Thị trường tài chính 24h: Lãi suất chính sách được kỳ vọng ổn định ở mức 4,5%/năm

VN-Index giảm nhẹ; 'Cần ổn định lãi suất'; Chờ bứt khỏi thế giằng co; VN-Index lấy đà để mở biên độ; Doanh nghiệp bất động sản dồn dập cơ cấu nợ trái phiếu; Đông Nam Á sẵn sàng cho sự bùng nổ khí đốt ngoài khơi lên tới 100 tỷ USD… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/7 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 75,48 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm nhẹ 4,5 USD xuống 2.410,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co nhẹ quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,08 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.245 đồng/USD, giảm 3 đồng so với phiên cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.237 – 25.457 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 578.700 lên 60.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục tăng và lên hơn 62.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,19 USD (+0,23%), lên 82,41 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,17 USD (+0,20%), lên 85,20 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Thị trường đã tìm lại sắc xanh từ sớm, nhưng giao dịch vẫn ảm đạm bởi tâm lý thận trọng của cả bên mua và bán khiến thị trường chung phân hóa.

Chỉ số VN-Index dần chuyển qua trạng thái rung lắc nhẹ và đảo chiều về dưới tham chiếu ở cuối phiên, nhưng đóng cửa vẫn vững vàng trên đường MA20, tương đương vùng giá 1.260-1.270 điểm.

Thị trường ghi nhận phiên giảm nhẹ thứ 4 liên tiếp với thanh khoản ở mức thấp, điều này cũng phần nào cho thấy áp lực bán không quá lớn và tín hiệu tiêu cực chưa được xác nhận.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 50,73 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 1.856,87 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/7: VN-Index giảm 0,93 điểm (-0,07%), xuống 1.279,82 điểm; HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,07%), xuống 244,84 điểm; UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,23%), xuống 97,92 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (12/7), với điểm nhấn là Dow Jones vượt mốc 40.000 điểm.

Giới đầu tư đã đổ xô vào các cổ phiếu công nghiệp thuộc Dow Jones nhờ hy vọng lạm phát hạ nhiệt sẽ kéo theo việc Fed hạ lãi suất vào tháng 9.

Kết thúc phiên 12/7: Chỉ số Dow Jones tăng 247,15 điểm (+0,62%), lên 40.000,90 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 30,81 điểm (+0,55%), lên 5.615,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 115,04 điểm (+0,63%), lên 18.39844 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch Ngày của Biển.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, khi các nhà đầu tư đặt cược vào các gói kích thích lớn hơn, sau khi nền kinh tế tăng chậm hơn so với dự kiến trong quý II.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,09% lên 2.974,01 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,11% lên 3.476,25 điểm.

GDP quý II của nước này tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 5,1% mà các nhà kinh tế dự báo với Reuters.

Doanh số bán lẻ tháng 6 của Trung Quốc cũng không đạt kỳ vọng do chỉ tăng 2%, so với dự báo tăng trưởng 3,3%. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp lại vượt kỳ vọng, với mức tăng 5,3% trong tháng 6 so với một năm trước, cao hơn ước tính tăng trưởng 5% của Reuters.

Tim Waterer, nhà phân tích thị trường trưởng tại KCM Trade, cho biết: “Doanh số bán lẻ phản ánh bức tranh nhu cầu nội địa vẫn còn chắp vá ở Trung Quốc. Sản xuất công nghiệp là một trong số ít điểm sáng. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn để có được động lực thúc đẩy”.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu hơn dự kiến càng làm tăng thêm sự u ám trên thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,72% xuống 17.978,77 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,85% xuống 6.411,92 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều tăng nhẹ về cuối phiên nhờ cổ phiếu lớn ngành chip Samsung Electronics hồi phục, cũng như nhóm cổ phiếu quốc phòng nhích lên.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 3,92 điểm, tương đương 0,14% lên 2.860,92 điểm.

Cổ phiếu lớn như nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 2,73% và các cổ phiếu quốc phòng, bao gồm LIG Nex1 và Hyundai Rotem, tăng lần lượt 13,3% và 7,5%.

Kết thúc phiên 15/7: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,72 điểm (+0,09%), lên 2.974,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 296,18 điểm (-1,62%), xuống 17.997,20 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 3,92 điểm (+0,14%), lên 2.860,92 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- “Cần ổn định lãi suất”

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, với những biện pháp hỗ trợ tỷ giá đang được thực hiện, lãi suất chính sách trong năm nay được kỳ vọng ổn định ở mức 4,5%/năm như một động thái mang tính cân bằng..>> Chi tiết

- Chờ bứt khỏi thế giằng co

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, một bức ảnh ngộ nghĩnh được nhiều nhóm chứng khoán chia sẻ, lấy hình ảnh các chú mèo hô nhau “thị trường tạo đáy rồi, ta vào đi”, nhưng chú nọ đùn đẩy chú kia để rồi tất cả đứng yên..>> Chi tiết

- VN-Index lấy đà để mở biên độ

Thị trường chứng khoán gần như đi ngang trong tuần qua, dù thanh khoản có sự cải thiện so với tuần trước đó, nhưng biên độ biến động hẹp chỉ 20 điểm của VN-Index khiến không khí giao dịch trong suốt tuần khá trầm lắng..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp bất động sản dồn dập cơ cấu nợ trái phiếu

Riêng trong tuần đầu tháng 7/2024 có 9 doanh nghiệp thông báo chậm thanh toán gốc, lãi hoặc gia hạn kỳ hạn trả nợ trái phiếu, chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản. Nửa cuối năm 2024, doanh nghiệp bất động sản đứng trước áp lực trả nợ gần 59.000 tỷ đồng trái phiếu..>> Chi tiết

- Đông Nam Á sẵn sàng cho sự bùng nổ khí đốt ngoài khơi lên tới 100 tỷ USD

Theo phân tích mới của Rystad Energy, hoạt động sản xuất khí đốt ngoài khơi ở khu vực Đông Nam Á sẵn sàng khai thác tiềm năng lên tới 100 tỷ USD nhờ một loạt các quyết định đầu tư cuối cùng (FID) dự kiến sẽ thành hiện thực vào năm 2028..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-lai-suat-chinh-sach-duoc-ky-vong-on-dinh-o-muc-45nam-post349456.html