Thị trường tài chính 24h: Ngành quỹ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng
VN-Index lên trên 1.290 điểm; Ngân hàng bắt đầu thận trọng; Gia tăng nhà đầu tư tổ chức: Yêu cầu bức thiết; Nâng 'chất' nhà đầu tư tham gia quỹ; Mỹ đánh giá cơ hội đạt được thỏa thuận với Thụy Sỹ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 13/5 tăng 800.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 500.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 118,50 – 120,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm mạnh 86,6 USD xuống 3.236,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục lên 3.251 USD/ounce và đi ngang cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,56 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.973 đồng/USD, tăng 28 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.780 – 26.140 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 104.400 USD xuống 102.900 USD, thì sang ngày hôm nay đã hồi phục nhẹ và lên 103.200 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,29 USD (+0,47%), lên 62,24 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,22 USD (+0,34%), lên 65,16 USD/thùng.
VN-Index tăng thêm hơn 10 điểm
Sau phiên giao dịch sáng tương đối tích cực khi thanh khoản tiếp tục cho thấy sự cải thiện, thị trường bước vào phiên chiều đã nỗ lực bứt phá qua ngưỡng 1.290 điểm.
Dù có đôi chút rung lắc sau đó, nhưng với đóng góp của tân binh VPL và áp lực cung tiết giảm đã giúp VN-Index bật qua ngưỡng cản trên khi đóng cửa với dòng tiền tiếp tục chảy mạnh trên bảng điện tử.
Kết thúc phiên giao dịch 12/5: VN-Index tăng 10,17 điểm (+0,79%), lên 1.293,43 điểm; HNX-Index tăng 1,89 điểm (+0,87%), lên 217,93 điểm; UpCoM-Index tăng 0,96 điểm (+1,03%), lên 94,55 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng vọt trong phiên thứ Hai (12/5), sau khi khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung mang lại hy vọng về việc hạ nhiệt nhanh hơn đối với cuộc chiến thương mại toàn cầu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã châm ngòi vào đầu tháng 4.
Kết thúc phiên 12/5: Chỉ số Dow Jones tăng 1.160,72 điểm (+2,81%), lên 42.410,10 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 184,28 điểm (+3,26%), lên 5.844,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 779,43 điểm (+4,35%), lên 18.708,34 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt lên mức cao nhất trong 3 tháng, với động lực vẫn đến từ tiến triển trong thỏa thuận thuế quan Trung-Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,43% lên 38.183,26 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,1% lên 2.772,14 điểm.
Theo thỏa thuận được công bố hôm thứ Hai, Mỹ sẽ cắt giảm thuế quan với hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 145% xuống 30% trong ba tháng tới, trong khi thuế quan của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu của Mỹ sẽ giảm xuống 10% từ 125%.
Chứng khoán Trung Quốc giằng co nhẹ và đóng cửa tăng nhẹ, khi tâm lý thị trường trở nên thận trọng khi sự lạc quan ban đầu sau thỏa thuận ngừng bắn thương mại Mỹ-Trung bắt đầu phai nhạt.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,17% lên 3.374,87 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,15% lên 3.896,26 điểm.
Bắc Kinh và Washington dự kiến sẽ tiếp tục có thêm cuộc họp đám phán trong những tuần tới để bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận thương mại rộng hơn, nhưng vẫn còn sự không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra sau thời gian tạm hoãn áp thuế 90 ngày được công bố vào thứ Hai.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, do áp lực chốt lời gia tăng sau khi ghi nhận mức tăng lớn nhất trong hai tháng trong phiên trước đó.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,87% xuống 23.108,27 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,02% xuống 8.386,21 điểm.
Các nhà giao dịch đã chốt lời sau khi thị trường tăng vọt vào thứ Hai, được thúc đẩy bởi một thỏa thuận thương mại tạm thời giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được công bố.
Chứng khoán Hàn Quốc giằng co quanh tham chiếu, nhưng vẫn đóng cửa tăng nhẹ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 1,09 điểm, tương đương 0,04% lên 2.608,42 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ hai liên tiếp và duy trì ở mức điểm cao nhất trong hơn một tháng, nhờ sự lạc quan xung quanh thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Tại Hàn Quốc, Quyền Tổng thống Lee Ju-ho nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi các diễn biến thương mại như thỏa thuận Mỹ-Anh và kêu gọi các bộ ưu tiên lợi ích quốc gia và lợi ích chung trong các cuộc đàm phán sắp tới, đặc biệt là với Mỹ.
Kết thúc phiên 13/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 539,00 điểm (+1,43%), lên 38.183,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,63 điểm (+0,17%), lên 3.374,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 441,19 điểm (-1,87%), xuống 23.108,27 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 1,09 điểm (+0,04%), lên 2.608,42 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng bắt đầu thận trọng
Kết thúc quý đầu năm, đa phần ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương nhờ giảm mạnh dự phòng rủi ro, nhưng thách thức lớn còn chờ ở phía trước..>> Chi tiết
- Gia tăng nhà đầu tư tổ chức: Yêu cầu bức thiết
Chuyển dịch cơ cấu nhà đầu tư, từ sự thống trị của nhà đầu tư cá nhân sang vai trò ngày càng tăng của các nhà đầu tư tổ chức, là yêu cầu bức thiết nhằm nâng cao tính ổn định, chuyên nghiệp và hiệu quả của thị trường chứng khoán..>> Chi tiết
- Nâng “chất” nhà đầu tư tham gia quỹ
Tại Việt Nam, mặc dù ra đời muộn so với thế giới, nhưng ngành quỹ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hoạt động huy động vốn, thực hiện đầu tư và mang lại lợi ích cho cộng đồng nhà đầu tư..>> Chi tiết
- Mỹ đánh giá cơ hội đạt được thỏa thuận với Thụy Sỹ
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ngày 12/5 cho biết, Thụy Sỹ đã vươn lên dẫn đầu trong việc đạt được thỏa thuận thương mại, sau khi quốc gia châu Âu này tổ chức thành công cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc mới đây..>> Chi tiết