Thị trường tài chính 24h: Nhiều công ty niêm yết vẫn còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận cả năm

VN-Index giảm gần 25 điểm; Thách thức hạ thêm lãi suất; Tín dụng tiêu dùng cẩn thận 'vỡ trận địa' vì khách hàng bùng nợ; Những 'tay đua' còn rất xa vạch đích; Viện Tài chính Quốc tế (IIF): Nợ toàn cầu đạt mức kỷ lục mới 307.400 tỷ USD…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 17/11 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 70,00 – 70,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 21,6 USD lên 1.980,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên gần 1.995 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,12 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.972 đồng/USD, tăng nhẹ 1 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.075 – 24.415 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đảo chiều giảm về 36.500 USD thì sang phiên hôm nay đã lùi tiếp về 34.500 USD, trước khi có nhịp tăng khá mạnh lên 36.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,78 USD (+1,07%), lên 73,60 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,74 USD (+0,96%), lên 78,15 USD/thùng.

VN-Index điều chỉnh mạnh

Thị trường sớm giằng co, rung lắc quanh tham chiếu từ khá sớm và có dấu hiệu điều chỉnh mạnh hơn về cuối phiên sáng.

Áp lực bán sau đó ngày càng gia tăng và lan rộng trên thị trường trong phiên chiều, đặc biệt là gánh nặng lớn từ nhóm bluechip, đã khiến VN-Index cắm đầu lao dốc và giảm hơn 24 điểm và lùi về sát mốc 1.100 điểm khi đóng cửa với sắc đỏ chiếm áp đảo, gấp 4 lần số mã tăng.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 2 tháng qua với khối lượng đạt hơn 1,2 tỷ cổ phiếu và trạng thái bán tháo cũng chưa xảy ra.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 32,31 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng 784,26 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/11: VN-Index giảm 24,34 điểm (-2,16%), xuống 1.101,19 điểm; HNX-Index giảm 3,02 điểm (-1,32%), xuống 226,54 điểm; UPCoM-Index giảm 1,11 điểm (-1,27%), xuống 86,02 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ biến động nhẹ trong phiên thứ Năm (16/11), khi giới đầu tư chậm lại sau đà phục hồi mạnh trong những ngày qua.

Dữ liệu mới cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI), một thước đo về giá bán của các nhà sản xuất, giảm 0,5%, mức mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được thông báo trước đó đã đi ngang trong tháng 10, một dấu hiệu tích cực cho những nhà đầu tư kỳ vọng Fed có thể hài lòng với đà hạ nhiệt của lạm phát.

Kết thúc phiên 16/11: Chỉ số Dow Jones giảm 45,74 điểm (-0,13%), xuống 34.945,47 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,36 điểm (+0,12%), lên 4.508,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 9,84 điểm (+0,07%), lên 14.113,67 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng và ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp, được hỗ trợ bởi một mùa báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,48% lên 33.585,20 điểm và tăng 3,12% trong tuần. Chỉ số Topix tăng 0,95% lên 2.391,05 điểm và mức tăng 2,33% trong tuần.

Cả hai chỉ số đều có tuần thứ ba liên tiếp tăng, với

Các tập đoàn Nhật Bản đã gặt hái được những lợi ích của đồng yên yếu và chuyển chi phí cho người tiêu dùng, với các nhà sản xuất ô tô trở thành nhóm tăng mạnh nhất nổi bật.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng nhận được sự thúc đẩy từ sự phục hồi của chứng khoán Mỹ, với S&P 500 cũng đang trên đà công bố tuần tăng thứ ba liên tiếp.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi các nhà đầu đánh giá tích cực hơn với kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,11% lên 3.054,37 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,12% xuống 3.568,08 điểm.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại DBS cho biết hội nghị giữa ông Biden và ông Tập có thể củng cố tâm lý đáng kể đối với thị trường, mặc dù lo ngại của nhà đầu tư chủ yếu vẫn là về đà tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại”.

"Với sự tan băng trong quan hệ Mỹ-Trung và Tổng thống Biden nói rằng Mỹ muốn có mối quan hệ tốt hơn để giúp nền kinh tế Trung Quốc, có khả năng đầu tư của Mỹ trở lại vào tài sản Trung Quốc trong tương lai", họ cho biết trong một lưu ý.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, bị kéo xuống bởi sự sụt giảm của Alibaba Group sau khi loại bỏ kế hoạch tách khỏi hoạt động kinh doanh đám mây.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,12% xuống 17.454,19 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,32% xuống 5.974,47 điểm.

Cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group đã giảm 10% sau khi họ loại bỏ kế hoạch tách khỏi hoạt động kinh doanh đám mây của mình, với lý do không chắc chắn bởi lệnh hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ, vốn được sử dụng trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo sang Trung Quốc.

Đáng chú ý khác là tin tức các quỹ tín thác gia đình của Jack Ma, bao gồm JC Properties và JSP Investment, có kế hoạch bán 5 triệu cổ phiếu mỗi quỹ trong Alibaba Group Holding vào ngày 21/11. Tổng giá trị lên tới 870,7 triệu USD, theo một tiết lộ được công bố trên trang web của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi áp lực chốt lời gia tăng sau liên tiếp những phiên tăng gần đây.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 18,33 điểm, tương đương 0,74%, xuống 2.469,85 điểm.

Kết thúc phiên 17/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 160,79 điểm (+0,48%), lên 33.585,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,44 điểm (+0,11%), lên 3.054,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 378,63 điểm (-2,12%), xuống 17.454,19 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 18,33 điểm (-0,74%), xuống 2.469,85 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Thách thức hạ thêm lãi suất

Lãi suất giảm mạnh so với đầu năm nhưng sẽ khó hạ thêm vì giá điện, giá xăng dầu... đang gây sức ép lên lạm phát..>> Chi tiết

- Tín dụng tiêu dùng cẩn thận "vỡ trận địa" vì khách hàng bùng nợ

Xây dựng khung khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng (TCTD) có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ỳ..>> Chi tiết

- Những “tay đua” còn rất xa vạch đích

Kết quả lợi nhuận 9 tháng của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cơ bản được hé lộ. Trong đó, nhiều công ty vẫn còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận cả năm..>> Chi tiết

- Viện Tài chính Quốc tế (IIF): Nợ toàn cầu đạt mức kỷ lục mới 307.400 tỷ USD

Hôm thứ Năm (16/11), Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 307.400 tỷ USD trong quý III/2023 và tỷ lệ nợ trên GDP ở các thị trường mới nổi đã đạt mức cao kỷ lục..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-nhieu-cong-ty-niem-yet-van-con-cach-rat-xa-muc-tieu-loi-nhuan-ca-nam-post334080.html