Thiết kế sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam

Là vấn đề khó, mới và trong khuôn khổ thời gian có hạn, nhưng tại hội thảo tham vấn nâng cao năng lực trong đánh giá thực trạng pháp luật, hạ tầng và kinh nghiệm quốc tế để thiết kế sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam, nhiều nhà tư vấn trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều mô hình, kinh nghiệm hay của các nước, cũng như những nghiên cứu có giá trị cho Việt Nam để vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon vào năm 2028. Hội thảo do Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) phối hợp với Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) của Văn phòng Dịch vụ dự án của Liên Hợp quốc (UNOPS) tổ chức.

Nghi thức ra mắt Sàn Giao dịch tín chỉ các-bon ASEAN, tháng 9/2023. Ảnh: TL

Nghi thức ra mắt Sàn Giao dịch tín chỉ các-bon ASEAN, tháng 9/2023. Ảnh: TL

Thiết lập, vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon

Đối với thị trường các-bon trong nước, lộ trình phát triển và triển khai đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027 sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành, cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon vào năm 2028.

Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường các-bon, đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường các-bon để trình Thủ tướng phê duyệt.

Theo bà Hồ Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), Hội nghị COP28 về biến

Nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường các-bon

Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường các - bon, đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường các-bon để trình Thủ tướng phê duyệt.

đổi khí hậu dự kiến khai mạc vào 30/11/2023 tại Dubai, UAE, trong đó các nội dung trao đổi tập trung vào 5 nhóm chính là: giảm phát thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu; tài chính khí hậu; về các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; đánh giá nỗ lực toàn cầu mà các quốc gia đã đệ trình thông qua các báo cáo quốc gia, đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) và các văn bản khác để thấy được những tiến triển và những khoảng trống trong thực hiện các mục tiêu toàn cầu về ứng phó với bến đổi khí hậu.

Với COP28, các bên sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Các nội dung về thị trường các-bon, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon được quan tâm và triển khai nhằm tạo ra cơ chế linh hoạt, hỗ trợ hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững.

Trong các cơ chế này, thị trường các-bon là một trong những công cụ định giá các-bon quan trọng hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam. Bộ Tài chính là cơ quan đang được giao xây dựng và phát triển thị trường các-bon. Để triển khai nhiệm vụ này, với sự hỗ trợ của Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (thông qua Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc UNOPS), Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế) triển khai dự án “Nâng cao năng lực trong đánh giá thực trạng pháp luật, hạ tầng và kinh nghiệm quốc tế để thiết kế sàn giao dịch tín chỉ các-bon”.

Sử dụng công cụ tài chính để đạt mục tiêu về môi trường

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo ông Albert de Haan - Nhóm tư vấn, trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris, thực hiện các giao dịch tín chỉ các-bon quốc tế là một trong những khía cạnh chính để đạt được Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Trên toàn cầu, nhiều Hệ thống Trao đổi Hạn ngạch Phát thải (ETS) được triển khai. Nhiều quốc gia sẽ hưởng lợi từ các cơ hội triển khai ETS trong nước để đạt được các mục tiêu NDC dễ dàng hơn, khi mà chính phủ kiểm soát một cách toàn diện hơn cách thức để đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Albert de Haan cho rằng, Hệ thống Trao đổi Hạn ngạch Phát thải là một giải pháp phù hợp để đạt được các mục tiêu của quốc gia, mở ra cơ hội triển khai các giao dịch tín chỉ các-bon quốc tế nhằm giảm các chi phí đạt được mục tiêu. Hạn ngạch tại Anh được coi như là “công cụ tài chính”, các quy định áp dụng cho các sản phẩm trên thị trường tài chính, bao gồm giao dịch hạn ngạch phái sinh hoặc OTC sẽ áp dụng cho UK ETS.

Cũng theo vị chuyên gia này, thị trường tín chỉ các-bon, thông điệp quan trọng là cải thiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đây cũng là nỗ lực về công cụ tài chính để giảm phát thải. “Tôi tin rằng Việt Nam sẽ làm được điều này. Hiện nhiều nước mô hình này đã đạt được những thành công, nên Việt Nam có thể học hỏi và tránh được những hạn chế, bất cập mà các quốc gia khác đã trải qua” - ông Albert de Haan cho hay.

Đề xuất thí điểm vận hành Sàn giao dịch tín chỉ các-bon trên cơ sở sử dụng hệ thống hạ tầng của giao dịch chứng khoán, chuyên gia kinh tế, ông Phạm Phan Dũng - nhóm Tư vấn cho rằng, vai trò cụ thể của các đơn vị liên quan bao gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường thiết kế, xây dựng và quản lý thị trường các-bon, bao gồm thiết lập hệ thống đăng ký hạn ngạch và tín chỉ các-bon; quy định về hệ thống MRV, các yêu cầu đối với hạn ngạch/tín chỉ các-bon và các đơn vị được tham gia giao dịch; xác định phạm vi sử dụng dịch vụ của hệ thống giao dịch chứng khoán khi các thành viên thị trường tham gia giao dịch thứ cấp đối với hạn ngạch và tín chỉ các-bon.

Sàn giao dịch tín chỉ các-bon được thiết lập trên cơ sở sử dụng dịch vụ của hệ thống giao dịch chứng khoán do Bộ Tài chính quản lý (với sự tham gia của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam).

Để vận hành Sàn giao dịch tín chỉ các-bon, thời gian tới cần ban hành một loạt các quy định, như: Nghị định của Chính phủ thiết lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon; quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xây dựng, quản lý thị trường tín chỉ các-bon; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ vận hành thí điểm Sàn giao dịch tín chỉ các-bon cho Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường…/.

Phát triển thị trường tài chính xanh

Những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với ba cấu phần gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

Bộ Tài chính thời gian qua đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Để khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ của trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực. Tổng giá trị mảng xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần so với năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong 3 năm liền. Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Dù vậy, để vận hành thị trường vào năm 2028, theo một số chuyên gia, hiện vẫn còn một số khoảng trống pháp lý để vận hành một thị trường các-bon hiệu quả. Về các loại tín chỉ các-bon được giao dịch, hiện chưa có quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá, xác định tín chỉ các-bon đủ điều kiện để được giao dịch trên thị trường. Hay như về đối tượng tham gia thị trường, chưa có quy định cụ thể như thế nào là các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đấu giá, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; chưa có quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá, xác định tổ chức, cá nhân được đấu giá, mua bán trên thị trường...

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thiet-ke-san-giao-dich-tin-chi-cac-bon-tai-viet-nam-140385-140385.html