Thị trường tín chỉ carbon: Nhiều lợi ích nhưng đầy thách thức
Các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng… ở TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là có nhiều tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon để tham gia thị trường carbon trong tương lai. Nhằm tạo chuẩn mực và xu hướng cho các địa phương khác trong việc tham gia hoạt động thị trường carbon, TP. Hồ Chí Minh dự tính sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra tiềm năng hình thành tín chỉ carbon của TP. Hồ Chí Minh là rất lớn nhờ điểm thuận lợi đến từ sự thống nhất về chủ trương.
Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố cho phép tín chỉ carbon được hình thành từ các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố, được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách thành phố được hưởng 100% và sẽ được dùng cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố.
Trong khi đó, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN chia sẻ, ở các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng…, TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là có nhiều tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon để tham gia thị trường carbon trong tương lai.

Theo ước tính từ các chuyên gia của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, hoạt động trồng rừng gắn với thị trường tín chỉ carbon ở Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được đánh giá rất cao. Ước tính, nếu bán tín chỉ carbon rừng Cần Giờ có thể thu khoảng 70 triệu USD mỗi năm… Tương tự, metro là giải pháp mang lại nhiều ưu điểm vượt trội trong việc bảo vệ môi trường do khả năng chuyên chở lượng hành khách lớn với mức tiêu hao năng lượng thấp hơn nhiều so với các phương tiện khác. Với sản lượng vận chuyển hành khách năm 2025 trên tuyến Metro số 1 ước tính có thể tạo ra được 60 tín chỉ carbon mỗi ngày.
Tuy nhiên, hành lang pháp lý mua bán tín chỉ carbon đối với rừng ngập mặn lại chưa hoàn thiện, nên không thể khai thác. Bên cạnh đó, những hạn chế như việc tìm kiếm nguồn vốn nhằm triển khai dự án tạo ra tín chỉ cũng đang rất thách thức và các khung pháp lý cũng đang cần hoàn thiện...
Nhấn mạnh vấn đề này, TS. Tô Thị Thùy Trang, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, các dự án tiềm năng tạo tín chỉ carbon ở thành phố đang triển khai bị thiếu hành lang pháp lý chi tiết cho các hoạt động thanh toán, đánh giá, thẩm định tín chỉ carbon, từ đó dẫn đến cản trở cho việc hình thành thị trường và triển khai thực hiện. Việc nhận thức về thị trường carbon cũng chưa đồng bộ, có nhiều nội dung chưa được hiểu biết tường tận; thiếu kết nối với các thị trường quốc tế, nơi tín chỉ có thể bán với giá cao, ổn định… TP. Hồ Chí Minh cần cân nhắc, tính toán kỹ để sẵn sàng bước vào thị trường này.
Một thách thức nữa đối với giao thông của TP. Hồ Chí Minh trong việc áp dụng tín chỉ carbon là rào cản kỹ thuật. Vì Việt Nam chưa có mức tham chiếu hay đường cơ sở (base line) phát thải giao thông, mà để tính ra tín chỉ carbon cần đường cơ sở, tức tính được lượng giảm phát thải mỗi năm khi chuyển đổi xanh.
“Chúng ta chưa có báo cáo đo đếm phát thải đầy đủ, theo tiêu chuẩn quốc tế cho lĩnh vực giao thông. Đó là điều bắt buộc phải làm trước khi bàn đến tài chính hay các vấn đề tiếp theo", ông Nguyễn Võ Trường An nhấn mạnh.
Cụ thể hơn về việc chủ động và khai thác tiềm năng của tín chỉ carbon trong hoạt động giao thông vận tải, ông Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98 của TP. Hồ Chí Minh đề xuất, thành phố cần có đề án thực hiện trong 10 năm (2026-2035) và trong đề án này phải gắn liền với những việc mà thành phố đang làm, ví dụ như lộ trình xây dựng các tuyến tàu điện hay lộ trình chuyển đổi xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe buýt điện và tăng tỷ trọng phương tiện giao thông công cộng trong tổng số phương tiện của thành phố. Việc này sẽ giúp giảm phương tiện cá nhân… Dĩ nhiên các ngành khác cũng phải chuyển đổi, nhưng cần ưu tiên cho lĩnh vực giao thông.
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ bao quát tổng thể, PGS-TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn nhận định, phát triển thị trường tín chỉ carbon đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều bên.
“Giai đoạn này, vai trò của chính quyền rất quan trọng. Người lãnh đạo phải thực sự quyết tâm, phải đóng vai trò là người dẫn dắt cuộc chơi. Nếu không có sự quyết tâm, thúc đẩy triển khai các dự án thì những tiềm năng cũng mãi là tiềm năng, hết sức lãng phí”, ông Quân nói.