Thị trường tài chính vẫn hoài nghi về khả năng đạt được thỏa thuận trong thời hạn 90 ngày của Tổng thống Trump

Việc Tổng thống Donald Trump tạm dừng áp dụng thuế quan đối ứng trong 90 ngày để đạt được các thỏa thuận thương mại cực kỳ phức tạp với hàng loạt quốc gia mà chính quyền cho biết đang chờ đợi để đàm phán được xem là thông tin tương đối tích cực. Nhưng diễn biến của các thị trường tài chính cho thấy họ không tin vào điều đó.

Biến động trên thị trường cổ phiếu Mỹ tăng vọt với những phiên giao dịch tăng giảm mạnh đan xen. Các thị trường khác bao gồm dầu mỏ, trái phiếu và đồng đô la đang phát đi một thông điệp rõ ràng về sự hoài nghi sâu sắc rằng Tổng thống Trump sẽ có thể thực hiện thành công được các thỏa thuận thương mại.

Cổ phiếu

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ 11/4, chỉ số Dow Jones tăng 1,56%, S&P 500 tăng 1,81% và Nasdaq tăng 2,06%. Sau phiên giảm mạnh trước đó, thị trường được hỗ trợ bởi thông tin về việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Boston, Susan Collins cho biết, ngân hàng trung ương sẽ can thiệp để hỗ trợ thị trường tài chính nếu có dấu hiệu khó khăn.

Nhưng các nhà đầu tư thị trường chứng khoán đang trải qua thời điểm cực kỳ rủi ro, và bất kỳ thông báo nào từ chính quyền Tổng thống Trump về thuế quan đều có khả năng khiến cổ phiếu tăng vọt hoặc lao dốc. Cổ phiếu Mỹ đã lao dốc vào ngày 10/4 sau khi chính quyền Tổng thống Trump làm rõ mức thuế quan khổng lồ 145% đối với Trung Quốc, khi trước đó Phố Wall đã tin rằng mức thuế quan là 125%.

Bất chấp mức tăng mạnh mẽ trong phiên giao dịch ngày 9/4 sau khi Tổng thống Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng, cổ phiếu vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với mức trước khi ông công bố loạt thuế quan vào ngày 2/4.

Trái phiếu

Thị trường trái phiếu đang hoạt động kỳ lạ. Thông thường, giá trái phiếu sẽ tăng trong suốt thời kỳ hỗn loạn. Trái phiếu Kho bạc Mỹ trong lịch sử được xem là tài sản an toàn nhất, được hỗ trợ bởi niềm tin và uy tín tuyệt đối của chính phủ Mỹ.

Nhưng giá trái phiếu hiện không tăng, mà chúng đang giảm.

Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư đã mất niềm tin vào chính sách thương mại của Mỹ và họ lo ngại rằng Mỹ có thể bị tổn hại, thậm chí còn tồi tệ hơn cả các quốc gia mà chính sách thuế quan của Tổng thống Trump hướng tới.

Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase cho biết rằng, chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump có nguy cơ khiến các đối tác quan trọng nhất của mình xa lánh và làm mất đi vị thế đặc biệt của Mỹ trên thế giới.

Các nhà đầu tư đã bán tháo trái phiếu Kho bạc Mỹ trong tuần này, làm dấy lên câu hỏi về việc họ vẫn xem trọng sự an toàn của trái phiếu chính phủ Mỹ đến mức nào.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ (lợi suất ngược chiều với giá) đã tăng vọt vào ngày 11/4 lên trên 4,5%. Điều này thể hiện một động thái lớn đối với thị trường. Lợi suất cao hơn có thể gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ, vì một số khoản vay tiêu dùng có liên quan chặt chẽ đến lãi suất đó.

“Lợi suất trái phiếu tăng diễn ra nhanh chóng trong bối cảnh lịch sử và không mang lại sự thoải mái cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trong thị trường biến động”, các nhà phân tích tại Citi cho biết.

Theo chỉ số lợi nhuận tổng thể của trái phiếu Kho bạc Mỹ của Bloomberg, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2019, khi Cục Dự trữ Liên bang New York phải can thiệp thông qua việc mua vào trái phiếu Kho bạc để hạ nhiệt mức tăng đột biến của lợi suất do khủng hoảng thanh khoản.

“Tình hình thị trường hiện tại không đòi hỏi sự can thiệp của Fed tại thời điểm này, nhưng các quan chức Fed có thể đang theo dõi chặt chẽ chức năng của thị trường”, Chip Hughey, Giám đốc điều hành thu nhập cố định tại Truist Advisory Services cho biết.

Dầu mỏ

Thị trường dầu mỏ đang biến động theo chiều hướng như thể chúng ta đang bước vào suy thoái.

Giá dầu đã giảm mạnh trong vài tuần qua khi các nhà đầu tư lo ngại chính sách thương mại của Tổng thống Trump có thể làm giảm nhu cầu đi lại, vận chuyển và giao thông.

Giá dầu thô WTI của Mỹ đang giao dịch quanh 61 USD/thùng, gần mức thấp nhất trong bốn năm. Trong khi dầu Brent đang dao động quanh mức 64 USD/thùng, gần mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.

Hôm 11/4, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright cho biết rằng, Mỹ có thể ngăn chặn xuất khẩu dầu của Iran như một phần trong các cuộc đàm phán của Tổng thống Trump về chương trình hạt nhân của nước này, điều này đã giúp giá dầu hồi phục nhẹ. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại về tác động của thuế quan đối với tăng trưởng kinh tế và cách thức mà sự suy thoái tiềm tàng có thể làm gián đoạn nhu cầu dầu mỏ.

Giá dầu đã đóng vai trò là chỉ báo suy thoái chính trong những năm gần đây. Giá dầu đã giảm mạnh sau khi tăng vọt lên trên 100 USD/thùng lần đầu tiên khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 2008. Và giá dầu đã giảm mạnh trong giai đoạn đại dịch khi tình trạng dư thừa dầu trở nên nghiêm trọng.

Đồng đô la

Đồng đô la đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm vào ngày 11/4, trái ngược với những gì mà thị trường mong đợi khi thuế quan được áp dụng.

Thông thường, thuế quan làm tăng giá trị của tiền tệ địa phương, vì nó khuyến khích người dân mua hàng hóa trong nước thay vì các lựa chọn nước ngoài, khiến tiền tệ của các quốc gia này tăng giá so với các tiền tệ khác.

Nhưng các nhà giao dịch tiền tệ đã bán tháo đồng đô la, vì họ tin rằng nước Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump và cuối cùng sẽ suy yếu hơn so với trước khi thuế quan được áp dụng.

Đồng đô la đã chạm mức thấp nhất so với đồng euro kể từ năm 2022 vào ngày 11/4. Chỉ số đô la đã giảm 0,9% vào ngày 11/4 sau khi giảm 2% vào ngày 10/4.

Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng của RSM cho biết: "Các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương đang bán trái phiếu Kho bạc và đồng đô la do mất niềm tin và uy tín vào tài sản của Mỹ…Sự hỗn loạn tài chính có cái giá của nó".

Trong khi đó, giá vàng đã tăng vọt lên trên mức cao kỷ lục 3.200 USD/ounce vào ngày 11/4. Vàng đã tăng hơn 23% trong năm nay và vừa ghi nhận quý tăng mạnh nhất nhất kể từ năm 1986. Vàng cũng được xem là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế và chính trị bất ổn.

Các thỏa thuận thương mại

Mặc dù thị trường tài chính đặt ra nghi ngờ về việc chính quyền Tổng thống Trump khó có thể đạt được các thỏa thuận thương mại song phương với tất cả 150 quốc gia trên toàn thế giới chỉ trong vòng 90 ngày, nhưng chính quyền Tổng thống Trump vẫn lạc quan.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết, tuần này rằng hơn 70 quốc gia đã yêu cầu gặp đại diện của Mỹ để đạt được thỏa thuận để tháo gỡ khỏi mức thuế quan đối ứng. Chính quyền đã cung cấp rất ít thông tin chi tiết về các quốc gia mà họ đang đàm phán, nhưng cho biết sẽ ưu tiên các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhưng các thỏa thuận thương mại là những thỏa thuận cực kỳ phức tạp, thường được đàm phán trong nhiều năm chứ không phải nhiều tháng. Và ngay cả khi Tổng thống Trump đàm phán thương mại với tất cả các quốc gia đó trong một thời gian ngắn (cho dù là thỏa thuận đầy đủ hay các văn bản thỏa thuận đưa ra khuôn khổ của một thỏa thuận) thì Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới – vẫn là vấn đề quan trọng.

Thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc hiện ở mức ít nhất là 145% và Trung Quốc đã trả đũa vào bằng mức thuế 125%. Điều đó sẽ gây ra thiệt hại to lớn cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cả hai bên đều không có dấu hiệu nhượng bộ.

Trong khi đó, các nhà kinh tế Phố Wall không hề lay động trước sự thay đổi đột ngột trong giọng điệu của Tổng thống Trump. Mặc dù các thỏa thuận thương mại được đàm phán chắc chắn sẽ là tin tốt cho nền kinh tế, nhưng phần lớn thiệt hại đã xảy ra. Và mức thuế quan cơ sở 10% vẫn được áp dụng, cũng như mức thuế 25% đối với ô tô, mức thuế 25% đối với một số hàng hóa từ Mexico và Canada và mức thuế 25% đối với thép và nhôm.

Đó là lý do tại sao JPMorgan và Goldman Sachs cho rằng khả năng Mỹ và các nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm nay về cơ bản như việc tung một đồng xu.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-van-hoai-nghi-ve-kha-nang-dat-duoc-thoa-thuan-trong-thoi-han-90-ngay-cua-tong-thong-trump-post367330.html