Thị trường tài chính 24h: Giá vàng đi tàu lượn trong ngày
VN-Index hồi phục nhẹ; Bàn giải pháp bơm 2,5 - 3 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế; Năm 2025, cần tập trung vào chính sách tài khóa; Nâng hạng mới chỉ là bước khởi đầu; Kỳ vọng lớn vào nửa cuối năm; Châu Âu đau đầu trước nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 11/2 tăng 1 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm mạnh 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 88,00 – 90,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng mạnh 47,2 USD lên mức 2.907,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng tốc và lên trên 2.920 USD, trước khi lùi về gần 2.905 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 108,29 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.522 đồng/USD, tăng 35 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.340 – 25.700 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ từ 96.500 USD lên 97.300 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục tăng và lên 98.300 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,85 USD (+1,18%), lên 73,17 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,91 USD (+1,20%), lên 76,78 USD/thùng.
VN-Index hồi phục hơn 5 điểm
Sau phiên giao dịch sáng tăng điểm nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều không nhiều thay đổi, với các bluechip ngành ngân hàng vẫn duy trì sức hút với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, dù mức tăng vẫn chỉ ở mức khiêm tốn.
Mặc dù vậy, VN-Index từng bước nhích lên nhờ hai cổ phiếu HPG và FPT nới đà tăng, nhưng chỉ số thêm một phiên không đi được xa hơn khi các động lực thúc đẩy nêu trên đều chững lại về cuối ngày.
Kết thúc phiên giao dịch 11/2: VN-Index tăng 5,19 điểm (+0,41%), lên 1.268,45 điểm; HNX-Index tăng 0,9 điểm (+0,39%), lên 228,87 điểm; UpCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,12%), lên 96,75 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Hai (10/2), khi các nhà sản xuất thép tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ áp thuế bổ sung đối với thép và nhôm nhập khẩu.
Các nhà sản xuất kim loại của Mỹ sẽ được hưởng lợi từ thuế thép và nhôm đều tăng, với Nucor, Steel Dynamics tăng hơn 5% và Cleveland-Cliffs tăng 18%, trong khi Century Aluminium tăng 10,2% và Alcoa tăng 2,2%.
Cổ phiếu của US Steel cũng tăng gần 5%, sau khi Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, Nippon đang xem xét đề xuất một thay đổi táo bạo trong kế hoạch M&A với US Steel.
Kết thúc phiên 10/2: Chỉ số Dow Jones tăng 167,01 điểm (+0,38%), lên 44.470,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 40,45 điểm (+0,67%), lên 6.066,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 190,87 điểm (+0,98%), lên 19.714,27 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày Quốc khánh.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi giới đầu tư quan ngại với tác động tiềm năng của đợt thuế quan mới nhất của Mỹ.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,12% xuống 3.318,06 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,46% xuống 3.883,14 điểm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, không có ngoại lệ hoặc miễn trừ, ảnh hưởng gián tiếp đến Trung Quốc.
"Lần này, các mức thuế quan của Mỹ đã được áp đối với nhiều đối tác thương mại, theo cách rộng rãi và cùng một lúc. Điều này có nghĩa là thời gian, phạm vi và bản chất của việc này đã rộng hơn nhiều so với năm 2018-2019. Nguy cơ căng thẳng thương mại leo thang vượt ra ngoài các rủi ro cơ bản của chúng tôi đã tăng lên và những diễn biến trong tuần này có thể đã đưa rủi ro đó lên một bậc nữa”, Chetan Ahya, một nhà kinh tế tại Morgan Stanley cho biết.
Sự sụt giảm cũng do áp lực chốt lời sau một đợt phục hồi được thúc đẩy bởi sự lạc quan ngày càng tăng về những đột phá trong trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc, đặc biệt là với các công ty áp dụng mô hình mã nguồn mở của DeepSeek.
Chứng khoán Hồng Kông giảm từ mức đỉnh trong bốn tháng, do sự thận trọng chiếm ưu thế sau khi Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu, trong khi cổ phiếu ô tô lao dốc.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,06% xuống 21.294,86 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,31% xuống 7.842,72 điểm.
Hai cổ phiếu đáng chú ý là của nhà sản xuất ô tô Geely Automobile Holdings và Li Auto đã giảm mạnh, lần lượt mất 10,3% và 5,6%, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông sẽ xem xét áp thuế nhập khẩu đối với ô tô.
Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục, được thúc đẩy bởi cổ phiếu dược phẩm và đóng tàu, bất chấp những lo ngại tiềm tàng về thuế quan từ Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 17,78 điểm, tương đương 0,71% lên 2.539,05 điểm.
Bất chấp tuyên bố của ông Trump về khả năng áp thuế bổ sung đối với ô tô, chip và dược phẩm, vốn là các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Hàn Quốc, các nhà đầu tư vẫn lạc quan rằng tác động sẽ ít nghiêm trọng hơn dự kiến.
Theo đó, trong số các cổ phiếu y tế, Samsung Biologics tăng 3,9%, Celltrion tăng 0,4%.
Trong lĩnh vực đóng tàu, Hyundai Heavy Industries tăng 1,4%, Hanwha Ocean tăng 9%, và Korea Shipbuilding & Offshore Engineering tăng 1,4%.
Kết thúc phiên 11/2: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,11 điểm (-0,12%), xuống 3.318,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 227,12 điểm (-1,06%), xuống 21.294,86 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 17,78 điểm (+0,71%), lên 2.539,05 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Thủ tướng làm việc với các ngân hàng, bàn giải pháp bơm 2,5 - 3 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế
Ngày 11/2 sẽ diễn ra Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với một số ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát..>> Chi tiết
- Năm 2025, cần tập trung vào chính sách tài khóa
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm lại và Việt Nam đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng khá lâu, nên sẽ khó giảm thêm lãi suất..>> Chi tiết
- Thị trường vốn Việt Nam có tiềm năng phát triển đáng kể, nâng hạng mới chỉ là bước khởi đầu
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo Vietnam at a glance - Câu chuyện về vốn với nhận định, mọi sự chú ý đều đang hướng về tiềm năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay, mở rộng các kênh huy động vốn..>> Chi tiết
- Kỳ vọng lớn vào nửa cuối năm
Trong nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán nhiều khả năng biến động mạnh dưới tác động chính sách của Mỹ, đặc biệt là rủi ro thuế quan, tỷ giá, nhưng nửa cuối năm dự kiến sẽ có diễn biến tích cực..>> Chi tiết
- Châu Âu đau đầu trước nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ
Sau Trung Quốc, châu Âu trở thành mục tiêu tiếp theo trong cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump khởi xướng. Những lời cảnh báo về thuế quan từ Washington khiến EU rơi vào thế khó: trả đũa hay nhượng bộ?..>> Chi tiết