Thị trường tài chính carbon, đừng để nước đến chân mới nhảy

Doanh nghiệp Việt Nam muốn hội nhập cuộc chơi toàn cầu, muốn xuất khẩu sản phẩm và sản xuất bền vững, buộc phải tính toán phát thải, tham gia vào thị trường carbon, dù để mua hay bán.

Thị trường tín chỉ carbon ở nhiều quốc gia trên thế giới được hình thành từ khá lâu và hiện đang sôi động do yêu cầu của sản xuất xanh, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Việt Nam hiện đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để thị trường tín chỉ carbon có thể chính thức hoạt động từ năm 2028 và thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26). Doanh nghiệp Việt Nam muốn hội nhập cuộc chơi toàn cầu, muốn xuất khẩu sản phẩm và sản xuất bền vững, buộc phải tính toán phát thải, tham gia vào thị trường carbon, dù để mua hay bán.

Không còn nhiều thời gian

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính carbon, hiện thị trường tín chỉ carbon trên thế giới hoạt động rất sôi động, ở khắp các châu lục. Tuy nhiên mỗi một quốc gia, mỗi khu vực có cách thức và lịch sử vận hành khác nhau.

Hiện nay trên thế giới có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai.

Để phát triển thị trường carbon ở nước ta cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ; Xác định tổng hạn ngạch phát thải và phân bổ cho các lĩnh vực, doanh nghiệp; Xác định các lĩnh vực, dự án tiềm năng.

Xử lý nước thải trong mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giảm phát thải trong sản xuất của doanh nghiệp

Xử lý nước thải trong mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giảm phát thải trong sản xuất của doanh nghiệp

Thị trường carbon trên thế giới hiện đang vận hành theo 3 hình thức thức: bắt buộc, tự nguyện và hình thức tuân thủ theo Điều 6 thỏa thuận Paris. Giá tín chỉ phụ thuộc vào cung- cầu, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực phát thải. Tại thị trường Hàn Quốc hiện có giá 5-6 USD/tín chỉ, Úc khoảng 25 USD/tín chỉ, Trung Quốc 10 USD/tín chỉ, EU lên đến 77 Euro/tín chỉ...

Ông Phạm Nam Hưng, Phòng Kinh tế và thông tin Biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Thị trường carbon được cả thể giới coi là công cụ giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả về mặt kinh tế. Nó thúc đẩy việc Chính phủ có thể điều chỉnh nguồn vốn, dòng tiền vào những công nghệ giảm phát thải, công nghệ xanh hơn. Và cùng với việc phát triển trong nhận thức của con người, cam kết mạnh mẽ hơn từ các quốc gia thì giá của tín chỉ carbon tăng trong thời gian qua".

Theo lộ trình, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam vận hành thí điểm vào năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Đến hết năm 2027, ngành chức năng sẽ xây dựng xong quy định quản lý tín chỉ carbon, thí điểm triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

Ông Võ Nguyễn Trường An, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ carbon ASEAN cho rằng, dù còn nhiều việc phải làm để hình thành, vận hành và quản lý thị trường tín chỉ carbon, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng về việc Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ để tăng tái chế, giảm phát thải

Doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ để tăng tái chế, giảm phát thải

Theo ông An: "Diện tích rừng, đất trồng trọt trên thế giới chắc chắn có hạn và có thể giảm đi do biến đổi khí hậu. Trong khi đó nhu cầu phát thải, phát triển kinh tế trên thế giới vẫn rất cao nên chắc chắn giá của tín chỉ carbon, lợi ích mà tín chỉ carbon mang lại sẽ tăng theo thời gian".

Doanh nghiệp buộc phải “nhảy”

Khi được hỏi cần thông tin gì xung quanh vấn đề thị trường tài chính carbon, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu ý kiến rằng:

- Nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào thị trường carbon tự nguyện thì sau này có cơ chế nào chuyển đổi tín chỉ carbon chưa được bù trừ đó sang tiêu chuẩn của Việt Nam để được giao dịch trên sàn.

- Những hoạt động dọn rác, thu gom rác, bảo vệ môi trường có được quy đổi thành tín chỉ carbon hay không?

- Những thông tin chính thống về thị trường tín chỉ carbon hiện tại rất hẹp. Chúng tôi muốn có các khóa tập huấn ngắn hạn cho doanh nghiệp để tự trang bị kiến thức cho mình.

Tham gia thị trường carbon, tài chính xanh chắc chắn sẽ làm tăng thương hiệu của doanh nghiệp, thuận lợi trong đàm phán xuất khẩu sản phẩm. Doanh nghiệp thực hiện giảm phát thải là cơ hội để thay đổi mô hình sản xuất, công nghệ. Qua đó cũng có thể tạo ra tín chỉ carbon còn thừa sau khi đã bù trừ để bán ra thị trường, thu về lợi nhuận.

Còn đối với các doanh nghiệp trung gian mua bán tín chỉ, sàn giao dịch thì là cơ hội có thêm một sản phẩm kinh doanh, trao đổi.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn trong thời gian tới là yêu cầu bắt buộc với Việt Nam chứ không còn là khuyến nghị.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn trong thời gian tới là yêu cầu bắt buộc với Việt Nam chứ không còn là khuyến nghị.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ ngày 1/10/2023, châu Âu chính thức áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon với 6 mặt hàng chiếm tới 94% phát thải carbon của châu Âu là sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện, hydro, thì Việt Nam có tới 4 mặt hàng bị ảnh hưởng và nặng nhất là thép.

"Việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn trong thời gian tới là yêu cầu bắt buộc với Việt Nam chứ không còn là khuyến nghị. Tất cả doanh nghiệp phải thực hiện dù muốn hay không, để tham gia vào thương mại và đầu tư toàn cầu" - PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.

Phía các doanh nghiệp thì cho rằng, thách thức để doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon rất lớn. Cho nên, ngoài chính sách pháp luật, rất cần có một cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho thị trường tín chỉ carbon gồm cả xây dựng cơ sở dữ liệu cho quản trị, chuyển đổi số, sự vào cuộc của các định chế ngân hàng, bảo hiểm…

TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia; Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính Carbon khẳng định, doanh nghiệp có cả thuận lợi và thách thức nhưng buộc phải tham gia thị trường carbon. Bởi kinh tế xanh, kinh tế carbon, thị trường carbon... không phải chỉ là vấn đề môi trường mà là cả một thời đại kinh tế, thời đại chuyển đổi bắt buộc, trong đó doanh nghiệp nhất định sẽ phải báo cáo về phát thải, chỉ số carbon...

TS. Lê Xuân Nghĩa trao đổi với doanh nghiệp về tín chỉ carbon

TS. Lê Xuân Nghĩa trao đổi với doanh nghiệp về tín chỉ carbon

Theo TS Lê Xuân Nghĩa: "Doanh nghiệp của chúng ta hiện còn loay hoay với nhiều vấn đề, không có tâm trí đâu mà quan tâm đến chuyện tín chỉ carbon. Tuy nhiên, chúng ta không thể chậm như chúng ta muốn. Cho nên, truyền thông phải thấu hiểu và làm cho doanh nghiệp hiểu được, sức ép đang đến rất gần. Chính phủ hiểu doanh nghiệp đang khó khăn nhưng sức ép này từ phía thị trường, từ người mua sản phẩm của Việt Nam".

Tóm lại, doanh nghiệp sẽ có nhiều mặt lợi và cũng sẽ có nhiều thách thức phải đối mặt trong cuộc chơi hướng tới net zero và thị trường carbon. Nhưng trên hết và trước hết, không còn lâu nữa là đến giai đoạn nếu không giảm phát thải, không thực hiện bù trừ carbon thì sản phẩm của doanh nghiệp sẽ không xuất khẩu được. Cho nên, doanh nghiệp cần có thông tin, cần ý thức được tầm quan trọng và có kiến thức để tham gia vào thị trường carbon trước khi quá muộn. Nhiều chuyên gia và cả doanh nghiệp mong muốn, ngay ở giai đoạn này, truyền thông về giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn, tín chỉ carbon cần sâu và rộng hơn.

Minh Hạnh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong-tai-chinh-carbon-dung-de-nuoc-den-chan-moi-nhay-post1063249.vov