Thiêng liêng nghi lễ chào cờ trên đỉnh núi Rồng
Đã thành thông lệ, cứ vào ngày đầu tiên của năm mới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang lại cùng với cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang tổ chức nghi lễ chào cờ tại Cột cờ quốc gia Lũng Cú. Trong nắng Xuân chan hòa, giai điệu hào hùng của bài hát 'Tiến quân ca' được vang lên, hòa nhịp cùng tiếng Quốc kỳ đang tung bay trong gió của cao nguyên đá nơi địa đầu Tổ quốc đầy kiêu hãnh khiến trong lòng mọi người dâng trào niềm xúc động và những cảm xúc tự hào về đất nước, thầm cảm ơn các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương giữ gìn miền biên ải.

Toàn cảnh Cột cờ quốc gia Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng. Ảnh: Thủy Lê
Đến với Lũng Cú
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng hơn 150km về phía Bắc, Cột cờ quốc gia Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Nhìn trên bản đồ Việt Nam, xã Lũng Cú như là một “chóp nón” trên cao nguyên đá Đồng Văn. Lũng Cú cũng là nơi sinh sống của đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó, đông nhất là đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô. Từ lâu, Lũng Cú đã trở thành điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn, không thể bỏ qua của mỗi người dân Việt Nam và du khách quốc tế khi đến Hà Giang.
Cột cờ quốc gia Lũng Cú tọa lạc trên đỉnh núi Rồng với độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, cách điểm cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3km đường chim bay, cách thị trấn Đồng Văn 24km. Cột cờ được xây dựng theo mô hình Cột cờ Hà Nội, có tổng chiều cao 34,85m, lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận, đoàn kết trên lãnh thổ Việt Nam. Phần thân cột cờ được thiết kế theo hình bát giác, gắn 8 hình trống đồng và 8 bức phù điêu bằng đá xanh minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước cũng như con người và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng, đến năm 2010 thì cột cờ như ngày hôm nay được khánh thành. Năm 2019, Cột cờ quốc gia Lũng Cú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hiện nay, Cột cờ quốc gia Lũng Cú được UBND tỉnh Hà Giang giao cho Đồn Biên phòng Lũng Cú quản lý và chịu trách nhiệm bảo vệ. Để quản lý và bảo vệ Cột cờ quốc gia Lũng Cú cũng như tạo điều kiện cho du khách đến với điểm du lịch nổi tiếng khi đến với Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Đồn Biên phòng Lũng Cú đã đặt một trạm canh gác ở dưới chân cột cờ và mỗi tuần các chiến sĩ trực ở đây sẽ thay mới lá cờ một lần, còn lâu nhất là 10 ngày, do sức gió trên đỉnh núi Rồng rất mạnh khiến cờ dễ bị hư hỏng. Khi lá cờ bạc màu hoặc bị rách, các chiến sĩ thay thế bằng một lá cờ mới. Những hôm gió quẩn, lá cờ cuốn vào thân cột, anh em chiến sĩ phải trèo lên gỡ lá cờ ra, để lá cờ tiếp tục tung bay kiêu hãnh. “Những lá cờ Tổ quốc trên Cột cờ quốc gia Lũng Cú, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đã phai màu vì nắng mưa hay bị rách vì mưa gió, được đơn vị lưu giữ lại và làm quà tặng cho những đoàn khách đặc biệt đến thăm Lũng Cú. Đến nay, lá cờ Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú đã trở thành một kỷ vật thiêng liêng mà rất nhiều đoàn công tác mong muốn có được”- Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết.
Nghi lễ thiêng liêng
Là một công dân Việt Nam, hẳn ai trong chúng ta cũng mơ ước được một lần tham gia nghi lễ chào cờ đón chào năm mới tại Cột cờ quốc gia Lũng Cú, biểu tượng có ý nghĩa lịch sử thiêng liêng, biểu trưng tinh thần tự tôn của dân tộc và chủ quyền độc lập lãnh thổ của Việt Nam. Trong không khí rộn ràng, náo nức của ngày đầu năm mới 2025, chúng tôi thật vinh dự và tự hào khi được tham dự nghi lễ chào cờ đầu năm mới cùng với hơn 100 đại biểu đến từ Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể của huyện Đồng Văn; cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú và đông đảo người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm dịp đầu Xuân.
Nhìn từ dưới lên, Cột cờ quốc gia Lũng Cú sừng sững trên đỉnh núi Rồng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió Xuân kiêu hãnh. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, sau tiếng hô khẩu lệnh: “Nghiêm! Chào cờ! Chào!” của Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, tất cả đại biểu, nhân dân và du khách đứng trang nghiêm, hướng mắt lên Quốc kỳ và đồng thanh hát Quốc ca trước lá cờ rộng 54m2 được kéo từ từ lên ngọn kỳ đài trên đỉnh núi Rồng. Giai điệu hào hùng của bài Quốc ca được vang lên, hòa nhịp cùng tiếng gió của cao nguyên đá nơi địa đầu Tổ quốc càng làm cho không khí của buổi lễ thêm trang nghiêm, linh thiêng trong niềm xúc động, tự hào của tất cả thành viên tham dự nghi lễ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú thay cờ mới để chuẩn bị nghi thức chào cờ đầu năm mới. Ảnh: Thủy Lê
Chia sẻ cảm xúc khi tham dự lễ chào cờ trên Cột cờ quốc gia Lũng Cú, anh Nguyễn Tiến Dũng, du khách đến từ thành phố Cần Thơ chia sẻ: “Lần đầu tới nơi địa đầu Tổ quốc, tôi rất hạnh phúc khi thực hiện nghi thức chào cờ đầu năm mới với các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc. Dưới cờ đỏ sao vàng, tôi với các đại biểu cùng nhau hát bài Quốc ca, thể hiện niềm tin son sắc đối với Đảng, với Tổ quốc”. Cùng chung tâm trạng với anh Tiến Dũng, anh Lê Hoài Nam, một du khách đến từ thành phố Đà Nẵng cho biết: "Tôi đã đến Hà Giang nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một nghi lễ chào cờ đầu năm mới, giây phút được chạm tay vào lá cờ Tổ quốc, tôi cảm thấy thật thiêng liêng, cũng thật tự hào. Lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay phấp phới trên đỉnh Lũng Cú không chỉ khẳng định chủ quyền của dân tộc, mà còn là biểu tượng tinh thần bất khuất, ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang".
Dù đã được tham gia rất nhiều lần chào cờ trên đỉnh núi Rồng, nhưng Thiếu tá Vừ Mí Sình, cán bộ của Đồn Biên phòng Lũng Cú vẫn không khỏi xúc động, anh cho biết: “Tôi đã từng tham gia rất nhiều buổi chào cờ trên đỉnh núi Rồng. Nhưng mỗi lần tham gia chào cờ vào ngày đầu năm mới tại địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, chúng tôi cảm thấy thật vinh dự, tự hào và càng cảm thấy trách nhiệm lớn lao của mình, cùng với toàn thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc”.
Tổ quốc trong trái tim
Dù mới được cấp trên điều về công tác tại Đồn Biên phòng Lũng Cú chưa đến 1 năm nay, nhưng Trung úy Giàng Minh Trung, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Lũng Cú đã tìm hiểu về lịch sử của vùng đất này, nơi mà anh đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ quản lý và bảo vệ. Anh cho biết, theo sử sách ghi lại, di tích Cột cờ Lũng Cú ra đời từ thời Lý. Khi xưa, Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân về trấn ải vùng đất biên thùy, đã cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta. Nhờ cột cờ này, mà suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất biên ải nơi cực Bắc được tồn tại đến hôm nay.
Đến thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược, đã nhận ra tầm quan trọng của vùng đất biên ải và đã cho xây dựng một đồn gác nơi đây, dưới đồn gác cho đặt một trống đồng, mỗi canh được đánh lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Cũng vì lẽ đó, mà mảnh đất này còn có tên gọi là Long Cổ (tức trống của vua). Đến năm 1978, Đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Cú (nay là Đồn Biên phòng Lũng Cú) cho cắm cột cờ tại đỉnh núi Rồng tại vị trí bây giờ. Lúc đó, cột cờ chỉ bằng cây sa mộc, cao 12m, lá cờ rộng 1,2m2. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đỉnh núi Rồng được lực lượng Công an nhân dân vũ trang Lũng Cú đóng chốt ở đó để bảo vệ núi Rồng.
Phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, trải qua hơn 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, sống trong sự đùm bọc, yêu thương của nhân dân các dân tộc, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú luôn biết vượt qua khó khăn, đoàn kết trên dưới một lòng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Quân đội và nhân dân giao phó. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Lũng Cú còn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo đời sống cho bà con. Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, từ năm 2015 đến nay, Đồn Biên phòng Lũng Cú liên tục đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, Đảng bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh. Nhiều tập thể, cá nhân được các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang khen thưởng.