Thích ứng an toàn, không chủ quan trước dịch bệnh
Xác định chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, các địa phương phía Nam đã từng bước nới lỏng giãn cách, chuyển sang trạng thái 'bình thường mới', vừa phòng chống dịch vừa từng bước khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Kiểm soát dịch bệnh, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội
Tại TP Hồ Chí Minh, theo ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Thời gian qua công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Hệ thống y tế được tăng cường, củng cố. Các trường hợp mắc COVID-19 phải nhập viện hoặc chuyển nặng, tử vong liên tục giảm. Đến hết ngày 30/9, trên 95% người trên 18 tuổi tại thành phố đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. Vì vậy, từ 0 giờ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh từng bước nới lỏng giãn cách, mở lại một số hoạt động nhưng có sự ưu tiên theo từng đối tượng, trong đó, ưu tiên thứ nhất liên quan đến phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất, đảm bảo không bị đứt gãy các chuỗi hoạt động cho người dân thành phố. Các hoạt động không phải được mở ồ ạt mà thận trọng từng bước, có lộ trình, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân.
Cùng ở khu vực Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với tỉnh Đồng Nai, từ 0 giờ ngày 1/10, tỉnh tiếp tục mở dần từng bước lộ trình "bình thường mới" đối với các vùng theo mức độ nguy cơ ở quy mô ấp, khu phố. Các địa phương trên địa bàn tỉnh căn cứ vào tình hình dịch, mức độ nguy cơ, tiêu chí kiểm soát dịch, tỷ lệ tiêm vaccine thường xuyên được đánh giá và cập nhật để phục vụ cho việc quyết định thực hiện và chuyển đổi giữa các vùng.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, thực hiện thận trọng, chắc chắn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, việc trở lại trạng thái "bình thường mới" tại các huyện, thành phố của tỉnh do UBND cấp huyện quyết định với các tiêu chí như: tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 và mức nguy cơ của các vùng được đánh giá định kỳ 1 lần/tuần ở tất cả các cấp từ ấp, khu phố đến huyện, thành phố để áp dụng các biện pháp phù hợp. Bên cạnh đó, đối với tất cả các cấp độ dịch bệnh, đều yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm quy định 5K; ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo y tế điện tử khi có triệu chứng hoặc khi di chuyển; quét mã QR tại các địa điểm tập trung đông người; thực hiện đăng ký tiêm vaccine trên nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine và chứng nhận tiêm điện tử theo quy định của Bộ Y tế.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ 0 giờ ngày 30/9, tỉnh Kiên Giang đã chuyển sang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch các thành phố, huyện, thị xã trực thuộc tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 19; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời thực hiện mục tiêu tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang yêu cầu giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, xã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát liên ngành phòng chống dịch tại cửa ngõ ra - vào tỉnh; thực hiện kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên bộ và trên biển. Bên cạnh đó, Kiên Giang khẩn trương tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp hàng hóa, vật tư phục vụ phát triển sản xuất, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế tại các địa phương; tiếp tục kết nối tiêu thụ nông - thủy sản; cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Không chủ quan, lơ là
Xác định chiến lược phòng, chống dịch gắn với khôi phục kinh tế- xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương cũng nhìn nhận, công tác phòng, chống dịch đã được nhiều kết quả khả quan, từng bước được kiểm soát song vẫn còn phức tạp, do đó từng địa phương, từng người dân, không thể chủ quan hay tạm "thả lỏng" các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm đến lộ trình khôi phục kinh tế, các quy định từ ngày 1/10 của TP Hồ Chí Minh và các địa phương, đặc biệt là các địa phương cùng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đại diện các doanh nghiệp quan tâm và nhất trí với phương châm: Tổ chức sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới không thể tách rời nhiệm vụ phòng, chống dịch và mong muốn thúc đẩy thực hiện tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ người lao động trong từng doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Thương - công nhân hiện ở trọ tại ở khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Công ty nơi chị làm việc đã có thông báo cho công nhân sẽ chính thức đi làm trở lại từ ngày 4/10. Chị Thương đã được tiêm đủ hai mũi vaccine tại phường đang tạm trú và cũng chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn để tiện sử dụng trong những ngày đi làm nên chị rất yên tâm quay trở lại công ty làm việc, không bị mất nguồn thu nhập do dịch bệnh như mấy tháng vừa qua.
Tin tưởng vào các giải pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là các giải pháp khẩn trương khoanh vùng, ngăn chặn dịch tại thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) khi trên địa bàn xuất hiện một số ca mắc COVID-19, chị Nguyễn Thị Thu - chủ một nhà hàng tại phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc chia sẻ: Luôn tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như tuân thủ lịch xét nghiệm COVID-19 của chính quyền địa phương, thực hiện khai báo y tế đầy đủ, giữ gìn vệ sinh nhà ở cũng như nơi kinh doanh, chị hy vọng với việc kiểm soát dịch bệnh tốt, Phú Quốc sẽ sớm đón khách du lịch trở lại tham quan, nghỉ dưỡng và thưởng thức những đặc sản của đảo Ngọc.