Thích ứng với biến động thuế quan
Hơn 22h tối 2/7 (giờ Việt Nam), nhiều group chứng khoán vẫn bàn tán rôm rả sau thông báo của Tổng thống Donald Trump về thỏa thuận sơ bộ thuế với Việt Nam. Thoạt nhìn mức thuế được phía Mỹ công bố không hẳn quá lạc quan nhưng phân tích kỹ lại thấy tích cực hơn nhiều so với mức thuế đối ứng chung ban đầu. Trong góc nhìn của một số nhà đầu tư, điều này có nghĩa là kịch bản xấu nhất đã không xảy ra.
Trong phiên giao dịch ngay sau đó, chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm, còn VN-Index giao dịch tích cực trong phần lớn thời gian và chỉ giảm nhẹ gần 3 điểm vào, chủ yếu do lực bán gia tăng sau 14h.
Nếu xét từ đáy thị trường sau biến động thuế quan ngày 9/4 đến nay, nhiều cổ phiếu có mức tăng 30-50%, mức lãi lý tưởng để nhà đầu tư chốt lời. Lựa chọn phương án bảo vệ thành quả, an toàn đầu tư là phản ứng của không ít nhà đầu tư cá nhân giai đoạn này.
Trò chuyện với lãnh đạo nhiều công ty xuất khẩu, cho thấy doanh nghiệp không bi quan trước những thông tin ban đầu về thuế quan. Một doanh nghiệp có quy mô doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, hàng vật liệu xây dựng xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu cho biết, họ vẫn duy trì sản xuất như vậy vì tỷ trọng lớn hàng gia công cho các thương hiệu Mỹ, xuất Fob và hiện không có đối thủ trong nước do nguồn nguyên liệu phần lớn trong nước.
Doanh nghiệp thủy sản nọ đã khởi công nhà máy số 3 đầu năm nay với mục đích xuất khẩu sang Mỹ thì đánh giá mức thuế sơ bộ trên là khá tích cực cho hàng thủy sản. Trong khi đó, chủ tịch một doanh nghiệp chuyên về khu công nghiệp nhận định, còn nhiều biến số để đến thỏa thuận cuối cùng nhưng mức ban đầu trên là nỗ lực lớn, trong đó có sự phân tách giữa hàng sản xuất có tỷ lệ Việt Nam lớn và hàng dán nhãn.
Trên thực tế, vấn đề dán nhãn hàng Việt Nam đã được cảnh báo và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng nhức nhối về câu chuyện này. Một số ngành, doanh nghiệp thậm chí tự đi thu thập dữ liệu, làm báo cáo chi tiết gửi tới Bộ Công Thương để trình bày về tình trạng dán nhãn hàng Việt Nam.
Những quy định mới về thuế như vậy sẽ khuyến khích doanh nghiệp Việt gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, hạn chế những cơ hội làm ăn chụp giật và không công bằng với cộng đồng doanh nghiệp trong một ngành. Điều này cũng đúng với tinh thần kinh doanh mà Đảng và Chính phủ đặt ra gần đây.
Đầu năm nay, trong một cuộc trò chuyện với Đầu tư Chứng khoán, ông Quan Đức Hoàng - Chủ tịch Quỹ A+ cũng không giấu được sự bức xúc về tình trạng một bộ phận doanh nghiệp tranh thủ “chụp giật” cơ hội trên thị trường. Khi có doanh nghiệp đến đặt vấn đề gọi vốn đầu tư của Quỹ A+, ông nhận ra ngay mô hình kinh doanh dán nhãn và cảnh báo điều này là không bền vững. Tuy nhiên, chính doanh nghiệp lại cho biết “cứ tranh thủ khi nào chính sách còn cho phép”.
Rõ ràng, trong câu chuyện về đàm phán thuế và những kết quả ban đầu, con đường phía trước còn không ít thách thức khi nhiều doanh nghiệp bị loại khỏi cuộc chơi cơ hội trước đây nhưng nhìn dài hạn, đây là chuyển động tích cực cho Việt Nam. Cứ nhìn vào những nỗ lực chống hàng giả, hàng nhái gần đây của cơ quan chức năng để thấy, đó là những động thái chính sách được hoan nghênh để doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh chân chính có động lực vươn lên và đi xa.
Với những nền tảng cơ bản và động lực lớn từ sự thay đổi như khả năng nâng hạng thị trường đang ngày càng rõ, chứng khoán Việt Nam được nhìn nhận vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nửa cuối năm và xa hơn. Trên hành trình dài sẽ phải có những chặng dừng nghỉ, bởi vậy những phiên giảm điểm cũng nên được coi là bình thường, tương tự khi VN-Index đi lên trong nghi ngờ suốt tháng 5 và tháng 6.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thich-ung-voi-bien-dong-thue-quan-post372573.html