Thị trường nguyên liệu công nghiệp thế giới trầm lắng trong ngày lễ Martin Luther King

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), trong phiên giao dịch ngày đầu tuần, một nửa mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp nghỉ giao dịch, bao gồm: cà-phê Arabica, bông, ca-cao và đường 11.

Thu hoạch cà-phê tại Đắk Nông.

Thu hoạch cà-phê tại Đắk Nông.

Trong đó, giá cà-phê tiếp tục nối dài đà tăng từ các phiên cuối tuần trước do triển vọng nguồn cung kém lạc quan tại Brazil, quốc gia cung ứng cà-phê lớn nhất thế giới. Đóng cửa, giá cà-phê Robusta tăng 2,74% lên mức 5.143 USD/tấn.

Theo báo cáo do ngân hàng đầu tư Itau BBA công bố hôm qua, sản lượng thu hoạch cà-phê của Brazil vào năm 2025 dự kiến vẫn ở mức thấp, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp sản lượng dưới mức trung bình. Ngân hàng này cũng cho biết, giá cà-phê thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và có khả năng tăng cao hơn nữa trong bối cảnh tiêu thụ cà-phê toàn cầu ngày càng tăng, trong khi nguồn cung cà-phê arabica hạn chế trong năm 2025 và đầu năm 2026.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh giảm ước tính sản lượng thu hoạch cà-phê niên vụ 2024-2025 của Brazil, xuống 66,4 triệu bao loại 60kg từ mức 69,9 triệu bao ghi nhận trong báo cáo trước, trong đó 45,4 triệu bao là hạt Arabica (chiếm 68,38% tổng sản lượng) và 21 triệu bao cà-phê Robusta (chiếm 31,62%).

Thêm vào đó, việc tỷ giá USD/BRL giảm tác động gián tiếp lên hoạt động xuất khẩu tại Brazil cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá cà-phê trong phiên hôm qua. Đồng USD được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng mạnh sau khi ông Donald Trump chính thức tuyên bố nhậm chức, điều này đã kéo tỷ giá USD/BRL giảm 0,64% xuống 6,03 điểm. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp có thể khiến nông dân tại Brazil hạn chế bán cà-phê do thu về ít ngoại tệ hơn, qua đó làm giảm lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới.

Trong một diễn biến khác, giá dầu cọ tăng khoảng 0,5% lên mức 955,6 USD/tấn, chủ yếu là nhờ lực mua kĩ thuật tăng cao sau khi giá liên tục giảm trong những phiên gần đây. Tuy vậy, giá mặt hàng này vẫn đang gặp áp lực trong bối cảnh triển vọng nhu cầu yếu, đặc biệt là tại Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới.

Các quan chức nước này cho biết sản lượng nhập khẩu dầu cọ vào tháng 1/2025 của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm, do nhu cầu sụt giảm mạnh và người mua đang dần chuyển từ tiêu thụ dầu cọ sang dầu đậu tương. Theo ước tính của các quan chức, nước này nhập khẩu khoảng 110.000 tấn dầu cọ trong nửa đầu tháng 1 và lượng nhập khẩu trong cả tháng dự kiến chỉ đạt khoảng 340.000-370.000 tấn, là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thi-truong-nguyen-lieu-cong-nghiep-the-gioi-tram-lang-trong-ngay-le-martin-luther-king-post857083.html