Thị trường Tết Ất Tỵ: Dồi dào nguồn cung
Tại TP Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Ất Tỵ tương đối dồi dào, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo Sở Công thương Hà Nội, Sở đã cùng với doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5%-20% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ thị trường Tết năm ngoái.
Giá cả hàng hóa ít biến động
Ngày 22/1, theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội như Trung Kính (quận Cầu Giấy), Hàng Bè, Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), Kim Liên (quận Đống Đa), Thành Công (quận Ba Đình)... giá cả các mặt hàng thiết yếu như rau xanh, hoa quả, thủy hải sản tươi sống không có nhiều biến động. Duy nhất chỉ có giá thịt lợn tăng hơn so với ngày thường do giá lợn hơi trong thời gian gần đây liên tục tăng đã đẩy giá thịt lợn tại các chợ truyền thống tăng. Cụ thể sườn thăn dao động ở mức 160.000 - 170.000 đồng/kg, nạc thăn có giá 150.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tăng nên giá giò, chả cũng tăng theo. Theo đó, giò lên 230.000 đồng/kg, chả lên 210.000 đồng/kg.
Trái với giá thịt, giá các loại rau xanh có xu hướng giảm hơn so với đầu tháng 1. Cụ thể, giá su hào có giá 3.000 - 8.000 đồng/củ, súp lơ xanh 8.000 - 12.000 đồng/chiếc, cà rốt 8.000 - 10.000 đồng/kg, cải ngọt từ 14.000 đồng/kg, ớt chuông 38.000 đồng/kg, dưa chuột 15.000 đồng/kg…
Lý giải nguyên nhân khiến giá rau xanh có chiều hướng giảm, chị Nguyễn Thị Hậu, kinh doanh rau xanh tại chợ Trung Kính cho biết, những tháng cuối năm thời tiết nắng ấm, thuận lợi cho rau xanh phát triển, nguồn cung dồi dào, nên giá rau xanh hạ nhiệt. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2024 giá rau xanh vẫn cao hơn. Với mức giá như hiện nay theo chị Hậu, người dân trồng rau chắc chắn có một mùa bội thu.
Mặt hàng đồ khô như măng, mứt, các loại hạt năm nay khá dồi dào và có mức giá khá mềm. Cụ thể hạt hướng dương dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, hạt bí có giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, hạt mắc - ca dao động từ 170.000 - 220.000 đồng/kg…
Đối với mặt hàng thủy hải sản tươi sống, giá bán gần như không có biến động so với ngày thường. Hiện tôm sú dao động 250.000 - 400.000 đồng/kg, mực ống từ 120.000 - 250.000 đồng/kg…
Đảm bảo nguồn cung trước và sau Tết
Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Ất Tỵ, trước đó ngay từ tháng 12/2025 Sở Công thương cùng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lên kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết.
Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, để chủ động nguồn hàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết, năm 2024, Sở Công thương Hà Nội đã tạo điều kiện trên 600 lượt doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh tham gia giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Qua đó đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên 3.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối, hỗ trợ kết nối tiêu thụ khoảng 500.000 tấn hàng hóa từ các tỉnh, thành phố. Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp đã khai thác đa dạng nguồn cung, đảm bảo chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã phối hợp với 43 tỉnh, thành phố xây dựng, phát triển và duy trì 1.327 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm, thủy sản an toàn, cung ứng cho thành phố Hà Nội, qua đó góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố, nhất là trong dịp Tết.
Giám đốc siêu thị Go! Thăng Long Nguyễn Minh Tuấn cho biết, để đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, siêu thị đã dự trữ lượng hàng hóa tăng 15% so với Tết Nguyên đán 2024, trong đó có đến 90% là hàng Việt Nam chất lượng cao. Bên cạnh việc dự trữ hàng hóa, siêu thị kết hợp với các doanh nghiệp cung ứng liên tục tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá qua đó kích cầu tiêu dùng
Nhiều người tiêu dùng đánh giá, nguồn hàng Tết được cung cấp năm nay tương đối đầy đủ, dồi dào. Phần lớn mặt hàng được lựa chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Theo các chuyên gia, dự báo sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường. Do đó, các hệ thống siêu thị cần chủ động thực hiện công tác dự trữ hàng hóa từ sớm với lượng dự trữ tăng khoảng 10-20% nhằm bảo đảm lượng hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong suốt dịp Tết. Đặc biệt, đối với những mặt hàng thực phẩm tươi sống các siêu thị cần chủ động dự trữ, nhằm bảo đảm nguồn cung và duy trì mức giá ổn định trong suốt dịp Tết.
Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) thực hiện các giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan, bùng phát. Bộ cũng phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm. Theo Bộ NNPTNT, vai trò của các địa phương trong vấn đề đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn rất quan trọng. Do đó, các địa phương chỉ đạo các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tổ chức các đoàn công tác liên ngành và theo chức năng được phân công, phân cấp để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thi-truong-tet-at-ty-doi-dao-nguon-cung-10298829.html