Thị trường thế giới ảnh hưởng gì khi Trung Quốc giảm nhập khẩu khí đốt?
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ hydrocarbon hàng đầu, tuy vậy nước này hiện đang ít nhập khẩu khí đốt mà thay vào đó là tập trung vào tăng cường sản xuất nội địa. Đây là bài toán hóc búa cho thị trường khí đốt và chính sự thay đổi chiến lược này đã gây ra những hệ quả không nhỏ trong ngành.

Một cảng nhập khẩu LNG ở Trung Quốc. Ảnh AFP
Trong hai tháng đầu năm, lượng nhập khẩu đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng bảy năm qua. Dự kiến trong quý đầu, có thể giảm 20%. Xu hướng giảm nhập khẩu mạnh mẽ này khiến nhiều công ty phân tích phải hạ dự báo mua hàng của Trung Quốc vào năm 2025.
Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ giảm, bên cạnh đó Trung Quốc cũng đang tìm kiếm các nguồn cung khác: Trung Quốc nhập khẩu khí đốt chủ yếu qua đường ống từ Nga và Kazakhstan, đồng thời sản lượng trong nước cũng tăng lên đáng kể, tăng 6% trong năm ngoái. Theo kênh Bloomberg các ông lớn sản xuất hydrocarbon của Trung Quốc như Sinopec và Cnooc đã nâng cao mục tiêu sản xuất khí đốt của họ. Khí đốt hiện chiếm 54% sản lượng.
Liệu thị trường được duy trì sự cân bằng?
Các tập đoàn năng lượng lớn như Exxon Mobil, Shell hay TotalEnergies dự đoán nhu cầu khí đốt của Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Chuyên gia khí đốt của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Greg Molnar giải thích: “Ngay trong năm 2024, riêng Trung Quốc đã đóng góp hơn một phần tư vào sự tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu”.
Các tập đoàn này đã đầu tư hàng tỷ đô la vào các dự án LNG ở Mỹ và Qatar với mục tiêu tăng công suất sản xuất lên 50% trong vòng năm năm tới. Việc Trung Quốc giảm mua khí đốt đang dấy lên sự nghi ngờ về vai trò của nước này trong việc thúc đẩy tăng trưởng thị trường khí đốt ở những tháng tới, cũng như nhu cầu tiêu thụ thực tế của Trung Quốc.
Hơn thế nữa, Trung Quốc cũng giảm lượng mua giao ngay và ưu tiên các hợp đồng LNG dài hạn, được định giá theo giá dầu, “điều này cho thấy sự nhạy cảm tương đối về giá của người mua Trung Quốc”, chuyên gia của IEA lưu ý.
Các quốc gia Châu Âu nhận được lợi ích gì?
Trong thời gian ngắn, tình hình này có thể mang lại lợi ích cho châu Âu, nơi đang cạnh tranh với Trung Quốc để mua LNG. Ít tàu chở hàng đi Trung Quốc hơn đồng nghĩa với việc châu Âu có nhiều nguồn cung và giá cả tốt hơn.
Đây là một lợi thế lớn cho các khách hàng châu Âu, khi mà kho dự trữ của họ cạn kiệt và cần phải tích trữ lại trước khi mùa đông đến. Từ dữ liệu theo dõi tàu thuyền do Bloomberg tổng hợp, nhập khẩu LNG ở Tây Âu đã đạt mức cao nhất trong tháng Ba, một mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2017.
Bên cạnh đó, với tình hình hiện tại việc giảm nhu cầu khí đốt của Trung Quốc đã thúc đẩy “nhiều người mua Trung Quốc gia tăng năng lực thương mại và bán lại các lô hàng LNG của họ cho các thị trường khác, những thị trường sẵn sàng trả giá cao hơn trong bối cảnh thị trường căng thẳng hiện nay", ông Greg Molnar nhận xét.