Thị trường trái phiếu tháng 9 tiếp tục 'sóng gió'?

Bước sang tháng 9, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn vẫn rất lớn. Tháng cuối cùng của quý III được giới phân tích dự báo vẫn là một trong những tháng có giá trị đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong năm 2023, bất chấp tổng giá trị đáo hạn đã giảm khoảng 7,3% so với tháng 8.

Nhìn nhận tổng quan những diễn biến trên thị trường trái phiếu trong tháng 8, Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect đã đánh giá trong báo cáo thị trường mới công bố hôm 28/8 rằng, hoạt động phát hành và hoạt động đàm phán giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra khá tích cực. Trong khi đó, hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước hạn đã có sự chững lại so với các tháng trước đó.

Khép lại một tháng “lên - xuống”

Cụ thể, theo thống kê của đơn vị này, tính từ đầu tháng 8 cho đến ngày 24/8/2023, có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 12.770 tỷ đồng. Con số này được đánh giá là đã giảm tới 58,5% so với tháng 7 (khoảng 30.735 tỷ đồng).

Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành đạt 100.997 tỷ đồng, giảm 54,75% so với cùng kỳ. Hoạt động mua lại trước hạn trong tháng 8 cũng đã bị chững lại với tổng giá trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được mua lại là khoảng 7.246 tỷ đồng. Trong khi ở tháng 7, con số này lên tới 27.182 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thị trường cũng có những tín hiệu tích cực khi hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra rất tích cực trong tháng 8.

“Theo tổng hợp của chúng tôi, tính đến ngày 23/8 đã có 44 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn là hơn 58.803 tỷ đồng”, VnDirect cho biết.

Tháng 9 vẫn là một trong những tháng có giá trị đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong cả năm 2023, dù tổng giá trị đáo hạn giảm khoảng 7,3% so với tháng 8.

Tháng 9 vẫn là một trong những tháng có giá trị đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong cả năm 2023, dù tổng giá trị đáo hạn giảm khoảng 7,3% so với tháng 8.

Theo khảo sát của VnBusiness, nhiều doanh nghiệp đã có văn bản gửi về Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để công bố thông tin về thay đổi nội dung kỳ hạn trái phiếu.

Đơn cử như ngày 14/8, HNX cũng công bố thông tin Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn (Quận 12, TP.HCM) chính thức thông qua phương án điều chỉnh kéo dài thời gian đáo hạn đối với mã trái phiếu TTDCH2122001. Mốc thời gian đáo hạn được dời từ ngày 12/10/2022 sang ngày 27/7/2024. Được biết đây là công ty cổ phần chưa đại chúng, lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là dệt may. Giữa tháng 8 mới được HNX công bố thông tin nhưng trên thực tế, doanh nghiệp này đã có văn bản gửi về từ cuối tháng 6.

Thị trường vẫn trong giai đoạn thử thách

Khép lại tháng 8 với nhiều biến động đa chiều, thị trường trái phiếu sắp bước sang tháng cuối cùng của quý III/2023. Đội ngũ chuyên gia của VnDirect dự báo tháng 9 vẫn sẽ tiếp tục là một tháng thử thách của toàn thị trường khi áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn vẫn là rất lớn, với khoảng 25.820 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Cơ quan này đánh giá tháng 9 vẫn là một trong những tháng có giá trị đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong cả năm 2023, dù cho tổng giá trị đáo hạn theo tháng đã giảm khoảng 7,3% so với tháng 8. Theo thống kê ước tính trong cả năm 2023, tháng 9 chỉ đứng sau tháng 6 (với 34.796 tỷ đồng) và tháng 8 (với 27.854 tỷ đồng) về giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn theo tháng.

Trong bối cảnh đó, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX vẫn đang kéo dài thêm qua từng ngày. Tính đến ngày 24/8/2023, có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.

Đơn cử như ngày 23/8, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va đã công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu đối với mã NVL2020-02-200. Theo kế hoạch, lô trái phiếu này đã đến hạn thanh toán vào ngày cuối tháng 8/2023. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết chưa thể thu xếp được nguồn thanh toán đối với số tiền lãi hơn 12 tỷ đồng; trong khi với số tiền gốc 200 tỷ đồng thì người sở hữu đã thông qua phương án gia hạn.

Hay như ngày 10/8, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang cũng thông tin doanh nghiệp này chậm thanh toán lãi kỳ 7 của gói trái phiếu mã AGMH2123001. Lý do là tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công ty chưa sắp xếp được nguồn thanh toán lãi đến hạn.

VnDirect ước tính tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 173.680 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,9% dư nợ toàn thị trường. Đáng chú ý, phần lớn trong đó là những doanh nghiệp bất động sản khi nhóm này đang chiếm tới 13,2% dư nợ toàn hệ thống, trong khi tỷ trọng dư nợ của các nhóm khác chỉ là 2,7%.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup, bên cạnh các yếu tố tác động chung của môi trường kinh doanh thì những tổ chức phát hành rơi vào tình trạng trên đều có những đặc điểm chính về chất lượng tín dụng yếu trong một thời gian dài trước khi vi phạm nghĩa vụ nợ. Điển hình như đòn bẩy nợ cao, dòng tiền trả nợ yếu, dòng vốn bị tồn đọng ở các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn,...

Chuyên gia này đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay rằng cần chủ động đánh giá khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ theo điều kiện mới; hoặc tìm đến các đơn vị có chức năng tư vấn, hỗ trợ nếu cần thiết.

“Song song với đó, nhà đầu tư cũng có thể chủ động tham gia hỗ trợ doanh nghiệp cùng tìm kiếm giải pháp có lợi cho cả đôi bên”, ông Thuân nhấn mạnh.

Hà Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/thi-truong-trai-phieu-thang-9-tiep-tuc-apos-song-gio-apos-1094966.html