Thị trường vốn Việt Nam còn nhiều dư địa thu hút các nhà đầu tư tổ chức

Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để thu hút thêm sự hiện diện của các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, HSBC nhận định.

Nhận định trên được đưa ra trong Báo cáo "Vietnam at a glance: Câu chuyện về vốn", được Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC phát hành ngày 11/2, xoay quanh tiềm năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay, mở rộng các kênh huy động vốn.

HSBC cho rằng, khi nói đến đầu tư ở Việt Nam, không thể bỏ qua thị trường vốn đang chớm nở nơi đây Thực tế, Việt Nam là thị trường chứng khoán có kết quả hoạt động tốt nhất nhất Đông Nam Á năm 2024. Tuy nhiên, các quý gần đây lại ghi nhận sự suy giảm trong dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Mặc dù phần lớn bị chi phối bởi các yếu tố vĩ mô, hiện tượng này cũng làm dấy lên câu hỏi: Liệu có tồn tại rào cản nào đang cản trở sự quan tâm và tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam?

Trả lời cho câu hỏi này, các chuyên gia của HSBC cho rằng, có những thách thức lớn vẫn hiện hữu, chẳng hạn: những rào cản trong giao dịch và liên quan đến hạ tầng, mức độ minh bạch và công bố thông tin của doanh nghiệp còn hạn chế.

Tuy nhiên, những thay đổi cũng đang diễn ra. Việt Nam đã chính thức bãi bỏ yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch chứng khoán (có hiệu lực từ tháng 11/2024). Qua đó, đáp ứng một tiêu chí quan trọng để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, có khả năng đạt được vào cuối năm nay. FTSE Russell, công ty cung cấp chỉ số hàng đầu, ước tính việc thăng hạng này có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trị giá khoảng 6 tỷ USD, tương đương hơn 1% GDP, vào Việt Nam.

Theo HSBC, điều này đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam, một quốc gia đi sau so với các láng giềng ASEAN xét về mức độ phát triển thị trường chứng khoán.

Mặt khác, các chuyên gia HSBC cũng nhìn nhận, tín dụng ngân hàng đã tăng đáng kể so với quy mô nền kinh tế, cho thấy, đây vẫn là yếu tố chính hỗ trợ xu hướng tăng trưởng cao của Việt Nam trong những năm qua. Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng sẽ dẫn đến những rủi ro cho nền kinh tế và sự ổn định của hệ thống ngân hàng, điều này cũng đã được chứng minh trong quá khứ.

Bất chấp những thách thức, các cải cách nhằm tháo gỡ rào cản đang diễn ra

Để tăng trưởng kinh tế tránh phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, HSBC cho rằng, những diễn biến chính sách nhằm cải thiện thị trường vốn không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp các thị trường khác mà còn nhằm đa dạng hóa và mở rộng các kênh huy động vốn để tạo sức bền tài chính.

"Chính phủ đã có những bước đi nhằm giải quyết một số thách thức và rủi ro xung quanh thị trường vốn. Sau giai đoạn đầy biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào cuối năm 2022, các cơ quan quản lý đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nhằm xoa dịu những lo lắng của các nhà đầu tư, chẳng hạn như quy định chỉ cho phép các nhà đầu tư chuyên nghiệp được tham gia giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ," báo cáo HSBC thông tin.

Bên cạnh đó, những cải cách nhằm nâng cao mức độ minh bạch và công bố thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm nhà đầu tư toàn cầu cũng đang được triển khai. Năm 2025 là năm then chốt trong kế hoạch chuyển đổi của Chính phủ, khi việc áp dụng IFRS (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế) sẽ chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc đối với các công ty đại chúng kể từ năm nay trở đi.

Việc nâng cao tính minh bạch cũng được đẩy mạnh trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế, chẳng hạn như thị trường bất động sản. Những thay đổi pháp lý trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 đã góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới đổ vào lĩnh vực này, đạt 4 tỷ USD trong năm 2024, tăng lên so với mức 1 tỷ USD của năm 2023.

Những thay đổi đáng chú ý như định giá đất sát hơn giá trị thị trường, nới lỏng các quyền liên quan tới đất cho người Việt Nam ở nước ngoài và yêu cầu công bố thông tin chặt chẽ hơn từ các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục góp phần vào quá trình phục hồi tâm lý thị trường, theo HSBC.

Bên cạnh khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, việc mở rộng và đa dạng hóa nhà đầu tư trong nước sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam vững vàng đạt được mục tiêu chính thức: Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 25% GDP vào năm 2030.

"Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng sự hiện hiện của các nhà đầu tư tổ chức trên cả hai thị trường này. Do vậy, việc nâng hạng thị trường chứng khoán mới chỉ là bước khởi đầu để thu hút các nhà đầu tư này," HSBC đánh giá.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thi-truong-von-viet-nam-con-nhieu-du-dia-thu-hut-cac-nha-dau-tu-to-chuc-38151.html