bột giấy, giấy, bìa cứng, acid và hóa chất hữu cơ với số lượng lớn; hoạt động hàng không trong Khu vực Kinh tế châu Âu và các chuyến bay khởi hành đến Thụy Sĩ và Vương quốc Anh; vận tải hàng hải
- nitrous oxide (N2O) từ quá trình sản xuất nitric acid, adipic acid, glyoxylic acid và glyoxal
- perfluorocarbon (PFC) từ quá trình sản xuất nhôm
Việc tham gia EU ETS là bắt buộc đối với hầu hết công ty trong các lĩnh vực nêu trên.
Nguyên tắc “cap-and-trade”
Hoạt động dựa trên nguyên tắc “cap-and-trade” (mức trần và giao dịch phát thải), EU ETS giới hạn lượng khí thải được phép phát thải và cho phép các bên phát thải được mua hoặc bán khối lượng phát thải nhất định.
Mức trần sẽ quyết định số tín chỉ carbon có hiệu lực trên toàn hệ thống EU ETS. Mức trần này được thiết kế để giảm dần theo từng năm, do đó tổng lượng phát thải cũng sẽ giảm.
Hằng năm, hạn ngạch carbon nhất định sẽ được phân bổ miễn phí cho doanh nghiệp, phần còn lại sẽ trở thành các tín chỉ được đưa vào giao dịch trên thị trường. Nơi các doanh nghiệp tiến hành mua bán tín chỉ carbon được gọi là sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Sau mỗi năm, doanh nghiệp phải giao lại đủ số tín chỉ carbon tương đương với toàn bộ lượng phát thải của mình, nếu không sẽ bị phạt nặng.
Nếu một doanh nghiệp thực hiện tốt việc giảm phát thải và không sử dụng hết hạn ngạch được cấp miễn phí thì có thể giữ lại chúng để đáp ứng nhu cầu trong tương lai hoặc bán cho các doanh nghiệp khác.
Trong khi đó, các doanh nghiệp phát thải nhiều hơn hạn ngạch carbon được phân bổ miễn phí sẽ phải mua lại các tín chỉ trên thị trường hoặc thông qua đấu giá.
Thí dụ, nếu lượng phát thải của nhà máy B nhiều hơn hạn ngạch carbon mà nhà máy này được phân bổ miễn phí từ đầu năm thì nhà máy B có thể mua thêm tín chỉ carbon của nhà máy A hoặc mua thông qua đấu giá.
Tuy nhiên, theo quy định mới, từ năm 2034, các nhà máy, doanh nghiệp sẽ không còn được cấp hạn ngạch phát thải CO2 miễn phí như hiện nay.
Bất kỳ ai có tài khoản trong Hệ thống đăng ký của EU đều có thể mua hoặc bán tín chỉ carbon dù họ có phải là công ty thuộc EU ETS hay không. Giao dịch có thể được thực hiện trực tiếp giữa người mua và người bán thông qua một số sàn giao dịch có tổ chức hoặc thông qua bên trung gian hoạt động trong thị trường carbon.
Hệ thống đăng ký của EU giống như một hệ thống ngân hàng trực tuyến nắm giữ tài khoản của các đơn vị thuộc EU ETS. Thay vì giữ tiền, các tài khoản trong Hệ thống đăng ký của EU giữ các tín chỉ carbon.
Những cải cách mang tính bước ngoặt
Theo báo cáo của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), các đợt nắng nóng tại châu lục này là nguyên nhân gây ra 90% ca tử vong liên quan khí hậu trong giai đoạn 1980-2022, ước tính gây thiệt hại từ 27 đến 70 tỷ EUR cho các nước trong giai đoạn 1980-2000. Các nhà khoa học cảnh báo, châu Âu sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại hơn nữa nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính không được cắt giảm mạnh tay.
Mục tiêu cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính của EU:
Năm 2020: giảm -20% (đã thành công)
Năm 2030: giảm ít nhất 55%
(so với mức được ghi nhận năm 1990)
Năm 2050: trung hòa phát thải
Trong bối cảnh EU phải gánh chịu hậu quả ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu, cải cách thị trường carbon càng có vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của khối này về chống biến đổi khí hậu.
Cuối tháng 4/2023, các nước EU đã thông qua lần cuối những cải cách lớn nhất đối với thị trường carbon của châu lục.
Khối này đã đạt được đồng thuận về mục tiêu đến năm 2030 giảm 62% lượng khí thải so với mức của năm 2005. Khí thải của ngành vận tải hàng hải sẽ được đưa vào thị trường carbon từ năm 2024.
EU cũng quyết định đẩy nhanh hơn việc hạ mức trần phát thải, với mục tiêu giảm 117 triệu tín chỉ carbon trong 2 năm; đồng thời đưa mức trần giảm 4,3%/năm trong giai đoạn 2024-2027 và 4,4% trong giai đoạn 2028-2030 thay cho tốc độ giảm 2,2%/năm như hiện nay.
Các nước thành viên EU cũng nhất trí sẽ xây dựng một ETS riêng biệt cho các tòa nhà, hoạt động vận tải đường bộ và nhiên liệu đối với một số lĩnh vực bổ sung. Ngoài ra, EU sẽ dành tới 65 tỷ EUR để giải quyết các tác động về giá carbon của ETS mới này.
Đáng chú ý, theo quy định mới, trong giai đoạn 2026-2034, EU sẽ dần loại bỏ hạn ngạch phát thải miễn phí đối với một số lĩnh vực nhất định song song với việc vận hành Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).
Nhằm ngăn chặn nguy cơ các doanh nghiệp EU chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn gọi là “rò rỉ carbon”, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng CBAM.
Theo đó, CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thành viên EU dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất ở nước sở tại.
Những cải cách nêu trên được đánh giá là dấu mốc quan trọng đối với EU ETS và đặt hoạt động mua bán hiệu quả quyền phát thải vào trung tâm của kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính đầy tham vọng của EU.
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: NHÃ NAM
Nguồn tư liệu: Ủy ban châu Âu, EU ETS Handbook, Trading Economics, Reuters.