Thị trường tài chính 24h: Triển vọng thị trường trung hạn vẫn khả quan

VN-Index lao dốc mạnh; Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2024 chậm; VN-Index vẫn 'nén chặt'; Nhóm penny có dấu hiệu thoái trào; Chọn lọc cơ hội… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 24/6 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 38,3 USD xuống 2.321,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và lên gần 2.330 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,57 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 24/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.262 đồng/USD, tăng 6 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.255 – 25.475 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ gần 64.200 USD xuống 63.800 USD thì sang ngày hôm nay đã đi ngang, nhưng bất ngờ có nhịp giảm nhanh xuống gần 61.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,34 USD (+0,42%), lên 81,07 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,38 USD (+0,45%), lên 85,62 USD/thùng.

VN-Index giảm gần 28 điểm

Sau ít phút đầu giằng co nhẹ quanh tham chiếu, áp lực bán đã gia tăng mạnh ở nhóm bluechip và sau đó lan rộng toàn thị trường VN-Index lao dốc về ngưỡng 1.260-1.265 điểm.

Nỗ lực giữ vững ngưỡng này đã bất thành khi lực bán mạnh và dứt khoát khiến VN-Index rơi về ngưỡng 1.255 điểm khi đóng cửa, tương đương giảm gần 30 điểm, thanh khoản cũng tăng vọt, cao nhất kể từ phiên 15/4 với gần 32.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trên HOSE.

Kết thúc phiên giao dịch 24/6: VN-Index giảm 27,9 điểm (-2,18%), xuống 1.254,12 điểm; HNX-Index giảm 4,63 điểm (-1,89%), xuống 239,74 điểm; UPCoM-Index giảm 1,53 điểm (-1,52%), xuống 99,06 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tiếp tục có một phiên biến động nhẹ trong ngày thứ Sáu (21/6), với tâm điểm vẫn là cổ phiếu Nvidia.

Cổ phiếu Nvidia giảm thêm 3,2% sau khi mất 3,5% trong phiên trước đó. Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn tăng tới 155% từ đầu năm đến nay, và đã nhanh chóng đánh bại Microsoft trở thành công ty vốn hóa lớn nhất thị trường.

Trong tuần, Dow Jones tăng 1,45%, S&P 500 tăng 0,6% và Nasdaq Composite gần như đi ngang.

Kết thúc phiên 21/6: Chỉ số Dow Jones tăng 15,57 điểm (+0,04%), lên 39.150,33 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,55 điểm (-0,16%), xuống 5.464,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 32,23 điểm (-0,18%), xuống 17.689,36 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ đồng yên yếu đã hỗ trợ các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu và cổ phiếu công nghệ bật hồi về cuối ngày.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,54% lên 38.804,65 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,57% lên 2740,19 điểm.

Động lực đã tăng lên trong phiên giao dịch chiều, mặc dù không quá lớn, khi đồng yên hỗ trợ các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu khi suy yếu về mức 160 yên/USD.

Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, nhà sản xuất ô tô Toyota Motor tăng 2,5% và SoftBank Group nhích 0,8%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, khi giới đầu tư thận trọng trước các dữ liệu kinh tế sắp được công bố, trong khi căng thẳng thuế quan với EU về xe điện cũng khiến giới đầu tư tránh xa thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,17% xuống 2.963,10 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,54% xuống 3.476,81 điểm.

Xung đột thương mại vẫn là một trọng tâm chính của thị trường. Mới đây, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán về thuế đối với xe điện (EV) do Trung Quốc sản xuất được nhập khẩu vào thị trường châu Âu, các quan chức cấp cao của cả hai bên cho biết hôm thứ Bảy.

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ công bố sản lượng công nghiệp tháng 5 vào thứ Sáu và tháng 6 vào Chủ nhật, trong khi các nhà giao dịch cũng sẽ tập trung vào chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, đóng vai trò là thước đo lạm phát ưa thích của Fed - dự kiến sẽ có vào thứ Sáu.

Chứng khoán Hồng Kông giao dịch ảm đạm, khi thị trường thiếu các biện pháp hỗ trợ và dữ liệu kinh tế mờ nhạt đã gây ra sự lo lắng cho các nhà đầu tư.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,004% xuống 18.027,71 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,02% lên 6.441,16 điểm.

Nhà điều hành chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao là một trong số những cổ phiếu giảm đáng kể, mất 2,8% sau khi quyết định thay thế CEO. Trong khi cổ phiếu gã khổng lồ rượu Kweichow Moutai giảm gần 4% do có tin về việc chai rượu hàng đầu của hãng này đã giảm xuống dưới 2.100 nhân dân tệ (289 USD) mỗi chai.

Trong số các cổ phiếu giảm mạnh khác, SMIC giảm 3,4% và công ty du lịch trực tuyến Trip.com Group mất 2,8%,

Trong dấu hiệu tiêu cực mới nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm 28,2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xấu đi từ mức giảm 27,9% trong bốn tháng trước đó.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước dữ liệu quan trọng của Mỹ và loạt báo cáo kết quả kinh doanh.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 19,53 điểm, tương đương 0,70% xuống 2.764,73 điểm.

Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ sẽ công bố vào cuối tuần này, điều này sẽ cung cấp manh mối cho định hướng chính sách tiền tệ của Fed.

Ngoài ra, Micron Technology dự kiến sẽ công bố kết quả kinh doanh trong đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 cũng khiến sự thận trọng gia tăng.

Kết thúc phiên 24/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 208,18 điểm (+0,54%), lên 38.804,65 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 35,04 điểm (-1,17%), xuống 2.963,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 0,81 điểm (-0,004%), xuống 18.027,71 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 19,53 điểm (-0,70%), xuống 2.764,73 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2024 chậm, phân hóa giữa các ngân hàng

Tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng chậm trong hai quý đầu năm, song giữa các ngân hàng có sự phân hóa, trong đó có nhà băng tăng trưởng tương đối tích cực..>> Chi tiết

- VN-Index vẫn “nén chặt”

Chỉ số chung sau khi thoái lui trước áp lực chốt lời và khối ngoại đẩy mạnh bán ròng đã đi ngang trong tuần qua, với lực cầu vẫn tốt..>> Chi tiết

- Nhóm penny có dấu hiệu thoái trào

Từ cuối tháng 5/2024, “sóng” cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny) bất ngờ nổi lên, không ít cổ phiếu bật tăng mạnh, thu hút dòng tiền đầu cơ ưa mạo hiểm và những nhà đầu tư lướt sóng có khẩu vị rủi ro cao, nhưng đang có dấu hiệu điều chỉnh..>> Chi tiết

- Chọn lọc cơ hội

Cổ phiếu nhiều nhóm ngành đã phản ánh trước kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận quý II/2024 khi tăng giá mạnh trong thời gian qua, đòi hỏi nhà đầu tư phải chọn lọc cơ hội kỹ hơn, dù triển vọng thị trường chung vẫn khả quan..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-trien-vong-thi-truong-trung-han-van-kha-quan-post348059.html