Thị trường xe Việt 'mòn mỏi' trông chờ giảm phí trước bạ

Sau nhiều đồn đoán, thị trường ôtô Việt Nam có thể sẽ đón nhận đợt ưu đãi phí trước bạ thứ tư vào tháng 8 tới đây.

Sau nhiều lần đề xuất từ đầu năm, chính sách ưu đãi phí trước bạ dành cho ôtô lắp ráp tại thị trường Việt Nam vẫn chưa được chốt thời điểm chính thức áp dụng. Với sức bán tương đối kém ghi nhận trong phần lớn thời gian của quý I và quý II, chính sách ưu đãi phí trước bạ của Chính phủ đang được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích giúp thị trường ôtô trong nước tìm lại đà phục hồi.

“Mòn mỏi” chờ giảm phí

Hồi đầu năm, Thaco từng kiến nghị Nhà nước tiếp tục ưu đãi 50% phí trước bạ dành cho xe lắp ráp trong nước, đồng thời gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Đáng nói, động thái của Thaco diễn ra gần như ngay sau khi đợt ưu đãi phí trước bạ áp dụng lần thứ ba khép lại vào tháng 12/2023.

Trong quá khứ, thị trường Việt từng đón nhận các chương trình ưu đãi phí trước bạ kéo dài 6 tháng mỗi đợt do Chính phủ triển khai. Trong đó, lần một bắt đầu từ tháng 7/2020 và kết thúc vào tháng 12/2020, lần hai kéo dài từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022 và lần gần nhất, chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước có hiệu lực từ tháng 7/2023 đến hết tháng 12/2023.

Ở lần áp dụng đầu tiên, doanh số toàn thị trường xe Việt cho thấy sự cải thiện khá tích cực. Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 6/2020 đạt 24.002 xe, nhưng lượng tiêu thụ này đã tăng lên thành 47.865 xe ở tháng 12/2020, tương đương mức tăng trưởng gần gấp đôi sau khi kết thúc 6 tháng ưu đãi phí trước bạ.

Đến lần áp dụng thứ hai, những diễn biến ban đầu có vẻ kém khả quan hơn khi doanh số toàn thị trường đạt mức tăng trưởng 21% trong tháng đầu áp dụng trước khi giảm mạnh ở 2 kỳ báo cáo liên tiếp sau đó.

Dù vậy, số liệu bán hàng toàn thị trường đạt mức tăng trưởng 62,1% tại kỳ báo cáo tháng 3/2022, qua đó giúp tổng lượng tiêu thụ ôtô tại Việt Nam trong suốt 6 tháng của đợt ưu đãi lần 2 cán mốc 223.400 xe. Lượng tiêu thụ này phần nào giúp thị trường xe Việt đạt doanh số kỷ lục 404.635 xe khi năm 2022 khép lại.

Tuy nhiên, tháng đầu tiên của năm 2023 chứng kiến doanh số ôtô tại Việt Nam giảm sốc đến 51% so với kỳ báo cáo trước, chỉ đạt 17.314 xe. Đây là một phần nguyên nhân khiến đợt ưu đãi phí trước bạ thứ ba được chính thức triển khai, có hiệu lực từ tháng 7/2023 đến hết tháng 12 cùng năm.

Dù vậy, lần này chính sách ưu đãi phí trước bạ tỏ ra không mấy hiệu quả. Doanh số thị trường xe Việt không còn chứng kiến những đợt tăng trưởng mạnh mẽ từng bắt gặp tại 2 lần triển khai trước.

Thay vào đó, sức mua ôtô tại Việt Nam trong giai đoạn này chủ yếu nằm dưới ngưỡng 28.000 xe/tháng và chỉ bùng nổ ở kỳ báo cáo cuối năm 2023 với tổng doanh số 38.740 xe, tương đương mức tăng trưởng 38,6% so với tháng 11/2023.

 Đợt ưu đãi phí trước bạ lần thứ ba không mang đến kết quả thật sự tích cực.

Đợt ưu đãi phí trước bạ lần thứ ba không mang đến kết quả thật sự tích cực.

Trước tình hình này, Thaco hồi đầu năm từng kiến nghị nối dài chương trình ưu đãi phí trước bạ dành cho xe nội địa. Tuy nhiên, đề xuất của đơn vị phụ trách lắp ráp, phân phối các dòng xe thuộc thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot, BMW và MINI tại thị trường Việt Nam đã không được thông qua.

Cuối tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Chỉ thị 12 về các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trước thông tin này, nhiều tin đồn đã xuất hiện cho rằng chính sách ưu đãi phí trước bạ lần thứ tư sẽ được áp dụng ngay từ đầu tháng 7 và kéo dài đến hết tháng 12, tương tự đợt giảm phí trước bạ lần thứ ba từng diễn ra cách đây đúng một năm.

Tuy nhiên, cả tư vấn bán hàng lẫn khách mua xe tại Việt Nam đều đã “việt vị”, bởi phải đến những ngày đầu tháng 7, Bộ Tài chính mới đưa ra đề xuất áp dụng mức ưu đãi 50% phí trước bạ dành cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, thời hạn áp dụng chính sách này dự kiến bắt đầu từ tháng 8 và kéo dài đến hết tháng 1/2025.

Như vậy sau nhiều tháng “mòn mỏi” trông chờ, thị trường ôtô Việt Nam nhiều khả năng sẽ đón thêm một đợt ưu đãi phí trước bạ mới, bắt đầu từ tháng sau và áp dụng trong vòng nửa năm. Tuy nhiên, liệu chính sách này có đủ để “cứu” doanh số thị trường ôtô Việt Nam sau giai đoạn đầu năm tương đối trì trệ hay không?

Khó trông chờ giá xe giảm

Mục tiêu của đợt ưu đãi phí trước bạ luôn là hướng đến kéo giảm giá lăn bánh của xe thông qua chính sách hỗ trợ tương đương 5-6% giá trị niêm yết. Với một mẫu ôtô mới có giá niêm yết 700 triệu đồng, khoản hỗ trợ này tương đương giá trị 35-42 triệu đồng, không quá nhiều so với tổng chi phí mà khách hàng phải chi trả để sở hữu chiếc xe.

Không những vậy, nhiều hãng xe tại thị trường Việt Nam cũng chủ động chọn cách “đón đầu” chính sách này thông qua các chương trình khuyến mại dưới hình thức hỗ trợ phí trước bạ, thậm chí mức hỗ trợ có thể lên đến 100% khoản phí này đối với một số mẫu xe.

 Honda CR-V là một trong những mẫu xe thường xuyên được khuyến mại theo hình thức ưu đãi phí trước bạ. Ảnh: Honda Việt Nam.

Honda CR-V là một trong những mẫu xe thường xuyên được khuyến mại theo hình thức ưu đãi phí trước bạ. Ảnh: Honda Việt Nam.

Có thể điểm qua một vài cái tên điển hình trên thị trường ôtô Việt Nam đang được hưởng chính sách ưu đãi tối đa 100% phí trước bạ bao gồm các mẫu xe lắp ráp như Honda City, Honda CR-V các phiên bản G và L, Mitsubishi Outlander hay thậm chí nhiều mẫu xe nhập khẩu như Subaru Forester, Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7, Suzuki Ertiga Hybrid.

Ở phân khúc xe sang, Mercedes-Benz Việt Nam cũng triển khai chương trình ưu đãi theo hình thức hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với một số mẫu xe lắp ráp như GLC 200 4MATIC, E 300 AMG FL hay Mercedes-AMG C 43 4MATIC với giá trị khuyến mại cao nhất khoảng 192 triệu đồng.

Trên thực tế, khi chia sẻ với Tri thức - Znews, đại diện một đại lý ôtô tại khu vực TP.HCM từng xác nhận khi chính sách ưu đãi phí trước bạ do Chính phủ triển khai chính thức có hiệu lực, đại lý sẽ điều chỉnh giá trị khuyến mại hiện hữu dành cho nhiều dòng xe lắp ráp theo chiều hướng giảm.

Như vậy cho dù chính sách ưu đãi phí trước bạ có được áp dụng từ tháng 8 hay không, nhiều khả năng giá lăn bánh ôtô tại thị trường Việt Nam sẽ rất khó để có sự thay đổi theo hướng có lợi cho khách hàng.

 Giá xe khó có sự thay đổi lớn trong trường hợp ưu đãi phí trước bạ chính thức được áp dụng. Ảnh: Phương Lâm.

Giá xe khó có sự thay đổi lớn trong trường hợp ưu đãi phí trước bạ chính thức được áp dụng. Ảnh: Phương Lâm.

Tuy nhiên khi nhìn nhận một cách tích cực, chính sách ưu đãi phí trước bạ dành cho xe lắp ráp trong nước khi triển khai có thể trở thành một “liều thuốc” về mặt tinh thần, phần nào kích thích sức mua của khách hàng, gia tăng doanh số và giúp thị trường ôtô Việt Nam tìm lại đà phục hồi.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, tư vấn bán hàng tại một đại lý ôtô thương hiệu Nhật Bản cho biết phần lớn khách hàng đang chờ đợi thời điểm chính sách nói trên chính thức có hiệu lực mới tiến hành đặt cọc mua xe. Nếu thông tin này là chính xác, thị trường ôtô Việt Nam có thể chứng kiến một đợt tăng trưởng doanh số ấn tượng ngay trong tháng đầu tiên áp dụng hỗ trợ phí trước bạ dành cho xe lắp ráp nội địa.

Còn trong quá khứ, chính sách ưu đãi phí trước bạ do Chính phủ triển khai dù chỉ được áp dụng cho xe lắp ráp nhưng lượng tiêu thụ ôtô nhập khẩu tại Việt Nam cũng hưởng lợi và tăng trưởng theo. Thậm chí ở vài kỳ báo cáo như tháng 10/2020 hay tháng 3/2022, doanh số xe nhập khẩu còn sở hữu mức tăng trưởng tốt hơn so với những gì nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước làm được.

Cùng chờ xem ở lần triển khai thứ tư này, chương trình ưu đãi phí trước bạ dành cho xe lắp ráp trong nước sẽ tác động ra sao đến sức mua của thị trường ôtô Việt Nam.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thi-truong-xe-viet-mon-moi-trong-cho-giam-phi-truoc-ba-post1484602.html